Không tăng học phí: Khó khăn được chia sẻ

GD&TĐ - Tâm tư, trăn trở của nhiều phụ huynh, học sinh đã được giải tỏa sau thông tin Bộ GD&ĐT nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2022 – 2023.

Phụ huynh, học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2022 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Phong
Phụ huynh, học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2022 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Phong

Giảm nỗi lo

Có hai con cùng học đại học, chị Nguyễn Hoàng Anh, 48 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Những ngày qua, hay tin các trường đại học đồng loạt tăng học phí năm học 2022 - 2023, vợ chồng tôi thấp thỏm không yên. Con lớn học Trường Đại học Kinh tế  Quốc dân, Hà Nội có học phí khoảng 30 triệu đồng một năm. Còn con thứ hai học Học viện Ngân hàng, học phí khoảng 20 triệu đồng một năm”.

Học phí của hai con trông chờ vào lương hưu của chồng và tiền lương khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng của chị Hoàng Anh. Nếu học phí tiếp tục tăng, gia đình sẽ phải cắt bỏ nhiều khoản chi khác còn chồng chị đi làm bảo vệ hoặc xe ôm công nghệ để tăng thu nhập.

“Nghe tin tiếp tục giữ nguyên, không tăng học phí, gia đình tôi rất phấn khởi. Chúng tôi hiểu các trường đang thực hiện kế hoạch tự chủ nhưng thời điểm sau dịch Covid-19, thu nhập giảm nên việc tăng học phí lúc này gây khó khăn nhất định cho nhiều gia đình”, chị Hoàng Anh bày tỏ.

Còn anh Nguyễn Nhật Quang, sống tại quận Tân Phú, TPHCM, cho biết: Không chỉ học phí, nhiều mặt hàng thiết yếu, xăng dầu đều đang tăng cao, các gia đình phải thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, kinh tế chưa kịp hồi phục sau hai năm dịch Covid-19. Vì vậy, không tăng học phí năm học 2022 - 2023 là sự chia sẻ và hỗ trợ rất lớn với khó khăn của các gia đình hiện nay.

“Đó là sự lắng nghe, đồng hành của ngành Giáo dục đối với phụ huynh. Điều này giúp các gia đình thêm phần yên tâm khi năm học mới bắt đầu. Tôi hy vọng UBND thành phố, các trường học sớm có thông báo về mức thu học phí năm học 2022 - 2023”, anh Quang chia sẻ.

Cảm ơn vì sự thấu hiểu!

Sau quy định về bình ổn giá sách giáo khoa, tăng giá trị của sách cũ, xây dựng tủ sách dùng chung, anh Nguyễn Văn Bình, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội nhận định việc giữ nguyên giá dịch vụ giáo dục năm học 2022 -2023 là việc làm nhân văn, ý nghĩa, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay của các hộ gia đình.

“Học phí có thể tăng theo lộ trình hoặc vào thời điểm phù hợp với kinh tế, hoàn cảnh chung của đất nước, các gia đình. Chúng tôi  đang cố gắng hồi phục sau tác động của dịch Covid-19 nên nếu có thể lùi thời gian tăng học phí hoặc giảm mức tăng học phí trong những năm tới là sự động viên rất lớn với phụ huynh”, anh Bình đề xuất.

Lớn lên trong gia đình có bố mẹ là nông dân tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, em Phạm Quang Đông, sinh viên năm ba Trường Đại học Giao thông Vận tải, Hà Nội, cho biết: Học phí khoảng 11 triệu đồng một năm, không cao so với nhiều trường khác tại Hà Nội. Nhưng em và nhiều bạn cùng trường xuất thân từ vùng nông thôn, khoản tiền như vậy là không hề nhỏ, chưa tính đến chi phí sinh hoạt hàng tháng.

“Việc tăng học phí thêm một vài triệu đồng sẽ là gánh nặng lớn với gia đình em cũng như nhiều bạn khác. Nếu học phí giữ ổn định, người mừng nhất có lẽ là bố mẹ chúng em”, em Đông cho biết.

Ở bậc phổ thông, nhiều địa phương đang thực hiện chính sách hỗ trợ học phí. Tại Hải Phòng, học sinh từ bậc mầm non đến THPT được ngân sách thành phố hỗ trợ 100% học phí. Chia sẻ về chính sách trên, ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng mong muốn mọi người dân được hưởng thành quả phát triển và không học sinh nào phải bỏ học dù gia đình khó khăn.

Còn tại Hà Nội và TPHCM, người dân đang mong chờ thông báo chính thức từ chính quyền về mức học phí trong năm học tới sau khi Bộ GD&ĐT nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2022 – 2023.

Nhằm hỗ trợ người học, một số cơ sở giáo dục đại học đã quyết định không tăng học phí. Theo đại diện Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội, mức học phí năm học 2022 -2023 giữ nguyên so với năm học  2021 - 2022. Cụ thể, chương trình đào tạo chuẩn có mức học phí dao động từ 22 – 28 triệu đồng/năm. Chương trình Elitech khoảng 40 – 45 triệu đồng một năm; chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế 45 - 50 triệu đồng/năm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ