Không thể không biết

Sau khi Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) và một số nhân viên bị Bộ Công an khởi tố vì liên quan đến những sai phạm trong chỉ định thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ chống dịch Covid-19, một số địa phương cũng mua máy đã có “động thái tích cực” như đàm phán để giảm giá máy với trị giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng; không mua toàn bộ hệ thống máy mà tận dụng và nâng cấp hệ thống máy xét nghiệm virus HIV, viêm gan A, B; đề nghị doanh nghiệp cho mượn hoặc hỗ trợ, chia sẻ máy, hóa chất, sinh phẩm...

Dù cách thức thực hiện như thế nào thì đích cuối cùng vẫn là phục vụ phòng chống dịch bệnh. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra, vấn đề cần nói là giá máy như thế nào? Vì sao máy đã được lắp đặt và đưa vào vận hành nhưng vẫn đàm phán và giảm được giá? Nếu đàm phán được thì tại sao không thực hiện ngay từ đầu? Giá máy sau khi đã đàm phán giảm giá đã đúng với giá trị thật chưa? Với những máy đi mượn, kết quả kiểm nghiệm thế nào và ai sẽ chịu trách nhiệm về những kết quả đó?

Để làm rõ những nghi vấn, hoài nghi này, Bộ Y tế đã liên tiếp có 2 công văn gửi các đơn vị đề nghị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý vi phạm trong sử dụng kinh phí phòng chống dịch Covid-19. 

Theo đó, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng chống dịch. Đặc biệt lưu ý các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bởi đơn giản như lý giải của đại diện Bộ Tài chính về phương thức mua thiết bị này thì theo quy định đấu thầu, để mua máy móc thiết bị phục vụ chống dịch bệnh bằng tiền ngân sách có cho phép chỉ định thầu đối với những trường hợp cấp bách. Dù chỉ định thầu nhưng người mua vẫn phải so sánh giá. Bên bán và bên mua có thể thỏa thuận, hiệp thương để định giá tài sản đó nhưng phải trên cơ sở giá nhập khẩu và các chi phí với định mức hợp lý. Thực tế, nhiều nhà sản xuất còn chào hàng và kèm giá bán trên mạng. Với mức giá nhập khẩu cùng với các chi phí khác thì giá bán máy móc, thiết bị đó có thể tính được ngay.

Vậy thì không có lý do gì để nói là không biết!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ