Chọn sách giáo khoa mới: Lá phiếu của những “giám sát viên”

Chọn sách giáo khoa mới: Lá phiếu của những “giám sát viên”

Còn khó khăn

Cô Cao Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Newton Hoài Đức, Hà Nội cho biết: Theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT, việc chọn SGK mới không hoàn toàn phụ thuộc vào chủ quan của nhà trường mà rất khách quan. Hội đồng chọn sách nhà trường chỉ cần làm đúng, đủ và có trách nhiệm là bảo đảm chất lượng và uy tín. Thực hiện chọn SGK, nhà trường đã chia thành các tổ cho GV nghiên cứu, thảo luận để xây dựng phiếu nhận xét, đánh giá cho từng cuốn. Mỗi bộ sách đều được đưa ra thảo luận công khai. Cùng với đó, các GV, tổ chuyên môn cũng có những ý kiến đánh giá cụ thể.

Về cách làm, đầu tiên nhà trường dự kiến thành viên, chuẩn bị thành lập Hội đồng lựa chọn SGK theo đúng quy định. Sau đó, tổ chức các thành viên hội đồng nghiên cứu kỹ tiêu chí lựa chọn của Sở GD&ĐT khi chính thức ban hành (có đại diện cha mẹ HS); lập các mẫu biểu hồ sơ theo quy trình quy định. Tiếp đến, tiến hành các bước lựa chọn sách theo đúng quy trình, lập hồ sơ và báo cáo kết quả về Phòng GD&ĐT; công bố cho toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên và phụ huynh HS được biết.

Khó khăn trong chọn SGK, theo cô Tuyết là do HS tạm dừng đến trường nên không thể dạy thử để đưa nhận định sát với thực tế hơn; thời gian để chọn SGK chỉ khoảng 2 tháng, nhưng giáo viên phải nghiên cứu số lượng đầu sách khá nhiều, tổng bộ sách là 45 cuốn của 9 môn học và hoạt động giáo dục.

Thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, tuy nhiên, cô Cao Thị Tuyết cũng chia sẻ việc đưa đại diện Ban đại diện cha mẹ HS của trường vào thành phần Hội đồng lựa chọn SGK còn có khó khăn. Bởi, thời điểm triển khai, họ là phụ huynh của những HS đang học từ lớp 1 đến lớp 5 - đối tượng không tham gia học Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Như vậy, phụ huynh HS của lớp 1 theo học Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới lại không phải là đối tượng được tham gia vào Hội đồng lựa chọn SGK.

Hơn nữa, không phải phụ huynh nào cũng có đủ chuyên môn, thời gian để đọc, so sánh các sách rồi đưa ra lựa chọn để bỏ phiếu, đặc biệt những cuốn sách đòi hỏi chuyên môn đặc thù như Âm nhạc, Mĩ thuật, Tiếng Anh. Nếu chọn đại diện cha mẹ HS mà họ không có chuyên môn, không có con trực tiếp học sách thì khó có lá phiếu chất lượng. “Vì vậy, nhà trường mời đại diện cha mẹ HS ở vai trò giống như giám sát viên trong quá trình lựa chọn sách”, cô Cao Thị Tuyết cho hay.

Vai trò quan trọng

Trường Tiểu học Mặt Trời Mới (Hà Nội) đã hoàn thành việc chọn SGK lớp 1. TS Nguyễn Thị Thành, Chủ tịch HĐQT nhà trường nêu rõ quan điểm: Việc lựa chọn bộ SGK để dạy cho HS đóng vai trò quan trọng thực hiện mục tiêu và cách tiếp cận để thực hiện được triết lý của trường là “Trường học là một xã hội thu nhỏ, ở đó HS được tôn trọng, được phát triển tối đa năng lực phẩm chất của bản thân”.

“Trường chúng tôi đã lựa chọn được bộ sách “Cánh diều” dùng cho dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện cũng đã thử nghiệm dạy cho HS, kết quả cho thấy bước đầu đáp ứng mục tiêu của chương trình. Nhưng rất tiếc thử nghiệm chưa được nhiều thì bị ảnh hưởng của dịch. Nhưng nếu dịch hết sớm, có khoảng 2 tháng thì nhà trường cũng tự tin triển khai thực hiện chương trình mới”, TS Nguyễn Thị Thành chia sẻ.

Chia sẻ quá trình chọn SGK tại các cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Thúc Sinh - Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học, Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, toàn thể GV, cán bộ quản lý đã nghiên cứu các đầu sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Đây được coi là khâu quan trọng nhất; sau đó thảo luận đánh giá ở tổ chuyên môn nhằm làm rõ ưu - nhược điểm từng đầu sách theo tiêu chí của tỉnh. Các phụ huynh được lắng nghe, đánh giá ưu nhược điểm từng đầu sách để từ đó hiểu rõ cách làm của nhà trường và có ý kiến riêng của mình, đồng thời trao đổi với các phụ huynh khác; cuối cùng đi đến quyết định qua lá phiếu của mình.

Trong giai đoạn cách ly, một số trường chưa họp Hội đồng lựa chọn SGK thì tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng trực tiếp trao đổi với đại diện cha mẹ HS để có đủ thông tin cần thiết sau đó họp hội đồng trực tuyến. Ông Nguyễn Thúc Sinh khẳng định: Vai trò của Ban đại diện cha mẹ HS rất quan trọng; là cầu nối giữa nhà trường với toàn thể phụ huynh và xã hội; giúp xã hội hiểu thêm về cách lựa chọn sách của trường là công khai, minh bạch, đúng pháp luật và cuối cùng là vì HS, vì chất lượng giáo dục của trường mình.

“Hiện nay, các trường đã lựa chọn được đầu sách như mong muốn và thực hiện hoàn tất hồ sơ để công khai danh mục SGK đã chọn theo quy định. Qua nắm bắt tình hình giáo viên dự kiến dạy lớp 1 năm tới, thầy cô rất tự tin thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Khó khăn hiện tại do dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc tập huấn dạy học theo SGK đã chọn”, ông Sinh thông tin thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ