Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân thăm và làm việc tại hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân thăm và làm việc tại hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau
Phó Thủ tướng thăm Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm
Phó Thủ tướng thăm Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm

Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng đã đến thăm và tặng quà cho Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm. Thăm và trồng cây lưu niệm tại Trường phổ thông dân tộc nội trú Bạc Liêu. Gặp mặt, tặng máy tính cho thầy và trò Trường Đại học Bạc Liêu và Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ tại thị xã Bạc Liêu.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo ngành GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu, ngành đã đề xuất Bộ GD-ĐT xem xét cho phép Bạc Liêu thành lập thêm 1 trường THPT chuyên của tỉnh đặt tại huyện Giá Rai nhằm đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho các huyện vùng sâu, vùng xa như Giá Rai, Đông Hải, Phước Long và một phần của huyện Hòa Bình; đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét tăng chỉ tiêu cho các trường đại học có năng lực đào tạo tiến sĩ để giúp Đại học Bạc Liêu sớm chuẩn hóa đội ngũ giảng viên và tăng mức học bổng cho học sinh hệ dân tộc nội trú từ 420.000 đồng/ tháng lên ngang bằng với mức lương tối thiểu. Tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị với Bộ Tài chính, đề nghị không giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% kinh phí cho ngành Giáo dục tỉnh. Để dành kinh phí hỗ trợ những cơ sở giáo dục khó khăn về địa hình có kinh phí hoạt động.

Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu của các thầy, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục ở Bạc Liêu và mong muốn ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục cố gắng, khắc phục khó khăn vươn lên để nhanh chóng bắt kịp nhịp độ phát triển của các tỉnh trong khu vực miền Tây Nam Bộ và cả nước.
Đặc biệt quan tâm đến công tác chuẩn bị cho năm học mới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngành Giáo dục Bạc Liêu phải lưu ý thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế trong phòng chống dịch cúm A (H1N1); tiếp tục triển khai đồng bộ các phong trào, đặc biệt là phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; đảm bảo nguyên tắc 3 đủ: đủ ăn - đủ mặc - đủ sách vở để tất cả các em trong độ tuổi đi học đều được đến trường.

Cà  Mau: Mong rằng tỉnh Cà Mau làm sao cho 50% người đến tuổi lao động được học nghề


Ngày 28/8/2009 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác đến Cà Mau đúng vào ngày tỉnh Cà Mau tổ chức ngày hội Giáo dục, chung tay chung sức vì học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có tiền đi đò đến lớp và đón nhận Quyết định công nhận phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS.
Đầu năm học này, Cà Mau có 6.500 HS đi học bằng đò ngang, 31.000 HS đi đò dọc, trong đó có 14.000 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bình quân mỗi em đi đò ngang hàng tháng là 45.000đ, đi đò dọc là 200.000đ.

Ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau đã báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác của Bộ: Cà Mau có 3 mặt giáp biển, với hệ thống giao thông thuỷ chằng chịt, thuận lợi phát triển nông nghiệp, nhưng việc đi lại bằng đường bộ rất khó khăn. Khó khăn đó tác động xấu đến việc huy động học sinh đến trường. Cuối năm học 2008-2009, Cà Mau có tỉ lệ học sinh bỏ học cao nhất các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân trắc trở đi học bằng đò mà cha mẹ không đủ tiền cho con là 30%.  Để chuẩn bị năm học mới, lãnh đạo tỉnh Cà Mau có chủ trương hỗ trợ cho học sinh đi học bằng đò có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Đây là chủ trương hết sức nhân văn, góp phần phát triển giáo dục của tỉnh.

Bảy đối tượng được hỗ trợ là: Con em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thương binh, liệt sĩ, người dân tộc thiểu số, khuyết tật, nhiễm chất độc hoá học. Mức hỗ trợ bình quân 150.000đ/ HS/ tháng. Mức hỗ trợ này đầu tiên thực hiện ở huyện Ngọc Hiển cuối năm học 2008-2009. Thực hiện trong toàn tỉnh từ năm học 2009-2010.

Số tiền lên  đến trên 20 tỉ đồng, vận động các mạnh thường quân, có nhiều tổ chức cá nhân tài trợ  chương trình: Tập đoàn Him Lam 15 tỉ đồng, tập  đoàn dầu khí 5 tỉ đồng, tập đoàn Trung Thuỷ 500 triệu đồng, Công ty Quốc Việt, Phú  Cường, Việt Úc, Minh Phú mỗi đơn vị 100 triệu đồng... Cho quỹ hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đi học bằng đò. Riêng công ty Minh Phú còn hỗ trợ 5 tỉ đồng xây dựng một trường tiểu học tại Cái Nước.

Ông Bùi Khắc Lĩnh, xã  Đông Thới, huyện Cái Nước, đại diện nhưng gia đình nghèo có con đi học bằng đò xúc động nói: “Việc học tập rất cần, ai cũng muốn con mình được ăn học, để có cái nghề cho tương lai. Gia đình khó khăn, xa trường các con đi học bằng đò, gánh nặng tiền đò hàng tháng khó hơn khi lo cái ăn cái mặc chưa đủ. Không cho con đi học rất đau xót. Hôm nay rất vui khi được nhận hỗ trợ tiền đò. Vô cùng biết ơn các tổ chức cá nhân, Đảng và Nhà nước đã giúp đỡ chúng tôi. Tôi xin hứa dạy dỗ con học hành chăm chỉ, thành tài không phụ công sức mọi người”

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu ý kiến chỉ đạo: Nói đến Cà Mau là nói đến vùng căn cứ cách mạng, vùng sông nước, điều kiện kinh tế khó khăn. Quyết tâm của nhân dân Cà Mau, ngành giáo dục Cà Mau là không ngừng vươn lên. Năm 1998 đạt phổ cập giáo dục tiểu học. 10 năm sau Cà Mau phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tháng 12/2008, Cà Mau cũng được công nhận phổ cập trung học cơ sở. Từ một tỉnh yếu kém về giáo dục, năm 2008 tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông 72,8%, năm 2009 tăng lên 82,25%, đứng thứ 3 đồng bằng sông Cửu Long, là một tiến bộ vượt bậc. Cà Mau cũng hướng tới phổ cập trung học vào năm 2015.

Đảng và Nhà nước đều mong mỏi mỗi học sinh đều được đến trường. Do địa hình sông nước, gia đình nghèo vẫn có em bỏ học. Năm vừa qua cả nước cố gắng giảm bỏ học 41%, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giảm được 46%. Năm học vừa qua Cà Mau bỏ học cao nhất đồng bằng, nhưng bằng cách huy động toàn xã hội trên 20 tỉ đồng để lo đò dọc, đò ngang cho các em có hoàn cảnh khó khăn đến trường, một cử chỉ hết sức nhân văn xúc động lòng người.

Mong rằng tỉnh Cà  Mau làm sao cho 50% người đến tuổi lao động được học nghề. Hướng tới 2015 phổ cập trung học, tuy còn gay go, nhưng với cách làm rất Cà Mau tin rằng Cà Mau sẽ làm được.

                                                                                                                                   Nguyễn Văn Tấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ