Không nên phó mặc con em mình cho nhà trường

GD&TĐ - Bên cạnh sự quan tâm đúng mức của phần lớn gia đình đối với việc học tập của con em mình, thì tình trạng nhiều phụ huynh bỏ bê con cái, thậm chí phó mặc cho nhà trường tự quản lý, miễn sao con em mình có mặt ở trường là được đang là vấn đề đáng lo ngại.

Không nên phó mặc con em mình cho nhà trường

Có nhiều trường hợp học sinh học ca sáng 5 tiết, ca chiều 4 tiết, rồi tối đến vội vàng đi học thêm, thử hỏi các em lấy đâu thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Từ tư tưởng phó mặc con em cho nhà trường của một bộ phận gia đình đã phần nào làm con em trở nên hư hỏng.

Nắm được “thóp” cha mẹ tin tưởng tuyệt đối, lại không tiếc tiền đầu tư nên nhiều học sinh hàng ngày cắp sách đến trường theo đúng giờ giấc, nhưng kỳ thực là đến các điểm vui chơi như quán net, bida….

Các em tự xây dựng cho mình một thời gian biểu, nào là đi sinh nhật bạn, đi đánh bida, điện tử… Nhiều trường hợp la cà tại nhà bạn, rồi nằm ngủ, trong khi nhà trường và phụ huynh không hề biết con em mình làm gì. Nếu có sự việc nghiêm trọng vượt tầm kiểm soát của nhà trường, lúc đó biết thì cũng đã muộn.

Thực trạng trên diễn ra ở nhiều trường, đặc biệt là khối THPT. Đã có nhiều phụ huynh sốc khi nhận tin con mình nợ hàng chục triệu đồng vì lô đề, rồi điện tử. Đau xót hơn, khi con cái mình không may bị tai nạn giao thông, đuối nước, nghiện ngập…

Để khắc phục tình trạng trên, thiết nghĩ mỗi phụ huynh cần cân nhắc kỹ cách quản lý và giáo dục con em mình ngay tại gia đình. Phương châm phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục con cái cần phải được thực hiện nghiêm túc. Các bậc phụ huynh cần nắm rõ lịch học tập của con em mình ở trường để có kế hoạch theo dõi; phải thường xuyên liên hệ với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp để nắm được tình hình con em mình. Nên có kế hoạch cho các cháu nghỉ ngơi, giải trí sau mỗi giờ học căng thẳng; tổ chức cho các em được ăn uống, sinh hoạt cùng gia đình sau giờ trên lớp, đồng thời cho các cháu tham gia làm các công việc trong gia đình để giúp các em có thêm lòng yêu lao động, thấy được giá trị của cuộc sống.

“Nhận thức và trí tuệ của mỗi học sinh không phải phụ thuộc 100% ở nhà trường, mà cần có bàn tay ấm áp của gia đình, xã hội. Điều nên rút kinh nghiệm đối với bậc phụ huynh là chúng ta không nên phó mặc tất cả cho nhà trường”, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định - Nguyễn Đức Văn cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ