"Không làm gì" mà vẫn hái ra tiền

GD&TĐ - Có tới hơn 37 triệu dân, nhưng thủ đô Tokyo của Nhật Bản lại được xem là một nơi đầy lo âu và cô đơn đối với một số người.

Shoji Morimoto đang làm "nhiệm vụ ăn" và nghe khách hàng chia sẻ.
Shoji Morimoto đang làm "nhiệm vụ ăn" và nghe khách hàng chia sẻ.

Ngay cả trước đại dịch Covid-19, nhiều người đã gặp khó khăn trong việc giải tỏa những lo lắng, bất an. Nhận thức rõ về điều này, một thanh niên đã khởi xướng dịch vụ “cho thuê bản thân” mà “không làm gì cả”, phục vụ khách hàng đơn độc.

Ý tưởng độc đáo

Shoji Morimoto, 38 tuổi, đã kiếm sống bằng cách phục vụ những khách hàng không muốn cô đơn. Được gọi là “Rental-san”, hay “Người lạ lặng im”, dịch vụ của Morimoto có giá 10 nghìn yên (tương đương 85 USD)/buổi “cho thuê bản thân”, từ việc lặng lẽ theo người ly hôn đi ăn trưa, đến vẫy tay chào tạm biệt khi một khách hàng lên tàu cao tốc…

Chỉ trong hơn 2 năm, Shoji Morimoto từ một người thất nghiệp ở Tokyo, đã trở thành nhân vật nổi tiếng ở Nhật Bản với hàng trăm nghìn người theo dõi trên Twitter, xuất hiện trên truyền hình quốc gia, trả lời phỏng vấn trên các báo, tạp chí, thậm chí còn truyền cảm hứng cho những cuốn sách và một loạt phim truyền hình.

Mặc dù, tính chất công việc của anh dễ khiến người ta hiểu lầm, nhưng thực tế Morimoto không phải là một kẻ lười biếng. Là một sinh viên gương mẫu, anh học hành chăm chỉ, đạt điểm cao và tốt nghiệp Thạc sĩ vật lý tại Đại học Osaka danh tiếng.

Sau đó, anh nhận được công việc biên tập sách tại một nhà xuất bản, nhưng vào năm 2017, sau ba năm gắn bó với công ty, anh nghỉ việc vì nhận ra rằng đó không phải là nghề nghiệp mà anh ấy thực sự mong muốn.

Vào tháng 8/2018, Shoji Morimoto công bố dịch vụ mang tính cách mạng của mình với thế giới. Về cơ bản, anh sẵn sàng phục vụ bất kỳ ai cần người làm các công việc như cùng ngắm hoa anh đào, lắng nghe hoặc tặng quà.

Khách hàng sẽ chỉ phải trả tiền taxi và đồ ăn, thức uống (nếu có). Nhưng sau đó, đa số khách hàng khăng khăng đòi anh nhận tiền bù đắp thời gian anh ở bên họ.

Mặc dù lúc đầu khá ngượng ngùng khi nhận tiền công, nhưng rồi anh quen dần với điều này. Các hợp đồng xuất hiện ngày càng nhiều, mang về cho Moritomo khoản thu nhập ổn định. Là một người chồng và một người cha, anh phải làm việc để có thu nhập cho gia đình và nuôi dạy con trai.

Theo Morimoto, công việc hiện tại khá phù hợp với anh. Là người hướng nội và ít nói khi không làm việc, anh được trả tiền để lắng nghe hoặc đi cùng người lạ trong các công việc lặt vặt, vừa dễ dàng vừa bổ ích.

Mỗi ngày, anh giao tiếp với một đến hai khách hàng và học hỏi được rất nhiều điều ở họ. Morimoto cho biết: “Mặc dù bề ngoài trông bình thường và ổn, nhưng nhiều khách hàng của tôi có quá khứ đau buồn hoặc bí mật gây sốc. Họ đến với tôi trông không giống người đang đau khổ”.

Đa dạng khách hàng

Câu chuyện của Shoji Morimoto đã truyền cảm hứng cho loạt phim truyền hình mang tên dịch vụ của anh, “Những người cho thuê chính mình”, với sự tham gia của diễn viên trẻ Takashisa Masuda. Anh cũng là tác giả của 4 cuốn sách, bao gồm một truyện tranh manga, nói về những việc anh ấy làm khi gặp “khách hàng” đi uống cà phê hoặc đi chơi.  

Trước khi rời Tokyo để làm công việc mới, Akari Shirai muốn dùng bữa tại nhà hàng yêu thích mà cô từng đến với chồng cũ. Tuy nhiên, cô không muốn bị ngập trong những suy nghĩ về việc ly hôn khi đi một mình, nhưng lại không muốn mời một người bạn. Cô tìm đến dịch vụ của Morimoto.

“Tôi có cảm giác đang ở bên ai đó nhưng đồng thời cũng cảm thấy như không có ai, vì anh ta tồn tại theo cách mà tôi không cần phải quan tâm hay nghĩ về. Tôi không cảm thấy khó xử hay áp lực khi nói. Đây có thể là lần đầu tiên tôi ăn trong im lặng hoàn toàn”, Shirai nói.

Bữa trưa của hai người kéo dài 45 phút. Shirai có thể thưởng thức các món ăn trước sự chứng kiến của một người lạ, trong khi Morimoto được ăn và được trả tiền hậu hĩnh.

Shirai thậm chí còn cho anh ta xem những bức ảnh về đám cưới của cô ấy và kể cho anh ta nghe những câu chuyện đời mình. Morimoto trả lời chỉ bằng một nụ cười hoặc vài từ ngắn gọn.

Một khách hàng đã đề nghị Morimoto đi cùng đến địa điểm mà ông ta từng tìm cách tự tử để thoát khỏi những chấn thương tâm lý. Một người khác cần có người lắng nghe về một vụ giết người mà ông ta đã chứng kiến.

Có người đề nghị với anh: “Bạn không cần phải làm bất cứ điều gì. Tôi chỉ muốn một người không phải là thành viên gia đình, bạn bè hay người yêu, những người hoàn toàn không biết về tôi, ở bên tôi”.

Có một người đàn ông mời anh đến khách sạn 5 sao mỗi tháng để vừa ăn, vừa nghe ông ta kể về sở thích của mình. Trong 3 tiếng đồng hồ, Morimoto chỉ đơn giản ngồi lắng nghe khách hàng của mình chia sẻ.

Anh cũng từng được một phụ nữ thuê đi cùng khi cô ta đến tòa án nộp đơn ly hôn, để tâm trạng cô bớt cô đơn, hay nhận được yêu cầu ngồi sau một người đàn ông trong một phiên tòa xét xử dân sự, để họ cảm thấy luôn được ai đó hỗ trợ.

Cũng có người thuê anh ngồi cùng trong lúc phải hoàn thành luận án, vì họ sợ việc làm một mình sẽ sinh cảm giác chểnh mảng.

Trong 4 năm điều hành dịch vụ này, Morimoto cũng nhận được khá nhiều yêu cầu oái oăm, mặc dù đã tuyên bố rõ ràng rằng anh cho thuê mình và “không làm gì cả”.

Chẳng hạn, anh từng được đề nghị đóng giả bạn trai, giặt giũ, dọn dẹp nhà, đến thăm một ngôi nhà ma ám và thậm chí chụp ảnh khỏa thân. Anh lịch sự từ chối những đề nghị này.

Hiện nay, dịch vụ “Rental-san” hoạt động tốt đến mức Morimoto hầu như bận rộn suốt, mỗi ngày anh rời nhà vào khoảng 8 giờ 30 phút sáng và chỉ trở về vào 10 giờ đêm.

Theo allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ