Không nên xem vắc-xin là công cụ dập dịch duy nhất

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vắc-xin có thể làm giảm nhẹ trạng thái bệnh, giảm tỷ lệ tử vong nhưng không ngăn được Covid-19. Trong khi đó, các biến thể mới của SARS-CoV-2 có khả năng tránh được kháng thể tạo ra trong cơ thể. Do đó, kháng thể này không trung hòa được các biến thể mới và gây tình trạng tái nhiễm Covid-19.

Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện của hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 trong cộng đồng.
Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện của hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 trong cộng đồng.

Tiêm 4 mũi vắc-xin vẫn nguy cơ mắc Covid-19

Ngày 10/7, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành. Theo Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia châu Âu, liên quan đến biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron.

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên, nước ta đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 trong cộng đồng.

Bộ Y tế cho biết, nhiều người dân sau khi tiêm vắc-xin mũi cơ bản hoặc từng mắc Covid-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng biện pháp phòng bệnh. Bộ Y tế dự báo, số mắc Covid-19 thời gian tới có thể tiếp tục tăng và bùng phát trên diện rộng, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

PGS.TS Nguyễn Văn Kình - Cố vấn Cao cấp Trung tâm Gen Trị liệu thuộc Bệnh viện Bạch Mai nhận định, vắc-xin không phải là yếu tố duy nhất để đẩy lùi Covid-19.

“Các biến thể SARS-CoV-2 vẫn xuất hiện. Những biến thể này còn nhiều điều bí ẩn chúng ta chưa hiểu biết hết nên chưa tìm ra được các biện pháp phòng trừ hữu hiệu. Chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn nữa về bản chất của SARS-CoV-2.

Chúng ta còn phải cải tiến nhiều hơn nữa về công nghệ sản xuất vắc-xin để đạt hiệu quả cao hơn nữa. Chúng ta còn phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về cách sử dụng vắc-xin như thế nào để hiệu quả nhất. Tránh những bất lợi do vắc-xin gây ra, đó là hội chứng hậu vắc-xin”, PGS Kình chia sẻ.

Theo PGS Nguyễn Văn Kình, một người quen của ông dù đã tiêm 4 mũi vắc-xin và giữ khoảng cách nhưng vẫn mắc Covid-19. Do đó, việc tuân thủ nghiêm các biện pháp tránh tiếp xúc là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, người dân không nên chủ quan, khi trong môi trường sống vẫn tiềm ẩn Covid-19.

“Chúng ta không được phép nghỉ ngơi khi tình hình dịch bệnh tạm thời lắng xuống. Chính thời điểm này, chúng ta mới có thời gian sửa đổi lại những khiếm khuyết đã gặp phải trong thời gian chống dịch vừa qua để thay thế bằng biện pháp thích hợp hơn”, chuyên gia cho biết.

Biện pháp đặc thù

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến nghị, các quốc gia cần đẩy nhanh việc tiêm mũi tăng cường cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao, bao gồm lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính và bị suy giảm miễn dịch.

Tiếp theo, các nước cần cung cấp đủ thuốc kháng virus và phương pháp điều trị khác cho tất cả người dân. Tổ chức Y tế Thế giới đồng thời kêu gọi người dân tại các vùng dịch tăng cường thực hiện biện pháp phòng dịch. Trong đó bao gồm: Đeo khẩu trang, đẩy mạnh xét nghiệm tại nhà, tự cách ly khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và tiêm chủng đầy đủ.

Ông Kình cho rằng, vắc-xin đóng vai trò to lớn trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Vắc-xin có thể làm giảm nhẹ trạng thái bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, nhưng không ngăn được Covid-19. Theo PGS Kình, hiện nay, nhiều quốc gia và địa phương sử dụng vắc-xin với các phương thức khác nhau.

Tuy nhiên, các biến thể mới đều tránh được kháng thể tạo ra trong cơ thể nhờ tiêm vắc-xin, hoặc đã thâm nhiễm các virus trước đó. Lý do là vì các biến thể mới này có nhiều khác biệt với chủng virus gây bệnh cũ. Do đó, kháng thể này không trung hoà được các biến thể mới và gây tình trạng tái nhiễm Covid-19.

“Khi chúng ta tiêm nhiều lần một loại vắc xin Covid-19, cơ thể sẽ sinh ra cơ chế dung nạp miễn dịch. Tức là không coi vắc-xin là vật thể lạ nữa nên không sản sinh ra kháng thể.

Dĩ nhiên, chúng ta cũng chưa xác định cụ thể đến mũi tiêm thứ bao nhiêu thì sinh ra hiện tượng dung nạp miễn dịch. Nhưng về lý thuyết thì điều đó sẽ xảy ra. Vì lý do này, chúng ta không thể chỉ dùng vắc-xin là công cụ duy nhất dập dịch”, chuyên gia nhận định.

Do đó, theo PGS Kình, từng quốc gia, địa phương phải có những biện pháp đặc thù phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. Các khu vực nên có những giải pháp riêng, đặc thù, phù hợp dựa trên điều kiện địa lý, khí hậu, mức sống sinh hoạt, phúc lợi xã hội… Từ đó, đề ra những biện pháp phòng dịch phù hợp và hữu hiệu nhất. Chuyên gia nhấn mạnh, mỗi người cần luôn cảnh giác với SARS-CoV-2.

Trong khi đó, những biến thể mới của SARS-CoV-2 liệu có tiếp tục đột biến, gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng hay không, là những câu hỏi vẫn chưa được giải đáp. Vì vậy, PGS Kình khuyến cáo, người dân cần đeo khẩu trang, tránh hội họp đông người, không chủ quan về sự an toàn của môi trường xung quanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.