Sức mạnh Không quân Nga được cho là đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây khi chỉ riêng tuần trước, VKS đã nhận được từ nhà sản xuất một số lượng máy bay tương đối ấn tượng.
Theo Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec, vào cuối tháng 12/2022, Công ty cổ phần Tupolev (thành viên của Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất - UAC), trong nhiệm vụ thực hiện mệnh lệnh quốc phòng cấp nhà nước, đã đưa vào hoạt động 1 máy bay ném bom Tu-22M3 cải tiến (sửa chữa và hiện đại hóa).
Bên cạnh đó, Công ty Ilyushin (cũng là thành viên của UAV) đã sản xuất và bàn giao cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga 1 máy bay vận tải quân sự hạng nặng thế hệ mới Il-76MD-90A.
Chưa dừng lại đây, Nhà máy Hàng không Komsomolsk-on-Amur (KnAAZ) được đặt theo tên Yu.A. Gagarin (cũng trực thuộc UAC) đã sản xuất và chuyển giao cho VKS 4 đơn vị máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Su-57 Felon trên dây chuyền chế tạo hàng loạt.
Dự kiến trong những ngày tới, 2 máy bay ném bom chiến lược siêu thanh mang tên lửa hành trình Tu-160M sẽ được chuyển giao cho VKS. Công ty Tupolev đã thông báo cho công chúng về tin tức nói trên.
Đáng chú ý là chiếc Tu-160M thứ nhất được sản xuất mới hoàn toàn từ dây chuyền vừa khởi động lại, trong khi máy bay thứ hai là một khung thân cũ đã trải qua quá trình hiện đại hóa sâu.
Cả hai "chiến lược gia" đã hoàn thành đầy đủ các cuộc thử nghiệm tại nhà máy Tupolev PJSC. Chẳng bao lâu nữa, những chiếc phi cơ đang ở trạm thử nghiệm (nơi diễn ra các chuyến bay kiểm tra nhằm đánh giá hệ thống điều khiển, động cơ và thiết bị điện tử hàng không) sẽ được gửi đến đơn vị chiến đấu để tiếp tục hoạt động.
Cần lưu ý rằng số liệu trên không tính đến các máy bay chiến thuật thế hệ cũ hơn như tiêm kích đa năng Su-35S và Su-30SM2, cũng như máy bay ném bom tiền tuyến Su-34, máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 và tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 vừa được bàn giao cho Lực lượng hàng không vũ trụ Nga vào tháng cuối cùng của năm 2022.
Các tiêm kích tàng hình thế hệ năm Su-57 Felon tối tân vừa được bàn giao cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. |
Như vậy bất chấp những lệnh cấm vận của phương Tây, công nghiệp quốc phòng Nga vẫn đảm bảo tiến độ cung cấp vũ khí tối tân phục vụ nhu cầu của quân đội, không hề gián đoạn như nhiều dự báo trước đó.
Đối diện thực tế trên, một số chuyên gia phân tích phương Tây cho rằng trước khi hứng chịu biện pháp trừng phạt, Moskva đã kịp mua tích trữ chất bán dẫn hay chip xử lý tốc độ cao... để duy trì việc sản xuất trong một thời gian.
Nhưng lượng dự trữ trên là có hạn, sẽ sớm cạn kiệt theo thực tế chiến trường, đồng thời Nga sẽ khó cho ra đời các biến thể nâng cấp tiếp theo của vũ khí.