Không tạo áp lực kiểm tra đánh giá giữa kỳ

GD&TĐ - Tuần thứ 9 của học kỳ I, hầu hết các trường phổ thông đang triển khai kiểm tra đánh giá giữa kỳ. 

Giáo viên và học sinh Trường THCS Nam Sách (Nam Sách, Hải Dương). Ảnh: Đức Trí
Giáo viên và học sinh Trường THCS Nam Sách (Nam Sách, Hải Dương). Ảnh: Đức Trí

Dù có những nét mới trong triển khai môn học ở các cấp bậc, khối lớp nhưng hoạt động diễn ra đúng yêu cầu, không áp lực với thầy, trò.

Thầy trò đều sẵn sàng

Thầy Trần Quốc Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội), cho biết: Trường đang kiểm tra đánh giá giữa kỳ ở những môn đầu tiên và sẽ kết thúc trong tuần tới. Về cơ bản ở khối 8, 9 không có nhiều thay đổi bởi vẫn dạy học theo chương trình GDPT hiện hành. Khối 6, 7 dạy học theo Chương trình GDPT mới, trong đó có môn tích hợp Khoa học Tự nhiên; Lịch sử - Địa lý nên sự chuẩn bị cho kiểm tra, ôn tập được chú trọng hơn. Tuy nhiên, cả giáo viên và học sinh đã chủ động, tự tin bước vào kỳ thi.

Theo thầy Hải, sự bỡ ngỡ đã chuyển sang chủ động, nhẹ nhàng bởi bước sang năm thứ 2 bậc THCS triển khai. Qua một năm trải nghiệm, học hỏi nâng cao chuyên môn, đa số giáo viên dạy môn tích hợp đã thành thục, nắm vững “tinh thần” dạy nội dung kiến thức nào thì vận dụng ra đề kiểm tra kiến thức đó…

“Năm trước, việc triển khai dạy học, kiểm tra gặp khó khăn hơn vì lần đầu tiên giáo viên làm quen. Mặt khác học và kiểm tra đánh giá qua phần mềm trực tuyến đòi hỏi thầy cô phải gia công nhiều hơn để phù hợp hình thức dạy học trực tuyến. Năm nay, kiểm tra đánh giá trực tiếp, học sinh làm bài trên giấy sẽ hạn chế tối đa khó khăn, vướng mắc từ khâu ra đề đến làm bài…”, cô Lê Thị Linh nói.

Đối với môn tích hợp Lịch sử - Địa lý, theo cô Lê Thị Linh, nhóm trưởng Sử - Địa, Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội), khi ra đề các thầy cô sẽ ngồi lại cùng xây dựng mục tiêu đề, ra khung cứng… từ đó đưa ra tỷ lệ chung cho các mảng kiến thức cần kiểm tra theo đúng khối lượng bài học thực tế dạy trên lớp. Việc ra đề kiểm tra giữa kỳ đối với môn tích hợp trên tinh thần không đánh đố hoặc yêu cầu quá cao.

Thầy Bùi Bằng Đoàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình), cho biết: Triển khai Chương trình GDPT 2018 diễn ra đối với khối 10 cơ bản không có sự xáo trộn nhiều bởi một số môn như Mỹ thuật, Nghệ thuật… trường không triển khai do học sinh không lựa chọn. Với một số môn tự chọn, có chăng chỉ là thay đổi trong khâu tổ chức thực hiện nên kiểm tra đánh giá cũng thay đổi ít nhiều.

Thầy Đoàn ví dụ, với môn Thể dục lớp 10, giáo viên chủ nhiệm câu lạc bộ sẽ kiểm tra đánh giá theo đơn vị câu lạc bộ, đúng kế hoạch nhà trường xây dựng và những quy chế, quy định chung. Việc chuyển điểm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ của học sinh từ mô hình câu lạc bộ về các lớp sẽ “thủ công” hơn bởi phần mềm quản lý điểm chưa có tiện ích này. Như vậy, giáo viên sẽ vào điểm theo câu lạc bộ về lớp phân tách để nhập điểm vào hệ thống điểm chung…

Cô Đinh Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cũng khẳng định hoạt động kiểm tra đánh giá giữa kỳ đang diễn ra thuận lợi dù khối 6, 7 thực hiện theo CT GDPT mới; khối 8, 9 theo chương trình hiện hành.

Môn tích hợp Khoa học Tự nhiên, việc dạy học và kiểm tra đánh giá giữa kỳ không còn là khó khăn, thậm chí mạch lạc trôi chảy bởi nhà trường không còn tình trạng mỗi người đảm nhiệm một phân môn. Đối với môn tích hợp Lịch sử - Địa lý vì mảng kiến thức tách theo từng phần nên chỉ cần linh hoạt trong phân bố thời khóa biểu để đảm bảo tiến độ bài dạy và chương trình.

Trong bài kiểm tra môn tích hợp, nhà trường yêu cầu xây dựng tỷ lệ câu hỏi theo mảng kiến thức dạy học thực tế. Môn Lịch sử - Địa lý giáo viên ở 2 môn sẽ ngồi lại cân đối mảng kiến thức trong 1 đề kiểm tra, đảm bảo phù hợp, đúng trọng tâm. Cả hai môn tích hợp này đề thi được xây dựng với thời gian làm bài 90 phút, thay vì 60 phút/môn khi chưa tích hợp.

Tương tự, Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) vẫn kiểm tra từ 60 - 90 phút với môn Toán, Văn. Môn Ngoại ngữ trước đây kiểm tra 45 phút thì nay là 60 phút (kỹ năng nghe, nói, đọc, viết…), để tránh quá tải cho học sinh về mặt thời gian, thời lượng làm bài kiểm tra.

Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) đã sẵn sàng tâm thế cho kiểm tra đánh giá giữa kỳ. Ảnh: Đức Trí

Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) đã sẵn sàng tâm thế cho kiểm tra đánh giá giữa kỳ. Ảnh: Đức Trí

Không tạo áp lực

Cô Vũ Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng), cho biết, kiểm tra đánh giá giữa kỳ chỉ tiến hành đối với khối 4, 5 là 2 môn Toán, Tiếng Việt. 2 môn Giáo dục địa phương và An ninh Quốc phòng dù đã đưa vào dạy tích hợp nhưng chưa rõ nét như ở chương trình mới và chỉ kiểm tra cuối kỳ.

Theo đánh giá của cô Phượng, kiểm tra đánh giá giữa kỳ đối với bậc tiểu học ngày càng “nhẹ nhàng” và phù hợp bởi quá trình dạy học giáo viên đã theo sát và có đánh giá thường xuyên. Mặt khác, năm học này, học sinh học trực tiếp nên việc nắm bắt năng lực học trò, điều chỉnh phương pháp, nội dung phù hợp sẽ hiệu quả hơn.

Trao đổi về sự chủ động, vững vàng của giáo viên trong triển khai dạy học và kiểm tra đánh giá giữa kỳ ở môn học tích hợp, cô Đinh Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên, khẳng định tất cả đều bắt đầu từ sự chuẩn bị chuyên môn, đội ngũ.

Năm học trước, dịch bệnh và lần đầu triển khai, giáo viên chưa kịp đào tạo dạy học tích hợp nên phải bố trí dạy tách từng môn. Năm nay, ở môn Khoa học Tự nhiên trường có 7 giáo viên vừa hoàn thành bồi dưỡng và có chứng chỉ dạy học tích hợp nên việc triển khai đảm bảo yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Mặt khác, hầu hết giáo viên đều được đào tạo ban đầu 2 môn nên thêm 1 môn vào dạy học môn tích hợp không khó khăn.

“Các trường cần có chiến lược trong bồi dưỡng, đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp để việc dạy học nói chung của toàn trường đồng bộ và đảm bảo được yêu cầu. Trong quá trình dạy học, thầy cô cần hỗ trợ, học hỏi lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm… để tiếp tục nâng cao chuyên môn, đảm bảo tính kế thừa giữa kiến thức từng khối lớp, chuyên môn của giáo viên…”, cô Đinh Phương Anh chia sẻ.

Thầy Bùi Bằng Đoàn lại cho rằng, để triển khai dạy học, kiểm tra đánh giá môn mới (môn tự chọn) trong các nhà trường mạch lạc, đúng yêu cầu từ khâu quản lý tới dạy học, kiểm tra đánh giá… cần có thêm văn bản pháp lý hướng dẫn sát với thực tế triển khai. Như vậy, nhà trường, giáo viên không lúng túng khi thực hiện và chuẩn chỉnh từ ban đầu…

“Khi giáo viên đảm đương dạy kiến thức cả 3 môn tích hợp thì việc nắm bắt tổng thể chung tốt hơn, ra đề thi bao quát, cân đối các mảng kiến thức phù hợp hơn. Vững vàng trong chuyên môn không chỉ giúp giáo viên, mà cả học sinh bước qua kiểm tra đánh giá giữa kỳ với các môn tích hợp chủ động, tự tin…”, cô Đinh Phương Anh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.