Không làm ngơ với rác

GD&TĐ - Vụ việc người dân Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) chặn xe rác gần đây không chỉ là câu chuyện cuộc sống của người dân gần bãi rác hay quy hoạch dân cư nội đô… - dù những vấn đề này chính quyền thành phố phải rốt ráo tìm giải pháp vì chúng cấp bách và thuộc thẩm quyền. Những đống rác nằm ngồn ngộn trên nhiều tuyến phố của Thủ đô những ngày qua còn khiến chúng ta phải nghĩ đến ý thức của mỗi người về rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt.  

Không làm ngơ với rác

Đầu tiên là ý thức về mức độ nguy hại của rác thải sinh hoạt, từ đó có ứng xử cho đúng. Lâu nay, nhiều người nghĩ rác thải sinh hoạt không nguy hại cho môi trường như các nguồn ô nhiễm khác. Thực tế không phải như vậy, nó nguy hại không kém bất cứ loại rác thải nào.

Do ý thức và quản lý không tốt, rác thải sinh hoạt đang được đổ ra sông rạch, ao hồ làm ô nhiễm nguồn nước. Rác thải sinh hoạt có chứa những độc tố, khi chôn vào lòng đất sẽ ảnh hưởng đến các loài sinh vật, thực vật ... Rác thải hữu cơ đổ bừa bãi nhiều nơi, khi phân hủy không chỉ hôi thối mà còn phát sinh vi khuẩn gây hại cho sức khỏe con người... Đáng lo nhất là rác thải nhựa, phải mất hàng trăm năm chúng mới tự phân hủy nhưng con người vẫn đang sử dụng vô tội vạ.

Theo số liệu công bố tại Ngày Trái đất 2018, trung bình mỗi người Việt Nam thải ra 1,2kg rác/ngày. Nếu làm tròn dân số Việt Nam là 100 triệu người thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó 16% là rác thải nhựa, vị chi mỗi ngày sẽ có gần 19.000 tấn rác thải nhựa được thải ra ở Việt Nam.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới trên 109 quốc gia đã chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 17 trên bảng “thành tích” về rác thải nhựa. Việc tái chế rác thải tất nhiên quan trọng nhưng đó không phải là câu trả lời cuối cùng. Thay vào đó, mỗi người và mọi người cần có ý thức về việc phải giảm thiểu lượng rác thải cho môi trường ngay từ đầu.

Những thế hệ công dân có ý thức bảo vệ môi trường cao như ở các nước phát triển không tự dưng mà có. Chuyển biến căn cơ về ý thức của mỗi người với rác thải phải bắt đầu từ việc giáo dục.

Ở độ 4 - 5 tuổi, trẻ có thể chưa hiểu sâu xa về tác hại của rác thải đối với môi trường sống nhưng nhờ được giáo dục, trẻ biết xả rác bừa bãi là hành động xấu. Nhưng việc bảo vệ môi trường sống của chúng ta lại bắt đầu từ điều sơ khai, đơn giản nhất: Không xả rác bừa bãi!

Nếu mỗi đứa trẻ đều được dạy và hình thành thói quen không xả rác đúng quy định, các em sẽ lớn lên cùng với sự trưởng thành về nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường. Nói cách khác, kiên trì giáo dục từ trong nhà tới trường học, chúng ta sẽ có một thế hệ không thờ ơ với môi trường, không làm ngơ với rác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...