Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo:

Không thể dựa mãi vào hệ thống văn bản dưới luật

GD&TĐ - Thực tế, hệ thống văn bản dưới luật để điều chỉnh lĩnh vực nhà giáo nước ta hiện đã ở mức tới hạn, có nguy cơ dẫn tới chồng chéo, mất hiệu lực.

Cô trò Trường THCS Phan Đình Phùng, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (Kon Tum). Ảnh: INT
Cô trò Trường THCS Phan Đình Phùng, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (Kon Tum). Ảnh: INT

“Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo: Liệu có thể tiếp tục điều chỉnh bằng hệ thống văn bản dưới luật?” - Đó là câu hỏi được nêu trong một tài liệu nghiên cứu về sự phát triển của luật giáo dục ở Mỹ.

Thực tế, hệ thống văn bản dưới luật để điều chỉnh lĩnh vực nhà giáo nước ta hiện đã ở mức tới hạn, có nguy cơ dẫn tới chồng chéo, mất hiệu lực. Còn ngành Giáo dục và đội ngũ nhà giáo, từ nhiều năm nay, đều có yêu cầu bức thiết quản lý lĩnh vực này bằng một văn bản luật. Vì vậy đã hội đủ các điều kiện cần để ban hành văn bản luật về nhà giáo, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục của nước ta.

Tuy nhiên, đó chỉ là các điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải chỉ ra những tác động tích cực hơn hẳn mà Luật Nhà giáo có thể đem lại cho nhiệm vụ xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu có liên quan đến chính sách, pháp luật nhà giáo trên thế giới, bài viết này muốn làm rõ các điều kiện đủ đó như sau:

Tạo ra hành lang pháp lý có giá trị và hiệu lực cao hơn

Điều này được làm rõ trong một tài liệu hướng dẫn về xây dựng chính sách nhà giáo của UNESCO. Đánh giá so sánh hiệu lực của văn bản luật với hệ thống văn bản dưới luật, các tác giả của tài liệu chỉ ra rằng: Thực thi chính sách (nhà giáo) thông qua văn bản luật mang tính quyết định bởi vì, sau hiến pháp, luật quốc gia là tối thượng trong một xã hội dân chủ. Như vậy, việc thể chế hóa chính sách nhà giáo thành luật là một đảm bảo chắc chắn để chính sách nhà giáo được thực thi.

Tuy nhiên, đây là công việc rất phức tạp, tốn kém về công sức và thời gian, từ khâu soạn thảo, lấy ý kiến của các bên liên quan, xây dựng quan hệ với các nhóm lợi ích, đến việc trả lời câu hỏi của Quốc hội, vận động hành lang các nhà lập pháp; tranh thủ phương tiện truyền thông; tiếp thu các ý kiến khác nhau để hoàn thiện dự thảo luật. Đó là một trong những lý do khiến các nhà lập pháp phải cân nhắc.

Khẳng định và cụ thể hóa vị thế nhà giáo

Cô Dương Hạnh Nguyên - Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (TP Thủ Dầu Một - Bình Dương) và em Trương Tấn Duy, học sinh đoạt giải Nhất môn Vật lý trong kỳ thi chọn học sinh cấp tỉnh năm học 2020 - 2021. Ảnh: INT

Cô Dương Hạnh Nguyên - Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (TP Thủ Dầu Một - Bình Dương) và em Trương Tấn Duy, học sinh đoạt giải Nhất môn Vật lý trong kỳ thi chọn học sinh cấp tỉnh năm học 2020 - 2021. Ảnh: INT

Theo định nghĩa năm 1966 của ILO/UNESCO về vị thế nhà giáo và Khuyến nghị năm 1997 của UNESCO về vị thế giáo chức đại học: Vị thế nhà giáo được hiểu trên hai phương diện, một mặt là sự trọng thị của Nhà nước và xã hội đối với tầm quan trọng của nhiệm vụ nhà giáo và những năng lực mà họ cần có để thực hiện nhiệm vụ đó; mặt khác là các điều kiện làm việc, sự đãi ngộ và những lợi ích vật chất khác dành cho họ trong tương quan với các nhóm nghề nghiệp khác.

Như vậy, vị thế nhà giáo không thể dừng ở một quy định mang tính tuyên ngôn mà phải cụ thể hóa thành quy định về vai trò và tầm quan trọng của nhà giáo cùng những điều kiện để người giỏi đến với ngành sư phạm; nhà giáo yên tâm với nghề, toàn tâm, toàn ý và thăng tiến với nghề. Luật Nhà giáo chính là khung pháp lý để vị thế nhà giáo được khẳng định và cụ thể hóa.

Nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề dạy học

Tính đặc thù trong lao động nhà giáo ở chỗ sản phẩm lao động của nhà giáo là con người, hướng đến việc hình thành và xây dựng năng lực và phẩm chất người học.

Đây là lao động phức hợp, nghĩa là không có lời giải sẵn và dù rằng nhà giáo là chuyên gia môn học và chuyên nghiệp trong nghề dạy học, nhà giáo vẫn phải tìm lời giải thích hợp khi bắt tay vào nhiệm vụ giáo dục.

Chính vì lẽ đó, dù nhà giáo công lập là viên chức, các nước vẫn phải điều chỉnh nhà giáo công lập bởi những văn bản luật. Điều này nhằm quy định cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, thăng tiến, đãi ngộ, gắn liền với tính chuyên nghiệp của nghề dạy học, thay vì những quy định chung nhất của Luật Viên chức hoặc Luật Dịch vụ công.

Hệ thống chính sách toàn diện, nhất quán

Chương trình hành động về nhà giáo tại Hội nghị thượng đỉnh chuyển đổi giáo dục do Liên Hợp Quốc tổ chức từ 16 - 19/9/2022 tại New York đã yêu cầu: “Cần xây dựng hệ thống chính sách quốc gia toàn diện đối với nhà giáo nhằm nâng cao số lượng, chất lượng, nâng cao vị thế và các điều kiện của nhà giáo… Các chính sách quốc gia này cần ưu tiên giải quyết việc làm và chế độ làm việc trong ngành Giáo dục, bao gồm tiền lương, giờ làm việc, an toàn đối với nhà giáo, bình đẳng giới, không phân biệt đối xử và an sinh xã hội”.

Hiển nhiên, để đảm bảo hệ thống chính sách đối với nhà giáo là hệ thống chính sách quốc gia mang tính toàn diện và có hiệu lực pháp lý cao thì Luật Nhà giáo là sự lựa chọn ưu tiên.

Thầy giáo La Văn Quân, Trường PTDTBT THCS Thuần Mang, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn). Ảnh: INT

Thầy giáo La Văn Quân, Trường PTDTBT THCS Thuần Mang, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn). Ảnh: INT

Khung pháp lý thống nhất

Nghiên cứu công tác quản lý nhà giáo ở Pháp, vốn nổi tiếng với cơ chế quản lý viên chức (ngay cả với giáo viên tư thục), một hội đồng nghiên cứu cấp Nhà nước nhận định rằng, quản lý nhà giáo không thể cứng nhắc như quản lý các nhân viên phòng thuế.

Áp dụng tư duy đồng nhất và hàng loạt trong quản lý đội ngũ nhân lực quan trọng nhất của quốc gia sẽ dẫn đến một cơ chế xơ cứng, máy móc và vô cảm. Hậu quả là trói buộc tính chuyên nghiệp của nhà giáo, kìm hãm năng lực sáng tạo, làm thui chột động lực và lòng yêu nghề của họ.

Quản lý nhà giáo cần một khung pháp lý tinh tế và chuyên biệt. Trong đó, nhà giáo, cả công lập và tư thục, thấy được chính mình, nghề nghiệp, sứ mệnh, con đường thăng tiến của mình, có vậy mới đem lại thành công cho người học và hài lòng của xã hội.

Với nhận thức như vậy, bên cạnh hành lang pháp lý là Luật Viên chức hoặc Luật Dịch vụ công, nhiều nước đã thấy sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo để tạo khung pháp lý phù hợp và mềm dẻo cho sự phát triển nghề nghiệp của nhà giáo, cả công lập và tư thục, vì mục đích tột cùng là hướng đến thành công của người học.

Tất yếu và cấp thiết

Khi nào cần ban hành luật mới để điều chỉnh một lĩnh vực vốn được điều chỉnh bằng văn bản dưới luật. Câu trả lời là cần sự hội tụ ít nhất của 4 yếu tố: Số lượng các văn bản duới luật thuộc lĩnh vực đó đã ở mức độ tới hạn; Nếu không ban hành luật thì vẫn cần ban hành các văn bản dưới luật tiếp theo đối với lĩnh vực đó; Số lượng các văn bản hiện có và các văn bản mới sẽ dẫn tới sự chồng chéo, phân mảnh, chia cắt, thiếu nhất quán trong quản lý lĩnh vực; Các tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực đó thấy cần thiết phải có một văn bản luật để hệ thống hóa và thống nhất các quy định cần thiết.

Pháp luật về giáo dục là hệ thống văn bản luật nhằm tạo khung pháp lý cho sự vận động và phát triển của giáo dục. Hệ thống này được hình thành theo thời gian, thường bao gồm trước một đạo luật chung về giáo dục và được bổ sung dần bởi những văn bản luật cho các lĩnh vực liên quan.

Trình tự bổ sung phụ thuộc vào cách nhìn nhận của các nhà lập pháp về tầm quan trọng mang tính ưu tiên của từng lĩnh vực. Chẳng hạn, Trung Quốc ban hành Luật Nhà giáo ngay sau khi ban hành Luật Giáo dục. Thái Lan cũng vậy. Tỉnh British Columbia của Canada ban hành trong cùng một năm Luật Nhà giáo với Luật Trường phổ thông, Luật Đại học và một số luật liên quan khác.

Đặc biệt, với nhận thức ngày một nâng cao về vai trò mang tính quyết định của nhà giáo trong việc thực thi sứ mệnh, mục tiêu và nhiệm vụ giáo dục với tư cách là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, các nước trên thế giới đã quan tâm xây dựng và ban hành các văn bản luật về nhà giáo, bổ sung cho Luật Viên chức, nhằm hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo.

Hiện trong hệ thống pháp luật giáo dục của nước ta mới chỉ có Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học. Một khung pháp lý như vậy chỉ có thể phù hợp với hệ thống giáo dục còn nhỏ về quy mô, tính phức tạp của hệ thống chưa cao, các chính sách giáo dục chưa đa dạng.

Trong khi đó, hệ thống giáo dục mà chúng ta có ngày nay trở nên phức tạp và đa dạng hơn trước rất nhiều với mạng lưới trường lớp phủ khắp nước, với cấu trúc đa tầng, sự tham gia của nhiều chủ thể; yêu cầu cao hơn về chất lượng và hiệu quả, cùng hệ thống chính sách phong phú và quan hệ quốc tế rộng mở.

Hệ thống này đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật đầy đủ hơn với những văn bản luật mới cho lĩnh vực không thể tiếp tục được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật.

Trên thực tế, việc ban hành Luật Giáo dục đại học cũng như Luật Giáo dục nghề nghiệp là sự chuyển đổi từ hệ thống văn bản dưới luật sang văn bản luật trong quản lý Nhà nước các lĩnh vực giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp khi ngày càng mở rộng về quy mô, phức tạp về cơ cấu và đòi hỏi cao về chất lượng.

Đối với lĩnh vực nhà giáo đang ngày càng phức tạp và quan trọng về nguồn nhân lực trong phát triển sự nghiệp giáo dục, với việc đã hội đủ các điều kiện cần và đủ, xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là tất yếu và cấp thiết để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục của nước ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ