Không thể xây cầu, học sinh Quảng Bình vượt sông đi học bằng đò ngang

VOV.VN -Nhiều năm qua, học sinh tại 2 thôn Trằm, Mé thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình phải vượt sông Son bằng đò ngang để đến trường.

Không có cầu, đò ngang là phương tiện duy nhất phục vụ nhu cầu qua sông của người dân.
Không có cầu, đò ngang là phương tiện duy nhất phục vụ nhu cầu qua sông của người dân.

Nhiều năm qua, học sinh tại 2 thôn Trằm, Mé thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình phải vượt sông Son bằng đò ngang để đến trường. Những chuyến đò ngang này luôn chở gấp đôi, gấp 3 số người cho phép và tất cả đều không mặc áo phao.

Thôn Trằm và thôn Mé như một ốc đảo nằm bên kia sông Son, 2 thôn này chỉ có 1 điểm trường tiểu học. Sau khi học xong tiểu học, các em muốn học lên cấp học cao hơn phải vượt sông để đến trường. Mỗi ngày có khoảng 130 em học sinh vượt sông bằng đò ngang đến lớp. Mỗi chuyến đò thường chở từ 15- 20 học sinh, vượt gấp đôi hoặc gấp 3 trọng tải và không ai mặc áo phao.

Ông Phan Xuân Thẩm, 64 tuổi, ở thôn Trằm, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch đã có hơn 10 năm làm nghề chèo đò chở người dân, học sinh vượt sông Son đi làm, đi học. Ông Thẩm thừa nhận chiếc đò của ông đã cũ nhưng nhiều lúc người dân lên đò đến 20 người, không ai chịu nhường ai.

khong the xay cau, hoc sinh quang binh vuot song di hoc bang do ngang hinh 2
Không có cầu, mỗi ngày học sinh phải qua sông nhờ những chuyến đò ngang.

“Lúc nào người dân cần thì mình phục vụ đò, kể cả đêm hôm, cần thiết nhất là những lúc đột xuất, ốm đau hoặc sinh nở thì phải phục vụ tận tình cho bà con. Ở đây vất vả, ở giữa đảo nên đề nghị Nhà nước tạo điều kiện cho thôn 1 chiếc cầu để con em đi học dễ dàng, đảm bảo an toàn giao thông.”- Ông Phan Xuân Thẩm lo lắng.

khong the xay cau, hoc sinh quang binh vuot song di hoc bang do ngang hinh 3
Những chuyến đò chở học sinh sang sông vượt quá số người quy định.

Ông Trần Nam Trung, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, 2 thôn Trằm, Mé có khoảng 1.200 người sinh sống. Ngoài số học sinh đi học, hằng ngày có từ 80-100 lượt người, phương tiện xe đạp, xe máy của bà con qua lại trên sông Son. Theo ông Trần Nam Trung, người dân 2 thôn Trằm, Mé từ lâu mong chờ 1 cây cầu.

khong the xay cau, hoc sinh quang binh vuot song di hoc bang do ngang hinh 4
Các em học sinh nín thở vượt sông trên những chuyến đò ngang để đến lớp.

“Hiện tại không có phương tiện nào khác chiếc đò ngang này. Xây cầu thì đến giờ chắc là không có nữa. Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu để làm cầu treo, vừa rồi cũng có nhà đầu tư nghiên cứu để làm cầu phao dân sinh. Nhưng vị trí đó nằm ở vị trí vào cửa động, không đảm bảo cảnh quan du lịch, nằm ngay ngã 3 sông không thể thoát lũ cho nên Sở Giao thông Vận tải cũng đã dừng các phương án này”- ông Trần Nam Trung cho biết.

khong the xay cau, hoc sinh quang binh vuot song di hoc bang do ngang hinh 5
Trên những chuyến đò đều có trang bị áo phao nhưng không có ai mặc vào để đảm bảo an toàn.

Ông Trần Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết, việc xây dựng cầu qua sông để phục vụ nhu cầu dân sinh tại 2 thôn Trằm, Mé là rất cần thiết. Đơn vị đã từng tính đến phương án xây dựng cầu phao dân sinh hoặc cầu treo. Tuy nhiên, đây là khu vực thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nên muốn xây cầu cần phải cách xa khu vực này. Ông Trần Văn Luận cho biết, phương án xây dựng cầu tại khu vực này không khả thi.

“Sở đã lên phương án làm cầu kiên cố, đưa vào danh mục nhưng khi rà soát lại thì theo tiêu chí dự án, theo quyết định của Bộ thì đành chịu, bây giờ có kinh phí đầu tư cũng không xây dựng được, buộc phải chờ. Giờ làm cầu làm cao không được, thấp cũng không được, trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật không cho phép buộc phải đi đò, nhưng đò phải an toàn cho người dân vì tính mạng con người là trên hết”- ông Trần Văn Luận cho biết./.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ