Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến: Theo Nghị quyết 88, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm biên soạn một bộ SGK, nhưng có những lý do khách quan nên việc này gặp phải nhiều khó khăn nhất định.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, thực tế cho thấy, đối với xã hội hóa thì phần chi phí trả cho tác giả biên soạn SGK sẽ cao hơn Nhà nước chi trả.
Do đó, bộ sách Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn sẽ không hấp dẫn được tác giả. Đây là vấn đề thực tế khách quan.
Nghị quyết ban đầu muốn có bộ sách chuẩn, sau đó sẽ xã hội hóa biên soạn SGK. Nhưng giờ chúng ta làm xã hội hóa trước, rất tích cực, rất đáng hoan nghênh và đáng khen, khi không dùng ngân sách Nhà nước mà vẫn có nhiều SGK chất lượng cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, điều cần quan tâm hiện nay là, kiểm soát để giá SGK không cao quá, phải đảm bảo theo mặt bằng thu nhập của người dân. Đồng thời, cần hỗ trợ đối với học sinh vùng cao, các em có hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và đánh giá cao Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội vể đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và vai trò của Bộ GD&ĐT trong triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Tới đây sẽ báo cáo Quốc hội, để Quốc hội cho ý kiến việc Nhà nước có cần làm một bộ SGK nữa không.
“Vừa rồi Thủ tướng chỉ đạo không được tăng giá các mặt hàng, trong đó có SGK. Tuy nhiên xã hội hóa, không cho tăng giá thì có nên đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá hay nhà nước có chính sách bù không? Còn cơ chế thị trường, chúng ta ra chủ trương giá SGK không được tăng, người ta lỗ không làm nữa thì như thế nào? Đây là vấn đề Chính phủ cần suy nghĩ” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề, đồng thời kết luận:
Đối với nguồn vốn vay để biên soạn SGK mà chưa sử dụng thì Chính phủ quyết định và trả lời rõ ràng nếu đại biểu Quốc hội chất vấn.