Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đề xuất phương pháp mới nghiên cứu sao Chổi, tiểu hành tinh và các đối tượng khác trong Hệ Mặt trời. Họ muốn sử dụng hệ thống đặc biệt gồm dây và móc câu, gắn trên tàu thăm dò vũ trụ để móc vào các thiên thể đang lao đi với vận tốc rất lớn, rồi dựa vào sức kéo của thiên thể để… du hành vũ trụ.
Bằng cách đó, chúng ta không chỉ tiết kiệm nhiên liệu, chế tạo những tàu vũ trụ nhỏ hơn mà còn có thể di chuyển nhanh hơn trong vũ trụ, đồng thời nghiên cứu được nhiều thiên thể hơn. Ngay trong Hệ Mặt trời đã có nhiều thiên thể như vậy, chẳng hạn các vệ tinh của sao Mộc và sao Thổ - nơi có các điều kiện thuận lợi cho sự sống hình thành và phát triển.
Hiện tại, vấn đề lớn nhất đặt ra là sự chênh lệch về vận tốc giữa tàu vũ trụ và thiên thể. Việc tàu vũ trụ tiếp cận hay đổ bộ lên các thiên thể là nhiệm vụ rất khó khăn. Nếu chúng ta sử dụng lao móc và dây kéo, thì việc tàu vũ trụ đến gần thiên thể sẽ diễn ra dễ dàng hơn nhiều. Những công nghệ như vậy đang được phát triển trong khuôn khổ các chương trình khai thác mỏ vũ trụ.
Vậy, việc tiếp cận sẽ diễn ra như thế nào? Các nhà khoa học giải thích, trong quá trình tiến đến gần, chẳng hạn như tiểu hành tinh, con tàu sẽ ném sợi dây có gắn hệ thống bám lên bề mặt tiểu hành tinh. Tiếp đó, hệ thống sẽ bắn các móc vào đá trên bề mặt, còn các dây kéo sẽ dần dần được nhả ra để giảm sức căng, sau đó sẽ cuộn lại để con tàu đổ bộ lên tiểu hành tinh.
Nhà khoa học Masahiro Ono, người điều hành công việc của dự án khác thường này, cho rằng việc thực hiện dự án nói chung là khả thi. Điều cần làm là sử dụng các vật liệu có sức bền lớn. Trong thực tế, những vật liệu như thế đã được tạo ra, đó là zylon, kevlar và các ống nano cacbon. Trong khi đó, những cái móc có thể sẽ được làm bằng kim cương. Vấn đề lớn nhất sẽ là chiều dài sợi dây, bởi chúng sẽ phải căng ra trên khoảng cách đến một ngàn kilômet!
Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã cho biết, họ chế tạo được loại vật liệu dùng để sản xuất ra những sợi dây nói trên. Một centimet khối sợi dây làm từ các ống nano cacbon có thể chịu được tải trọng lên tới 800 tấn. Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết đây là vật liệu bền nhất thế giới.