Không để phong trào Kế hoạch nhỏ thành gánh nặng của phụ huynh, học sinh

GD&TĐ - Để Kế hoạch nhỏ không trở thành gánh nặng đối với học sinh và phụ huynh, cần sớm bỏ tính hình thức, để phong trào diễn ra tự nguyện.

Phong trào "kế hoạch nhỏ xanh", đổi giấy vụn lấy cây xanh được thực hiện thành công tại Trường THCS Lĩnh Nam.
Phong trào "kế hoạch nhỏ xanh", đổi giấy vụn lấy cây xanh được thực hiện thành công tại Trường THCS Lĩnh Nam.

Phạt tiền nếu không nộp đủ kế hoạch nhỏ?

Tối 10/4, một phụ huynh đã bức xúc chia sẻ tin nhắn trong nhóm chat giữa phụ huynh và giáo viên lớp 7 Trường THCS Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Tin nhắn có nội dung: "Liên đội trường THCS Lĩnh Nam phát động Hội thu kế hoạch nhỏ đợt 2. Mỗi học sinh thu gom và nộp tối thiểu 2kg giấy loại và gom duy nhất buổi sáng thứ 5 (11/4). Bố mẹ nhắc các con mang tối thiểu 2kg giấy loại để hoàn thành kế hoạch của Liên đội".

Thông báo cũng nhắc đến thời gian nộp duy nhất vào sáng thứ 5, bạn nào quên không mang thì gọi phụ huynh mang đến để thu, còn không gọi được phụ huynh thì nộp phạt, tính 50.000 đồng/ 1 kg giấy.

Cán bộ lớp thực hiện các nhiệm vụ thu giấy nộp của các bạn, có ghi tên và kiểm tra ước lượng số giấy có đủ 2kg không. Nếu không đủ yêu cầu gọi bố mẹ mang đến bổ sung, không bổ sung được thì nộp phạt.

Nội dung tin nhắn này sau khi được chia sẻ đã nhận được phản ứng từ các phụ huynh và dư luận. Đây là hoạt động ý nghĩa cho học sinh nhưng trên tinh thần tự nguyện chứ không thể ép buộc rồi nộp phạt. Thậm chí phụ huynh đang đi làm cũng bị gọi về mang giấy vụn đến trường cho con.

Trước vụ việc trên, bà Trần Lệ Khanh - Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay: Thực hiện hướng dẫn của Hội đồng Đội Thành phố Hà Nội, Hội đồng Đội quận Hoàng Mai, Liên đội nhà trường đã phát động phong trào Kế hoạch nhỏ tới 100% đội viên của Liên đội trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc kể cả về số lượng, chủng loại giấy vụn.

Để thực hiện, Nhà trường đã họp Ban giám hiệu để nắm bắt thông tin triển khai hoạt động Kế hoạch nhỏ. Các giáo viên chủ nhiệm ngay sau khi nắm được thông tin có trách nhiệm động viên học sinh để học sinh tham gia. Các chi đội của nhà trường đều thực hiện Kế hoạch nhỏ theo đúng trên tinh thần tự nguyện.

Khẳng định tin nhắn của cô giáo trong nhóm lớp là bộc phát, bà Khanh cho biết, sau khi nhận được phản ánh, nhà trường đã yêu cầu cô giáo T đính chính thông tin và giải thích tới phụ huynh.

Trong báo cáo gửi Ban giám hiệu, Cô T. cho biết trong quá trình triển khai với mong muốn học sinh có ý thức thực hiện tốt nên tự đề ra quy định và đăng lên nhóm lớp. Cô T. cũng khẳng định không thu tiền nộp phạt của học sinh như thông báo.

Học sinh Hà Nội tham gia phong trào Kế hoạch nhỏ.

Học sinh Hà Nội tham gia phong trào Kế hoạch nhỏ.

Cần bỏ tính hình thức của phong trào

Phong trào Kế hoạch nhỏ được ra đời từ năm 1958 với mục đích giáo dục đội viên, học sinh, khuyến khích các em tham gia tiết kiệm, góp nhặt những giấy vụn, báo cũ, vỏ lon, chai nhựa, trồng rau sạch, giao hàng đổi đồ dùng học tập, đóng góp vật phẩm.

Phong trào sẽ rất ý nghĩa nếu như các nhà trường, thầy cô thường xuyên nhắc nhở học sinh biết thu gom giấy vở cũ, giấy không sử dụng, hoặc những rác thải có khả năng tái chế để chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các bạn thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Thế nhưng, với những gì diễn ra gần đây thì có vẻ hình thức, phụ huynh đang phải tham gia trực tiếp vào phong trào kế hoạch nhỏ của các con. Bởi lẽ, cùng với phát động phong trào, các giáo viên chủ nhiệm thường “giao chỉ tiêu” cho từng học sinh. Tại nhiều nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nhắn tin vào nhóm lớp để phụ huynh hỗ trợ lớp hoàn thành nhiệm vụ.

Chị Nguyễn Thị Lan ở quận Đống Đa cho biết, để có 4kg giấy nộp cho con thực hiện kế hoạch nhỏ đối với chị thực sự là một gánh nặng. Bởi gia đình làm nghề buôn bán, nhà chật nên không có nhiều giấy cũ hoặc đồ bỏ đi. Mỗi lần nộp kế hoạch nhỏ, chị phải ra hàng giấy vụn để mua cho con mang đi.

"Để kế hoạch nhỏ thật sự trở thành một phong trào ý nghĩa, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, thiết nghĩ các nhà trường cần sớm bỏ tính hình thức của phong trào này. Hãy để phong trào diễn ra một cách nhẹ nhàng, tự nguyện. Không nên giao chỉ tiêu cho từng lớp, để rồi giáo viên chủ nhiệm lại giao cho từng học sinh, từng phụ huynh như hiện nay" - chị Lan nói.

Theo đại diện Hội đồng Đội thành phố Hà Nội, phong trào Kế hoạch nhỏ được triển khai thường niên từ cấp Trung ương đến cấp Liên đội, Chi đội. Các em học sinh tự nguyện gom góp giấy nháp, báo cũ, chai nhựa hoặc các đồ dùng có thể tái chế để mang đến lớp cùng các bạn đóng góp.

Những sản phẩm có thể tái chế được tập hợp và làm sạch để sử dụng làm nguyên liệu thực hiện các sản phẩm tái chế, phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho học sinh.

Hơn thế nữa, phong trào Kế hoạch nhỏ đã đóng góp nguồn lực để thực hiện các công trình măng non và các hoạt động an sinh xã hội. Mỗi em học sinh đóng góp vào phong trào Kế hoạch nhỏ cũng chính là đang chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các bạn thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Để phong trào “Kế hoạch nhỏ” được lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, tổ chức Đội các cấp đã và đang tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của phong trào đến các em thiếu nhi, gia đình và toàn xã hội để hiểu đúng và duy trì, phát triển phong trào lớn và ý nghĩa này trong công tác giáo dục đối với thiếu nhi Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ