Lễ hội đang dần bị mai một
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Việt Nam có gần 500 lễ hội cổ truyền lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới một đối tượng linh thiêng cần được suy tôn như những vị anh hùng chống ngoại xâm, những người có công dạy dỗ truyền nghề, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, giàu lòng cứu nhân độ thế...
Sự phong phú của lễ hội ở Việt Nam vừa là nét đẹp văn hóa dân tộc nhưng cũng vừa là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, nhiều lễ hội truyền thống không được vận hành đúng quy luật, nhiều giá trị văn hóa đặc sắc theo đó cũng mai một…. Tình trạng đáng chú ý là lễ hội phát triển ồ ạt, không định hướng, kèm theo các yếu tố ngoại lai và đang bị “thương mại hóa” quá mức.
Điển hình nhất trong mùa lễ hội năm 2017 là vụ một sư thầy ở chùa Hương tổ chức phát lộc gây ra tình trạng chen lấn phản cảm; việc phát ấn ở Đền Trần tuy đã có biện pháp giảm tải nhưng vẫn chưa khắc phục được việc tranh cướp ấn; lễ hội chọi trâu Đồ Sơn để xảy ra sự cố trâu húc chết chủ…
Một số hiện tượng đang dần trở nên phổ biến như tăng giá trông giữ xe cao gấp 3, 4 lần so với quy định, nhiều điểm giữ xe tự phát mọc lên gây ách tắc giao thông; các hiện tượng mê tín dị đoan, cúng thuê, khấn thuê, bói toán… làm mất đi bản sắc văn hóa và ý nghĩa tâm linh của lễ hội.
Tất cả những hiện tượng trên đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, để lại những tác động xấu đến môi trường, giao thông ách tắc, tệ nạn trộm cắp tràn lan... làm mất đi sự tôn nghiêm nơi linh thiêng, nhiều giá trị văn hóa đặc sắc bị mai một.
Rà soát những “điểm nóng”
Tại Hội nghị tổng kết ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, kiên quyết không để xảy ra những thứ thương mại hóa, những hành vi khơi dậy lòng tham tiền của mọi người trong các lễ hội làm sai bản chất truyền thống của lễ hội. Chúng ta đã lưu ý câu chuyện bạo lực, nhưng năm nay đặc biệt phải lưu ý tới tất cả các hành động khơi dậy lòng tham về vật chất, từ tổ chức đánh bài bạc đến chia lộc…
Đối với công tác quản lý lễ hội, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ VH, TT&DL tổ chức các đoàn thanh kiểm tra, ngay từ bây giờ phải tiến hành kiểm tra, rà soát những “điểm nóng” lễ hội ở các địa phương, từ đó đưa ra những giải pháp quản lý cho mùa lễ hội 2018, xử lý kiên quyết với những hành vi làm sai lệch giá trị, bản chất của lễ hội.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở đề xuất giải pháp cho công tác quản lý năm 2018 là thực hiện rõ ràng hơn nữa trong phân cấp quản lý. Theo đó, những lễ hội văn hóa mang tính chất ngành, nghề, địa phương sẽ do Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Những lễ hội có nguồn gốc nước ngoài, tổ chức lần đầu phải đăng ký xin phép Bộ VH, TT&DL; lễ hội tổ chức định kỳ phải thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…