Bước đệm để dạy học thích ứng bối cảnh dịch bệnh
Trong điều kiện dạy học trực tuyến, để đảm bảo tiến độ năm học, nhiều địa phương tiến hành kiểm tra đánh giá giữa kỳ bằng hình thức trực tuyến. Do chưa có tiền lệ nên việc kiểm tra trực tuyến khiến giáo viên, học sinh còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, thầy trò đều nỗ lực để thích ứng và có thể đáp ứng việc dạy, học, kiểm tra, đánh giá trực tuyến thời gian sắp tới.
Tại Trường THPT DTNT Huỳnh Cương (Sóc Trăng), việc kiểm tra giữa kỳ I bằng hình thức trực tuyến được triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo thầy Kim Văn Ngói, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trường đã tổ chức kiểm tra trực tuyến giữa học kỳ I. Chất lượng bài kiểm tra các lớp có kết quả đạt khá tốt.
Đang tổ chức kiểm tra giữa kỳ cho các lớp, thầy Thái Thành Thuận, giáo viên Trường THCS Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: Mặc dù có khó khăn cho cả thầy và trò nhưng tất cả đều cố gắng thích ứng, tổ chức tốt hoạt động dạy - học, ôn tập kỹ nên kết quả cũng khả quan. Nhưng kiểm tra qua online chưa thể đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh bằng hình thức trực tiếp… Đồng tình với quan điểm này, thầy Kim Văn Ngói cho rằng, kết quả kiểm tra trực tuyến giữa kỳ không đo được chính xác năng lực của một vài học sinh.
Nắm rõ từng học sinh để hỗ trợ
Theo chia sẻ của cán bộ quản lý và các giáo viên, kiểm tra, đánh giá trực tuyến chỉ mang tính chất tương đối. Do đó, việc nắm tình hình học tập của học sinh là rất quan trọng. Từ kết quả kiểm tra giữa kỳ, quá trình học tập, giáo viên sẽ hỗ trợ, giúp đỡ các em học lực yếu, điểm thấp.
Trao đổi giải pháp bồi đắp kiến thức và hỗ trợ học sinh sau kiểm tra giữa kỳ I, thầy Thạch Sa Quên cho hay: Học sinh học lực yếu, điểm kiểm tra giữa kỳ còn thấp, giáo viên lập danh sách, bổ trợ thêm với thời khóa biểu trái buổi. Ngoài ra, giáo viên kết nối, trao đổi thêm với các em thông qua Zalo, Facebook… “Vừa dạy học, vừa bồi đắp kiến thức, động viên tinh thần các em. Dịch bệnh khó khăn nhiều thứ nên tránh gây áp lực cho học trò”, thầy Sa Quên chia sẻ.
Tại tỉnh Sóc Trăng, một số địa phương tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát đang lên kế hoạch cho học sinh trở lại trường. Trong đó, kế hoạch bồi dưỡng học sinh học lực yếu để theo kịp chương trình được ưu tiên hàng đầu. Theo thầy Kim Văn Ngói, dự kiến ngày 15/12 học sinh sẽ trở lại trường học trực tiếp. Nhà trường, giáo viên có kế hoạch bồi dưỡng, bù đắp kiến thức cho các em, đặc biệt là học sinh học lực yếu, điểm còn thấp trong kiểm tra giữa kỳ.
Đối với các trường học vùng dịch còn phức tạp, ngoài việc dạy học, kiểm tra trực tuyến, giáo viên tổ chức bồi dưỡng trực tuyến riêng cho học sinh học lực yếu. “Do dịch bệnh nên cấu trúc chương trình các môn học có thay đổi theo hướng giảm tải nhiều nội dung. Nhà trường tận dụng những tiết giảm tải để tổ chức ôn tập cho học sinh yếu kém và học sinh điểm kiểm tra thấp. Nhìn chung kết quả việc dạy, học của thầy, trò dần đi vào ổn định”, thầy Thái Thành Thuận, giáo viên Trường THCS Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) chia sẻ.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường học ở tỉnh Vĩnh Long đang tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình hoặc chuyển tài liệu học tập cho học sinh. Để hoàn thành kiểm tra giữa học kỳ I, Sở GD&ĐT lưu ý các trường đảm bảo tiến độ tiếp thu kiến thức của học sinh. Không tổ chức kiểm tra tập trung vào một thời điểm gây áp lực cho học sinh hoặc kiểm tra không cùng tiến độ học dẫn đến học sinh quên kiến thức…
Theo ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, tùy tình hình thực tế, điều kiện của đơn vị, hoàn cảnh của học sinh/ học viên, cơ sở giáo dục chọn hình thức tổ chức kiểm tra phù hợp như bài kiểm tra (trực tiếp, trực tuyến), sản phẩm học tập (bài luận/ bài tập/ kết quả dự án học tập, đề tài nghiên cứu… vừa sức để học sinh thực hiện ở nhà).
Đối với hình thức bài luận/ bài tập, dự án học tập thực hiện ở nhà, học sinh có thể gửi trực tiếp hoặc gián tiếp (file ảnh, pdf…) sản phẩm hoàn chỉnh đến giáo viên chấm kiểm tra để lưu minh chứng về sau. Trường hợp học sinh không thể tham gia kiểm tra chung với lớp vì lý do chính đáng (bệnh dịch, tai nạn, thiếu phương tiện học tập…) thì được kiểm tra bù.
Vừa hoàn thành bài kiểm tra giữa kỳ, em Nguyễn Ngọc Tuyết, học sinh lớp 9, Trường THCS Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) chia sẻ: “Ban đầu em và các bạn có chút lo lắng vì mạng Internet không ổn định. Tuy nhiên nhà trường, giáo viên có nhiều phương án dự phòng, mở thêm các đường link nên em làm kiểm tra rất thuận lợi. Môn đầu tiên có chút bỡ ngỡ nhưng về sau các môn còn lại em và các bạn hoàn thành bài kiểm tra khá tốt”.