Không nên phát triển đại trà đào tạo liên thông dọc trình độ đại học và thạc sĩ

GD&TĐ - Đào tạo liên thông dọc trình độ đại học và thạc sĩ đang được nhiều cơ sở giáo dục đại học áp dụng.

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024, nhiều thí sinh quan tâm đến mô hình tích hợp đào tạo cử nhân - thạc sĩ. Ảnh: TG
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024, nhiều thí sinh quan tâm đến mô hình tích hợp đào tạo cử nhân - thạc sĩ. Ảnh: TG

Mô hình “tích hợp” này giúp sinh viên sớm có học vị thạc sĩ, vì thời gian đào tạo được rút ngắn.

Rút ngắn thời gian học tập

Lần đầu tiên Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho phép sinh viên được học trước một số tín chỉ trong chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ. Nội dung này được nêu tại thông báo tuyển sinh năm 2024 của trường. Để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi và kiểm soát chất lượng, cơ chế này chỉ áp dụng với sinh viên trong trường.

Theo TS Lê Ngọc Sơn - Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế và Sau đại học (Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh), chương trình này tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên có định hướng tiếp tục học tập nâng cao lên trình độ thạc sĩ.

Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có mong muốn tiếp tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và thực hiện các dự án mà bậc đại học chưa thể thực hiện. Sau khi tốt nghiệp đại học, với 15 tín chỉ học phần thạc sĩ đã học trước, sinh viên có thể nộp hồ sơ xét tuyển để tiếp tục học và hoàn thành chương trình thạc sĩ. Nhà trường sẽ có chính sách ưu tiên xét tuyển cho chương trình chuyển tiếp này.

ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quy định tạm thời về đào tạo liên thông từ trình độ đại học lên thạc sĩ. Theo đó, người dự tuyển là sinh viên năm 3, 4, có điểm trung bình tích lũy đạt loại khá trở lên (7 điểm) và đang học ngành phù hợp với ngành đào tạo liên thông.

Các đơn vị cơ sở sẽ xây dựng quy định chi tiết về thời gian, điều kiện và tiêu chí xét tuyển người học vào chương trình này. Hình thức tuyển sinh là xét tuyển, không vượt quá 50% chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ của ngành tương ứng. Mục tiêu là rút ngắn thời gian học đại học và thạc sĩ của người học. Sinh viên đáp ứng đủ điều kiện sẽ được nhận cả bằng đại học và thạc sĩ trong khoảng từ 4,5 năm đến 5,5 năm.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã có quy định về điều kiện, quy trình sinh viên đăng ký học trước một số học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ, Phó Hiệu trưởng nhà trường - PGS.TS Đặng Thị Thu Hương thông tin. Chương trình này áp dụng với sinh viên hệ chính quy thuộc các chương trình chuẩn và chất lượng cao của trường. Thực tế, từ năm 2019, ĐH Quốc gia Hà Nội đã thí điểm xây dựng mô hình đào tạo liên thông dọc trình độ đại học và thạc sĩ.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) trao bằng tốt nghiệp cho tân cử nhân. Ảnh: Website nhà trường

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) trao bằng tốt nghiệp cho tân cử nhân. Ảnh: Website nhà trường

Không khuyến khích thực hiện đại trà

ĐH Bách khoa Hà Nội cũng xây dựng mô hình và các chương trình đào tạo theo hướng tích hợp đại học, sau đại học với hai định hướng: Nghiên cứu hàn lâm, nghiên cứu phát triển với chương trình cử nhân – thạc sĩ khoa học 4 + 1,5 năm (áp dụng tuyển sinh và đào tạo từ năm 2017); ứng dụng nghề nghiệp với chương trình cử nhân – kỹ sư chuyên sâu đặc thù 4 + 1,5 năm (áp dụng tuyển sinh và đào tạo từ năm 2020).

Đại diện lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, các chương trình thạc sĩ khoa học (1,5 năm) sẽ cung cấp cho người học kiến thức ngành rộng, tiên tiến. Bên cạnh đó, người học được trang bị kiến thức liên ngành, nền tảng về quản lý dự án nghiên cứu phát triển; trong đó đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao năng lực nghiên cứu và tư duy khoa học.

Tất cả chương trình tích hợp cử nhân – thạc sĩ khoa học, cử nhân – kỹ sư chuyên sâu đặc thù có tổng thời gian 5,5 năm với khối lượng học tập 180 tín chỉ, được thiết kế đảm bảo tính liên thông về kiến thức, năng lực, trình độ giữa các bậc cử nhân, kỹ sư và thạc sĩ.

Cơ chế tích hợp đào tạo cử nhân - thạc sĩ là hướng đi mới, phù hợp với sinh viên có nhu cầu học lên trình độ cao hơn, TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhìn nhận. Cơ chế này, giúp các em giảm áp lực đầu vào, rút ngắn thời gian đào tạo. Theo đó, người học chỉ cần 5 năm đã có thể cầm trong tay hai tấm bằng đại học và thạc sĩ.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiện Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ GD&ĐT cho phép sinh viên có thể học trước một số tín chỉ thạc sĩ. Cụ thể, Khoản 2, Điều 4 Quy chế này nêu, sinh viên đang học chương trình đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và các điều kiện khác do cơ sở đào tạo quy định, được đăng ký học trước một số học phần của chương trình thạc sĩ tại cùng cơ sở đang học đại học. Số tín chỉ được công nhận không vượt quá 15 tín chỉ.

Viện dẫn, trên thế giới có nhiều nước cho phép sinh viên đại học học trước một số học phần thuộc chương trình đào tạo thạc sĩ, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, chúng ta không nên cấm hoàn toàn cơ chế này, bởi thực tế nhiều người có năng lực với khả năng đặc biệt. Tuy nhiên, cũng không nên khuyến khích, để điều này trở thành đại trà.

“Nếu người học thực sự có tài năng, đạt thành tích học tập xuất sắc thì nên tạo điều kiện để họ được học tập, nghiên cứu theo hướng nâng cao hoặc chuyên sâu hơn”, TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

Theo đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), điểm mới trong Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ (Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT) là, sinh viên có thể học trước một số tín chỉ thạc sĩ, tạo điều kiện cho người có thành tích học tập vượt trội. Hiện, việc công nhận tín chỉ lẫn nhau giữa các trường đại học chưa nhiều. Các trường mới chỉ thực hiện liên thông dọc đối với sinh viên đang theo học tại đơn vị mình, chưa công nhận với các trường khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.