Học sinh đi học bằng đò “4 không”, phụ huynh và thầy cô nín thở nhìn

Mỗi lần học sinh đi học và tan trường bằng chiếc đò "4 không", cha mẹ và thầy cô đều đứng ở bến đò trực, phòng khi đò lật còn ứng cứu.

Học sinh đi học bằng đò “4 không”, phụ huynh và thầy cô nín thở nhìn

Từ nhiều năm nay người dân 2 xã Lộc Hòa và xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long phải qua sông Cầu Kho bằng một chiếc đò không an toàn. Đò này là của bà Huỳnh Thị Lệ Thúy vận hành không có giấy phép, không chứng chỉ chuyên môn, không áo phao và bản thân bà cũng lớn tuổi  thường xuyên bị đau ốm.

Sông Cầu Kho được xem là ranh giới giữa 2 xã Lộc Hòa và xã Tân Hạnh thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Trước đây tại đoạn sông này cũng có cây cầu kiên cố đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân 2 xã qua lại. Nhưng vào năm 1997 chiếc cầu này bị sập đến nay vẫn chưa được xây dựng lại.

Do nhu cầu qua lại của người dân, đặc biệt là các em học sinh, bến đò Cầu Kho đã tự mọc lên với tiêu chuẩn 4 không: Không có giấy phép hoạt động, người lái đò không có chứng chỉ chuyên môn, không áo phao và bản thân người đưa đò cũng không còn đủ sức khỏe để chèo xuồng.

Gọi là con đò cho “oai” thật ra đây là một chiếc xuồng nhỏ bơi bằng tay do bà Huỳnh Thị Lệ Thúy năm nay đã ngoài 60 tuổi dựng lên. 

hoc sinh di hoc bang do "4 khong", phu huynh va thay co nin tho nhin hinh 1
Lúc học sinh sinh xuống đò qua sông phụ huynh học sinh đều đến tận bến phà để canh chừng.

Bà Thúy cho biết vì thấy các em học sinh đi học đường vòng đến trường quá  xa nên bà mới lập đò đưa các em qua sông Cầu Kho: "Năm nay tôi 61 tuổi rồi, tôi không đưa nữa, nhưng phụ huynh cứ năn nỉ tôi đưa. Vì nếu không đưa thì các cháu đi học quá xa, các cháu nhỏ đi xa không được nên tôi mới đưa chứ tôi không rảnh để đưa. Buổi sáng tôi thường hay chóng mặt. Tôi xuống ghe là ngồi yên một chỗ là bơi, phụ huynh đưa con mình xuống ghe, khi qua sông thì chồng tôi đưa học sinh lên."

Do tuổi cao sức yếu và đáp ứng theo nguyện vọng của các phụ huynh học sinh, hiện nay bà Thúy cũng chỉ nhận đưa học sinh qua sông đến trường. Người dân địa phương nếu có nhu cầu qua sông thì đi đường bộ vòng xa gấp nhiều lần so với đi đò.

hoc sinh di hoc bang do "4 khong", phu huynh va thay co nin tho nhin hinh 2
Học sinh trường tiểu học Lộc Hòa C tan trường

Tất cả các em học sinh đều không biết bơi. Biết đò này không an toàn, mỗi khi đưa đón con qua đò đi học các phụ huynh học sinh đều đến tận bến đò trực và chuẩn bị sẵn sàng nhảy xuống sông cứu con khi có sự cố xảy ra.

Chị Võ Thị Ngọc Tuyền ở xã Tân Hạnh cho biết, 5 năm qua con của chị đến trường bằng chiếc đò này. Khi con xuống đò qua sông chị đều đến bến đò trực.

"Tôi đề nghị Nhà nước bắc cầu để cho học sinh đi lại, không chỉ riêng con của tôi mà tất cả mỗi người đều mong muốn như vậy. Bây giờ không ai đưa đò nữa, chị Thúy lớn tuổi rồi không còn đưa được nữa."

hoc sinh di hoc bang do "4 khong", phu huynh va thay co nin tho nhin hinh 3
Chiếc đò đưa khách qua sông của bà Thúy.

Bà Cao Thị Hồng Nga, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lộc Hòa cho biết chính quyền địa phương cũng biết chuyện này, bà Huỳnh Thị Lệ Thúy chủ đò cũng có nguyện vọng đóng cửa bến đò này nhiều lần, nhưng do không có người đưa con đi học, phụ hynh học sinh lại vận động bà Thúy ra đưa đò tiếp.

Chính quyền địa phương cũng mong muốn có một cái cầu để đi lại: "Các em đi học bằng con đò này. Trước khó khăn này thì địa phương không có khả năng xây cầu và  hiện nay đang vận động các mạnh thường quân để xây lại cầu này", Bà Thúy nói.

Thầy Trần Minh Hoàng, Hiệu trưởng trường tiểu học Lộc Hòa C, huyện Long Hồ cho biết cả trường có khoảng ¼ số học sinh đi học qua lại con đò này. Mỗi khi các em xuống ghe qua sông, các thầy cô đều đi theo canh chừng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Hình ảnh những chuyến đò ngang đưa học sinh đi học cứ tưởng chỉ có ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Nhưng tại huyện Long Hồ, địa phương chỉ cách thành phố Vĩnh Long vài chục cây số cũng có những bến đò không an toàn như thế này. Chính quyền địa phương và ngành giáo dục huyện Long Hồ mong muốn có được một chiếc cầu an toàn để người dân qua lại được thuận lợi hơn./.

Theo vov

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ