(GD&TĐ) - Từng là người đứng đầu ngành GD, tiếp tục theo sát những diễn biến của hệ thống trường có yếu tố nước ngoài, trường do nước ngoài đầu tư vào Việt Nam qua báo chí, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD cho rằng sự ra đời của những trường trên là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập nhưng điều đáng nói là văn bản quy phạm pháp quy không theo kịp thực tế nên nhiều trường học đang bị thương mại hóa, lợi nhuận kinh tế được đặt cao hơn là chất lượng GD…
->> Bất cập từ trường học có yếu tố nước ngoài
Quốc tế hóa là quy luật của GD
- GS nhận xét thế nào về sự ra đời của hệ thống các trường có yếu tố nước ngoài và trường 100% vốn nước ngoài?
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam |
Hội nhập quốc tế là quy luật tất yếu của GD. Nước ta hiện nay đang sử dụng 20 chương trình tiên tiến, nội dung trong sách giáo khoa Toán, Lý, Hóa… đều thừa hưởng tri thức của nhân loại. Tương tự, trường có yếu tố nước ngoài và trường 100% vốn nước ngoài là sản phẩm của quá trình hội nhập.
Trước khi gia nhập WTO, nước ta mới chỉ có một số trường, tập trung chủ yếu ở TP HCM nhưng từ năm 2007 đến nay, thực hiện quy định về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có GD (người Việt Nam có quyền ra nước ngoài học và người nước ngoài được phép mở trường ở Việt Nam), trường nước ngoài nở rộ ở nước ta với nhiều loại hình, cấp học.
- Sau nhiều năm có mặt ở nước ta, GS đánh giá thế nào về sự đóng góp của hệ thống trường trên đối với nền GD nước nhà?
Có thể khẳng định sự ra đời của trường nước ngoài không “cứu” được nền GD Việt Nam. Sự ra đời của những trường trên, một mặt là chúng ta thực hiện cam kết khi gia nhập WTO, mặt khác thỏa mãn nhu cầu gửi con của những gia đình có điều kiện với mục tiêu trẻ được làm quen với ngoại ngữ, các nền văn hóa khác nhau, làm tiền đề cho việc du học sau này.
Để thực hiện được công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền GD, theo tôi phải dựa vào nội lực của mình là chính. Chúng ta cần đánh giá, kiểm định một cách nghiêm túc chất lượng các bộ môn, khoa và nhà trường đã trải qua thực tế 50 - 60 năm. Nếu đây là những đầu tầu, là cái nôi về đào tạo học sinh, sinh viên thì nên tập trung đầu tư để các em được học kiến thức cơ bản, sau đó, nếu điều kiện cho phép thì gửi học sinh, giảng viên, các nhà khoa học ra nước ngoài học tập. Tôi tin người Việt Nam có đủ trình độ khoa học - văn hóa nói chung, có ý chí và lòng quyết tâm tha thiết với Tổ quốc, đây là tiền đề tốt để thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền GD.
Việc hội nhập quốc tế là tốt, thậm chí nên tranh thủ hội nhập nhưng như vậy không có nghĩa là ưu ái trường nước ngoài. Còn nhớ cách đây mấy năm, nhà nước công bố sẽ thành lập 3 - 4 trường có yếu tố nước ngoài với một số nước và hỗ trợ những trường này khoảng 800 triệu USD. Thông tin trên khiến nhiều trường ĐH của Việt Nam tâm tư, suy nghĩ. Nhiều người trong đó có tôi cho rằng những trường này chưa chứng minh được chất lượng đào tạo nhưng lại được gắn mác trường “Chất lượng cao” trong khi đó nhiều trường phổ thông, Cao đẳng, đại học của Việt Nam có chất lượng giảng dạy tốt lại không được hỗ trợ để khẳng định uy tín.
Không thể thương mại hóa GD
- Thời gian vừa qua, báo chí có đề cập đến những bất cập của hệ thống trường có yếu tố nước ngoài (tuyển sinh khi chưa được phép, khó kiểm soát đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy), theo GS nguyên nhân do đâu?
Từ khi còn làm việc trong ngành, tôi đã đến thăm một vài trường nước ngoài nhưng đều với tư cách là khách, lúc đó cũng đặt vấn đề học sinh Việt Nam học sử Việt, tiếng Việt và địa lý nước nhà như thế nào và cho đến nay đây vẫn là câu hỏi khiến nhiều người quan tâm cho thấy công tác quản lý trường có yếu tố nước ngoài còn bất cập.
Cũng là trường học nhưng trường tư thục, trường công lập đều có trong Luật GD. Tuy nhiên, với trường nước ngoài lại khác, việc cấp phép mở trường lại thuộc về Bộ Kế hoạch - Đầu tư hoặc UBND các tỉnh, thành phố. Theo đó, từ mẫu giáo đến trung học (chuyên nghiệp, dạy nghề, phổ thông) do cấp thành phố, tỉnh cấp phép dựa trên đề xuất của Sở Kế hoạc- Đầu tư và GD&ĐT. Trường CĐ - ĐH do Thủ tướng quyết định, theo tờ trình của liên Bộ Kế hoạch - Đầu tư và GD& ĐT.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở chỗ các đơn vị nước ngoài khi mở trường ở Việt Nam được coi là một doanh nghiệp nên vai trò của Bộ GD&ĐT trong việc thẩm định rất mờ nhạt. Hầu như đơn vị chịu trách nhiệm chủ yếu về chất lượng GD lại không được kiểm định về đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình cũng như việc kiểm định chất lượng, theo dõi thi đua, các hoạt động tổng kết năm học… cũng không bị ràng buộc như trường công lập, tư thục.
Điển hình như tại Hà Nội, mặc dù có nhiều trường nước ngoài nhưng gần đây Sở mới thành lập được phòng GD có yếu tố nước ngoài để quản lý những trường trên. Nói như vậy để thấy rằng việc quản lý các trường nước ngoài còn nhiều sơ hở. Văn bản quản lý không đi kịp với thực tế, đơn vị cấp phép và quản lý không cùng một mối nên tình trạng tuyển sinh khi chưa được cấp phép, đội ngũ GV, trình độ, chương trình giảng dạy… khó kiểm soát vẫn diễn ra. Theo tôi việc phân công, phân nhiệm cần rạch ròi, hợp lý theo hướng giao cả việc cấp phép lẫn quản lý về ngành GD&ĐT.
- Trường có yếu tố nước ngoài là xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập, vậy làm thế nào để đánh giá được chất lượng GD, quản lý được hoạt động những trường trên?
GD muốn phát triển tốt không thể tính lợi nhuận. Ngay như các trường ở Mỹ lợi nhuận cũng chỉ là 1%. Còn ở Việt Nam, vì tư tưởng thương mại hóa GD nên nhiều trường tư thục không trụ được do các thành viên sáng lập mâu thuẫn với nhau về lợi ích kinh tế.
Để những trường trên có đóng góp thực sự cho nền GD nước ta, theo tôi cần có văn bản chính thức của nhà nước (Luật hoặc Nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ) để quản lý. Việc phân công cấp phép trường có yếu tố nước ngoài, trường 100% vốn nước ngoài cần theo hướng tập trung vào một mối là Bộ GD&ĐT để tránh quan niệm mở trường học là một hình thức kinh doanh.
Tiếp đó, các trường cần công khai, minh bạch hơn về mục tiêu GD và nội dung, chương trình giảng dạy. Bộ GD&ĐT nên có quy định cụ thể về thời lượng dạy môn tiếng Việt, Lịch sử và Địa lý Việt Nam với những trường có học sinh Việt Nam theo học, tránh tình trạng dành quá ít thời gian cho những môn học này như là môn học tự nguyện, bài tập ngoại khóa. Thường xuyên kiểm tra đội ngũ GV cơ hữu, đặc biệt là GV nước ngoài để đảm bảo học sinh được học GV có kiến thức, kỹ năng sư phạm thực sự.
-Xin cám ơn GS.
La Giang (thực hiện)