Không khoan nhượng với hành vi bạo lực học đường

GD&TĐ - Bạo lực học đường là vấn đề chung, có xu hướng gia tăng sau dịch Covid-19. Mỗi nước đã và đang triển khai nhiều phương án để xử lý vấn nạn trên.

Bạo lực học đường là vấn nạn của nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: INT.
Bạo lực học đường là vấn nạn của nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: INT.

Tiếp cận 'không khoan nhượng'

Trên thế giới, Phần Lan là quốc gia đi đầu trong việc giảm thiểu bạo lực học đường nhờ sáng kiến giáo dục KiVa (viết tắt của cụm từ Kiusaamista Vastaan, có nghĩa là "chống lại bắt nạt").

Chương trình KiVa được Bộ Giáo dục Phần Lan triển khai từ năm 2007 và ngay trong năm đó, KiVa đã giảm được 40% các trường hợp bắt nạt trong các trường học. Khoảng 90% trường học Phần Lan đang thực hiện theo phương pháp này.

Trọng tâm của chương trình KiVa là can thiệp và phòng ngừa. Cách thức hoạt động của nó gồm nhiều bước:

Tạo lập các hộp thư ảo để các trường hợp bắt nạt báo cáo ẩn danh: Một giáo viên đóng vai trò là người trẻ có thể hoàn toàn tin cậy và chia sẻ mọi vấn đề trên tinh thần lắng nghe, thấu hiểu học sinh. Trong giờ giải lao, mọi giáo viên có nghĩa vụ theo dõi hành vi của học sinh.

Đứng về phía nạn nhân và cảm hóa các nhân chứng: Giáo viên sẽ trấn an nạn nhân, đối thoại với kẻ bắt nạt cho đến khi vấn đề được giải quyết.

Cảm xúc của học sinh và các giá trị khác được coi trọng: Trẻ em sẽ học cách xác định cảm xúc của bạn bè thông qua ngôn ngữ hình thể, xây dựng sự đồng cảm và tôn trọng người khác.

Mô hình của Phần Lan được nhiều quốc gia trên thế giới như Thuỵ Sĩ, Estonia, Vương quốc Anh... áp dụng. Mục tiêu giúp học sinh nhận thức sự nguy hiểm của bạo lực học đường và giúp đỡ học sinh trở thành những người bảo vệ học sinh đang bị bắt nạt, cũng như không có hành vi bắt nạt người khác.

Trong khi mô hình của Phần Lan tập trung vào việc nuôi dưỡng cảm xúc và giáo dục học sinh, Mỹ có cách tiếp cận "cứng rắn" hơn.

Với những trường hợp bắt nạt nghiêm trọng, chính quyền Mỹ sẽ vào cuộc. Ảnh: INT.

Với những trường hợp bắt nạt nghiêm trọng, chính quyền Mỹ sẽ vào cuộc. Ảnh: INT.

Các trường học Mỹ nổi tiếng với thái độ không khoan nhượng với hành vi bắt nạt và cung cấp những hỗ trợ về tâm lý, thể chất cho nạn nhân. Cứ 4 giáo viên tại Mỹ thì có một người là cố vấn học đường, có nhiệm vụ tìm hiểu và giải quyết bạo lực.

Các bang của Mỹ cũng ban hành luật phòng ngừa bắt nạt. Trong đó, yêu cầu trường học phải có chính sách giải quyết bắt nạt. Với những trường hợp nghiêm trọng, chính quyền địa phương sẽ vào cuộc.

Tuy nhiên, Mỹ "báo động đỏ" vì tình trạng bạo lực học đường gắn liền với bạo lực súng đạn. Các trường phải nỗ lực phát hiện và ngăn chặn bạo lực trước khi nó xảy ra và để lại hậu quả đáng tiếc.

Tại Mexico, xử lý bạo lực học đường được quy định trong Luật Bảo vệ Trẻ em và Thanh thiếu niên, trở thành khung pháp lý để các trường giải quyết vấn nạn trên. Ngoài ra, luật cũng quy định về việc ngăn chặn hình thành bạo lực học đường; hỗ trợ nạn nhân sau khi bị bắt nạt; đào tạo kỹ năng xử lý bạo lực cho giáo viên...

Tâm lý e ngại bạo lực học đường

"Không khoan nhượng" cũng là thái độ mà Hàn Quốc hướng đến trong việc kiểm soát bạo lực học đường. Từ năm 2010, nước này đã thành lập các uỷ ban chống bạo lực học đường với thành viên là phụ huynh học sinh, giáo viên, chuyên gia pháp luật.

Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc cũng thông báo những kẻ bắt nạt học đường sẽ bị lưu hồ sơ kỷ luật trong quá trình xét tuyển đại học và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Điều này nhằm nâng cao khả năng chống bắt nạt trong trường học.

Bạo lực học đường là vấn nạn nhức nhối trong xã hội Hàn Quốc. Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, trước thềm năm học 2022 - 2023, 1,7% học sinh cho biết là nạn nhân của bạo lực học đường, tăng 0,6% so với năm 2021. Các dạng bạo lực phổ biến lần lượt là lạm dụng bằng lời nói, bạo lực thân thể, tẩy chay, bắt nạt trên Internet...

Nếu không tách kẻ bắt nạt ra khỏi nạn nhân, nạn nhân sẽ tiếp tục chịu giày vò. Ảnh: INT.

Nếu không tách kẻ bắt nạt ra khỏi nạn nhân, nạn nhân sẽ tiếp tục chịu giày vò. Ảnh: INT.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Bà Kim Hyoung-tae, thành viên Uỷ ban Giáo dục, Hội đồng thành phố Seoul, phân tích, giáo viên Hàn Quốc ngày càng e ngại trước vấn đề bạo lực học đường.

Từ năm 2008 đến năm 2012, do cắt giảm ngân sách, trường học Hàn Quốc đã tăng tuyển dụng giáo viên hợp đồng ngắn hạn. Nhiều giáo viên hợp đồng chưa chú trọng hoặc có ít kinh nghiệm trong việc quản lý và kỷ luật học sinh bắt nạt.

“Học sinh bị bạo lực học đường rất cần sự chia sẻ, hướng dẫn của giáo viên. Nhưng làm sao chúng ta có thể mong đợi những giáo viên hợp đồng dưới một năm có thể làm tốt công việc khó khăn này”, bà Hyoung-tae bày tỏ.

Ông Park Keun-byeong, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên trường học Seoul, cho biết, khi một sự việc bạo lực học đường xảy ra, các trường giải quyết chưa đủ nhanh. Ví dụ, họ không tách kẻ bắt nạn và nạn nhân ra khỏi không gian chung là lớp học, khiến nạn nhân phải chịu thêm giày vò.

Còn tại Nhật Bản, GS Mieko Nakabayashi, làm việc tại Trường Nghiên cứu Xã hội, Đại học Waseda, Nhật Bản, nhận định một trong những nguyên nhân gây bạo lực học đường tại Nhật Bản là sự khác biệt.

“Nếu bạn có tài năng, xinh đẹp hay đơn giản là có hành động khác với bạn bè trong lớp, bạn có thể trở thành mục tiêu bị để ý. Việc tẩy chay và sau đó là bạo lực học đường cũng xuất phát từ đây”, GS Mieko cho biết.

Bên cạnh đó, kỹ năng xử lý bắt nạt học đường của giáo viên, nhà trường chưa cao. Công tác tư vấn tâm lý học đường còn yếu...

Những hạn chế của Hàn Quốc hay Nhật Bản trong công tác ngăn chặn bạo lực học đường cũng là khó khăn của nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt sau dịch Covid-19, bạo lực học đường ngày càng gia tăng và phổ biến ở dạng thức bạo lực qua Internet. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải có hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để kiểm soát bạo lực học đường và cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho nạn nhân của bạo lực học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ