'Không gian đọc Yên' lan toả phong trào đọc sách

GD&TĐ - Với 5.000 đầu sách, 3 năm qua ‘Không gian đọc Yên’ đã mang đến nguồn tri thức quý giá cho không chỉ học sinh mà cả những người trưởng thành.

Gần 3 năm qua, "Không gian đọc Yên" là nơi lý tưởng để học sinh tìm đến sau giờ học. (Ảnh: NT).
Gần 3 năm qua, "Không gian đọc Yên" là nơi lý tưởng để học sinh tìm đến sau giờ học. (Ảnh: NT).

Kho tri thức quý giá

“Không gian đọc Yên” được ra đời từ năm 2021, nằm ở thị trấn Nga Sơn (Thanh Hoá), là “đứa con tinh thần”của anh Phạm Văn Trường (SN 1992) dược sĩ tại Bệnh viện huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá và các cộng sự của anh.

Thư viện đúng như tên gọi - nơi mang đến cảm giác thoải mái, an yên cho bất cứ ai đặt chân đến. Với 5.000 đầu sách và 8 thể loại sách, được thành viên thư viện sắp xếp ngay ngắn trên kệ. Từ sách trong nước đến ngoài nước, từ sách kỹ năng, tư duy, khoa học đến tiểu thuyết, trinh thám…

"Không gian đọc Yên" có nhiều loại sách phù hợp với từng lứa tuổi. (Ảnh: NT).
"Không gian đọc Yên" có nhiều loại sách phù hợp với từng lứa tuổi. (Ảnh: NT).

Anh Trường cho biết, nguồn sách này được nhân lên do anh và các bạn đứng ra đóng góp, kêu gọi hỗ trợ từ một số nhà xuất bản cùng bạn đọc khắp mọi miền tổ quốc.

Là người đam mê đọc sách từ nhỏ, giống như việc ăn cơm uống nước hàng ngày, anh Trường thấy rằng, sách không chỉ là kho tàng trí tuệ mà còn giúp cho cuộc sống của mình có thêm nhiều gam màu thú vị hơn. Từ ý nghĩa này đã thôi thúc anh nghĩ đến việc chia sẻ giá trị của sách đến với mọi người. Đặc biệt, Nga Sơn- mảnh đất anh sinh ra lớn lên - nơi mà văn hóa đọc chưa được chú trọng, không gian đọc ít được thu hút.

“Không gian đọc Yên” ra đời chính là để lan toả phong trào đọc sách, tinh thần hiếu học, mang đến nguồn tri thức miễn phí cho trẻ em Nga Sơn.

Nhớ lại thời điểm mới bắt đầu xây dựng dự án, anh Trường gặp không ít khó khăn. Không chỉ kinh phí hạn hẹp, tìm vị trí đặt cơ sở cũng là thách thức. Bên cạnh đó, anh cũng trăn trở việc phát triển công tác truyền thông khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong mỗi người.

Mọi khó khăn dần được tháo gỡ, sau gần 3 năm hoạt động, đến nay, không chỉ số đầu sách ở Yên đã tăng lên hơn 10.000 cuốn, mà số tình nguyện viên gắn bó với Yên cũng đã là 45 bạn.

Thư viện hiện có 5.000 đầu sách với 8 thể loại sách... (Ảnh: NT).
Thư viện hiện có 5.000 đầu sách với 8 thể loại sách... (Ảnh: NT).

Mỗi ngày có hàng chục lượt khách ghé thư viện. Không quan trọng bạn là ai, bạn đến từ đâu hay làm nghề gì, chỉ cần có niềm đam mê với sách. Ngoài đọc tại chỗ, mọi người còn có thể đăng ký mượn sách mang về đọc miễn phí.

Với các tình nguyện viên, Không gian đọc Yên là nhà vì mọi thành viên gắn kết như gia đình; đồng thời cũng là trường vì dạy các bạn trẻ những kiến thức mà không phải sách vở nào cũng có được.

Em Mai Thị Khánh Huyền, học sinh Trường THPT Ba Đình, huyện Nga Sơn tâm sự: “Bản thân em thấy không gian đọc Yên là một thư viện vô cùng lý tưởng đối với học sinh chúng em. Không gian đọc Yên có đầy đủ các loại sách phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu học tập, tìm hiểu của mọi người”.

Dược sĩ Phạm Văn Trường, người xây dựng "Không gian đọc Yên". (Ảnh: NT).
Dược sĩ Phạm Văn Trường, người xây dựng "Không gian đọc Yên". (Ảnh: NT).

Em Thịnh Ngọc Trang Thu, tình nguyện viên tại Không gian đọc Yên chia sẻ: “Từ một người đến đọc sách, em đã đăng ký vào vị trí tình nguyện viên của Yên. Đến nay em hoạt động được gần 1 năm, em thấy môi trường đúng như em mong đợi. Bản thân được tiếp cận nhiều cuốn sách hay, từ đó trang bị thêm nhiều kỹ năng trong cuộc sống. Cũng từ công việc này, em thấy mình sống có trách nhiệm và có mục tiêu hơn”.

Hơn cả một kho tri thức…

Không gian đọc Yên là đứa con tinh thần đầu tiên và cũng là nền tảng để anh Trường cùng các tình nguyện viên của mình triển khai nhiều dự án khác.

Song song với hoạt động thư viện miễn phí, tại Yên, mỗi tháng, anh Trường đều xây dựng các chương trình hoạt động rèn luyện các kỹ năng cho tình nguyện viên như thu phát radio, phát động thi viết, 1 ngày làm phát thanh viên, thu gom sách báo cũ…

Đặc biệt, anh Trường còn cùng các bạn lập các dự án thiện nguyện, dự án phi lợi nhuận vì cộng đồng, như quyên góp quần áo, mua bánh kẹo… xây dựng gian hàng 0 đồng phát cho bệnh nhân khó khăn; gom Quỹ từ thiện Yên tại phòng đọc để hỗ trợ cho trẻ em nghèo…

Trong đó, nổi bật là việc sử dụng quỹ từ thiện chung tay hỗ trợ cho 13 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Nga Sơn.

Anh Trường cùng các cộng sự lên kế hoạch cho các hoạt động thiện nguyện trong tháng. (Ảnh: NT).
Anh Trường cùng các cộng sự lên kế hoạch cho các hoạt động thiện nguyện trong tháng. (Ảnh: NT).

Anh Phạm Văn Trường, Quản lý điều hành tại Không gian đọc Yên chia sẻ: “Không gian đọc Yên không chỉ dừng lại ở văn hoá đọc mà còn là nơi học tập, rèn luyện của các bạn trẻ về kỹ năng mềm, về tình yêu thương nhân ái. Từ đó, trở thành người có ích cho xã hội, cho quê hương Nga Sơn. Mình cứ làm, mình cho đi, mình cống hiến đi, xã hội tốt đẹp, gia đình tốt đẹp thì bản thân mình sẽ tốt đẹp hơn”.

Không gian đọc Yên hiện đang đồng hành với 3 tủ sách tại xã Nga Điền, trường THCS Nga Thái trong việc hỗ trợ sách và hoạt động quản lý.

Chủ của thư viện sách 0 đồng này mong muốn tương lai sẽ phát triển văn hóa đọc ở các vùng xa của Nga Sơn, chứ không chỉ riêng thị trấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.