Chuyển đổi số trong đào tạo nhân lực:

Không nắm bắt thời cơ sẽ tụt hậu

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, muốn chuyển đổi số nhanh, phải đào tạo nhân lực và đây là vấn đề cần làm rất nhanh.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời tại phiên đối thoại với thanh niên. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời tại phiên đối thoại với thanh niên. Ảnh: VGP

Năng lực cạnh tranh chưa mạnh

Tại Hội nghị đối thoại thanh niên năm 2023, chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”, Bí thư Đoàn cơ sở Công ty Phân bón dầu khí Cà Mau Nguyễn Văn Tú cho rằng phát triển khoa học công nghệ làm giảm lao động thủ công, đơn giản. Do đó, muốn tiếp tục tham gia thị trường lao động, nhiều lao động trẻ có nhu cầu đào tạo lại, trang bị thêm kỹ năng phù hợp. Trong thời gian tới, mong Chính phủ có giải pháp hỗ trợ lao động trẻ vấn đề nêu trên.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng với 43 năm công tác, chưa khi nào thấy thanh niên hùng mạnh như hiện nay cả về số và chất lượng. Mặt khác, dân số và lực lượng lao động Việt Nam trẻ nhưng năng lực cạnh tranh quốc gia chưa mạnh.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam còn thấp (70%), nhưng chỉ có 26,1% có chứng chỉ. So với các nước ASEAN thì Việt Nam đang ở mức thấp.

Bộ trưởng cũng chỉ ra năng suất lao động của Việt Nam chưa cao do nhiều yếu tố. Bên cạnh lý do lực lượng lao động phi chính thức nhiều thì kỹ năng sống, lao động, nghề nghiệp là những vấn đề cần quan tâm.

Vấn đề tiếp theo, sự phân hóa xã hội rất lớn. Việt Nam có 20 triệu thanh niên và dân số trẻ nhưng 15 năm nữa cứ 4 người có 1 người già. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là vấn đề Việt Nam phải bàn và lưu ý.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Đối diện cùng chuyển đổi

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam đang thực hiện 3 trụ cột lớn: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (để phát huy tối đa khối đại đoàn kết, năng lực mỗi người dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại), xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân (mọi chính sách đều hướng tới người dân và mọi người dân tham gia thực hiện các chính sách; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật), xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng các quy luật khách quan như quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết).

Ngoài ra, quan điểm xuyên suốt coi con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngoài 3 trụ cột trên thì thanh niên Việt Nam cũng như xu hướng thế giới đang phải đối đầu với 4 chuyển đổi, nếu không nắm bắt sẽ tụt hậu.

Chuyển đổi thứ nhất là chuyển đổi công nghệ (hay nói trọng tâm là chuyển đổi số). Nó chính là cơ hội đưa Việt Nam vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ở lĩnh vực cần có sự thay đổi về cung cách quản trị quốc gia và thay đổi cách sống, làm việc, đặc biệt đối với giới trẻ.

Thứ hai là chuyển đổi không gian với trọng tâm tăng trưởng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, quá trình tăng trưởng sẽ thúc đẩy đô thị hóa, tạo ra thay đổi về cơ cấu việc làm, điều kiện sống. “Nếu tuổi trẻ Việt Nam không thích ứng nhanh, chúng ta sẽ gặp khó khăn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chuyển đổi thứ ba, là chuyển đổi xanh làm thay đổi mô hình kinh tế. Thứ tư là chuyển đổi xã hội, thích ứng với việc Việt Nam từ dân số trẻ bước sang dân số già. Bộ trưởng Dung phân tích, Việt Nam chưa phải dân số già nhưng đang từ giai đoạn dân số trẻ chuyển sang già nên phải nắm bắt cơ hội dân số vàng, nếu không sẽ tụt hậu.

Thiếu 1 triệu nhân lực khu vực công nghệ

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về chính sách, Ban Bí thư đã cho chủ trương ban hành chỉ thị về tăng cường đào tạo nhân lực Việt Nam, trọng tâm là giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 06 về xây dựng thị trường lao động linh hoạt, bền vững, hội nhập và hiệu quả.

Theo quan điểm của Bộ trưởng, bên cạnh giáo dục đào tạo kỹ năng đại trà, cần quan tâm vấn đề hạ tầng và đột phá chất lượng nhân lực cao. Đồng thời đưa ra gợi ý nên lấy hệ thống đại học và 45 trường đào tạo nghề chất lượng cao làm nền tảng bởi muốn chuyển đổi số nhanh, phải đào tạo nhân lực. Theo ông Dung, Việt Nam đang thiếu khoảng 1 triệu nhân lực khu vực công nghệ. Đây là vấn đề cần làm nhanh, bởi muốn đi nhanh phải đào tạo con người.

Bộ trưởng lưu ý cần quan tâm hệ thống chính sách phụ cận. Để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 7 sắp tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc đến mục tiêu xây 1 triệu nhà ở xã hội, phấn đấu đến năm 2030 không còn nhà tạm ở Việt Nam, tạo nền tảng và chăm lo phúc lợi xã hội để công nhân, thanh niên cũng như người lao động trẻ yên tâm cống hiến.

Cũng tại Hội nghị, bổ sung cho câu trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý thị trường lao động luôn biến đổi, kinh tế thị trường luôn tạo ra nhu cầu cạnh tranh nên lao động việc làm cũng được xem là một trong những trụ cột trong ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhắc lại việc thị trường lao động biến đổi theo xu thế, Thủ tướng dẫn chứng giai đoạn trước, chúng ta chủ yếu sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất đai, khoáng sản, dầu khí… để phát triển. Nhưng giai đoạn hiện nay, bên cạnh những yếu tố đó, phải dựa vào việc phát triển con người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong xu thế chuyển đổi số len lỏi vào từng góc cạnh cuộc sống, cần có chính sách để đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ