10 điều cần lên kế hoạch trước khi chào đón thiên thần bé nhỏ

GD&TĐ - Khi một đứa trẻ ra đời, cuộc sống của hai bạn sẽ thay đổi hoàn toàn. Vì thế, bạn cần lên kế hoạch thật cụ thể, thật chi tiết để chào đón thiên thần bé nhỏ. Dưới đây là 10 điều bạn cần biết, và cần phải làm trước khi có ý định sinh con.

10 điều cần lên kế hoạch trước khi chào đón thiên thần bé nhỏ

1.Sống cho mình một chút

Kết hôn được hai năm, Thùy Minh, (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM) vẫn chưa muốn có em bé. Cô lên một list dài những việc cần làm lúc son rỗi này. Quan điểm của cô là cần phải sống một chút cho mình trước khi tối ngày tất bật với sữa bỉm, con ốm con đau… Vậy là cô đi du lịch một năm 4 lần, thuê một chiếc xe hơi chỉ để hai vợ chồng đi chơi cho vui, thử những nhà hàng mới mở, xem những bộ phim mới ra lò và… yêu chồng ở bất cứ góc nào trong ngôi nhà hạnh phúc.

Sống tự do một vài năm đầu sau hôn nhân của những cặp vợ chồng mới cưới như Minh giờ đang là xu thế. Chiều chuộng bản thân một chút, tận hưởng những nồng nàn vợ chồng son, ngủ nướng ngày Chủ Nhật, đi chơi cùng nhau sẽ giúp cả hai bớt nuối tiếc sau này. Thêm nữa, những tháng ngày vui vẻ này sẽ giúp hai vợ chồng gần nhau hơn, hiểu nhau hơn để cùng chăm sóc đứa trẻ một cách tốt nhất khi bé chào đời. Tuy nhiên, cơ hội có con với phụ nữ sẽ giảm theo thời gian. Do đó, vui chơi cũng cần có giới hạn. Hơn nữa, cuộc sống khi có thêm tiếng khóc, tiếng cười trẻ thơ cũng có nhiều thú vị lắm.

2. Gặp gỡ những đứa trẻ

Một cặp vợ chồng trẻ người Mỹ mà tôi biết đang băn khoăn không biết có nên sinh con đã có một cách thử rất hay: họ mượn một hai đứa trẻ. Tất nhiên là tôi không đùa. Họ hỏi bạn bè thân thiết xem liệu có ai cho họ trông hộ bọn trẻ trong một ngày, hoặc thậm chí một tuần. Trong khoảng nửa năm trông trẻ đủ mọi lứa tuổi, họ tìm thấy những niềm vui và cũng học được những bài học làm cha mẹ để đi đến quyết định cuối cùng của mình.

Nếu bạn chẳng có can đảm như cặp vợ chồng trên thì việc tận dụng cơ hội để quanh quẩn với lũ trẻ là ý tưởng không tồi. Giúp chị gái trông đứa cháu mới sinh trong nửa ngày, chơi với hai đứa trẻ con của cô bạn thân để mẹ nó đi công tác hai hôm chẳng hạn… tất cả những việc đó có thể dạy cho bạn (dù rất ít) kinh nghiệm làm thế nào để cư xử, giao tiếp với những đứa trẻ.

3. Xây dựng một mạng lưới hỗ trợ

Chồng tôi đến giờ vẫn tự hỏi không biết chúng tôi sẽ làm thế nào nếu ngày mới có con cha mẹ hai bên không sống gần nhà chúng tôi, hoặc chúng tôi không có nhiều bạn bè giúp đỡ đến thế. Việc tạo dựng một hệ thống hỗ trợ tốt rất quan trọng trong những năm đầu gian nan khi bạn tất bật với cả lũ trẻ, việc nhà và việc cơ quan.

Trước khi có bầu, bạn nên xem lại hệ thống hỗ trợ mình có. Những cặp vợ chồng không có bố mẹ hoặc bạn bè thân cận sống gần nên nghĩ đến việc tham gia các hoạt động thông qua đó, họ gặp gỡ các cặp đôi và gia đình khác để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm sự giúp đỡ. Những vấn đề bạn sẽ gặp phải khi sinh con sẽ khiến bạn stress nếu không có ai đó chia sẻ, giúp đỡ. Rất nhiều trường hợp trầm cảm sau sinh cũng vì thế mà nảy sinh.

4. Ổn định cuộc sống

Nhật Minh và vợ (Q. Hoàng Mai, HN) đã đợi sau 4 năm mới có con. Anh chia sẻ: “Chúng tôi cần thời gian để cả hai quen với cuộc sống hôn nhân, có thêm nhiều kinh nghiệm từ những gia đình khác, rồi mới đi đến quyết định sinh em bé.” Tất nhiên không phải tất cả các cặp vợ chồng mới cưới đều cần phải đợi lâu đến thế, nhưng cho dù bạn đã có thể biết hết về nhau thì việc dành một khoảng thời gian ổn định gia đình trước khi có em bé là điều rất quan trọng. Anh Minh và vợ sau 4 năm đã tiết kiệm và sắm được một căn nhà nhỏ, công việc cả hai đều ổn định, thu nhập khá, và việc của họ lúc này là dành thời gian cho con. Chắc chắn ai cũng mong được như họ.

5. Tìm kiếm một công việc “thân thiện với trẻ con”

Trước khi có ý định sinh em bé, Ngọc Anh (Q. Hoàn Kiếm, HN) đã quyết định chuyển sang một nơi làm việc mới, dù lương thấp hơn nhưng cô không phải di chuyển nhiều như trước. Một quyết định thông minh. Cho dù ai cũng muốn cân bằng giữa công việc và gia đình, nhưng thực tế là bạn khó, và gần như là không thể cùng lúc chu toàn việc chăm con, chăm sóc nhà cửa, và vừa thăng quan tiến chức ở công sở. Vợ chồng bạn cần lên kế hoạch nghề nghiệp của mình để đảm bảo trong suốt những năm đầu sinh bé, ít nhất một trong hai bố mẹ phải có công việc linh hoạt về thời gian, hoặc cũng không đòi hỏi phải di chuyển nhiều hoặc làm việc hơn 14 tiếng mỗi ngày.

Bạn nên tìm hiểu chính sách của công ty nơi bạn làm thật kỹ trước khi dự định sinh em bé. Hãy xem họ có chế độ cho cha/mẹ nghỉ khi em bé ra đời trong bao lâu, thời gian có linh hoạt không, có chấp nhận phụ nữ sinh con làm việc không. Hãy để ý xem những người đã có con nhỏ ở công ty có bị phạt không khi họ đi muộn vì con ốm, hoặc về sớm đón con tan trường. Nếu thấy các chính sách không thân thiện với phụ nữ có gia đình cho lắm, có lẽ bạn nên tìm một chỗ làm khác.

6. Thống nhất cách nuôi dạy con

Đừng để đến lúc bé ném vỡ cái bát không chịu ăn thì mới áp dụng kỷ luật. Trước khi có con, hai bạn đã phải thống nhất với nhau về những quy tắc trong việc nuôi dạy con cái. Với những cặp vợ chồng đợi một vài năm mới có em bé, những vấn đề này có lẽ không mới mẻ, bởi họ có thời gian chơi với các cháu hai bên hoặc chia sẻ với nhau những câu chuyện thời thơ ấu. Nhưng với những cặp vợ chồng có con ngay sau khi cưới, vấn đề nuôi dạy con cần được đem ra bàn bạc nghiêm túc,  và hai bạn nên tham dự các khóa học làm cha mẹ hoặc nghiên cứu sách vở. Tốt hơn là nên thống nhất với nhau về việc này càng sớm càng tốt, để tránh việc khi đứa bé bướng bỉnh, ba thì đét đít còn mẹ thì ra sức bênh vực.

7. Giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn vợ chồng

Bát đũa cũng có lúc xô, hiếm có cặp vợ chồng nào cả đời không cãi vã. Nhưng nếu xung đột xảy ra quá thường xuyên hoặc tồn tại những vấn đề không được giải quyết trong mối quan hệ giữa hai bạn, thì việc có con sẽ không thể cải thiện tình hình mà chỉ làm cho mọi việc xấu hơn.

Trẻ con không phải là biện pháp giải quyết những vấn đề bất đồng giữa cha mẹ. Những cặp vợ chồng thiếu tin tưởng, vô trách nhiệm, bạo hành, hoặc nghiện ngập bia rượu, ma túy cần phải tìm kiếm những lời khuyên trước khi cân nhắc đưa một đứa trẻ vào thế giới hỗn loạn của họ.

8. Vượt qua những nỗi đau thời thơ ấu

Bạn cũng có một thời thơ ấu, và bỗng nhiên, khi đứa trẻ ra đời, tất cả mọi vấn đề thời nhỏ của bạn bị đào xới lên. Nếu bạn có một tuổi thơ dữ dội, bị lạm dụng, chìm ngập trong rượu, cha mẹ ly hôn… hãy cân nhắc việc điều trị tâm lý trước khi sinh con.

Nếu bạn không giải quyết thấu đáo các vấn đề trên, bạn có nguy cơ lặp lại những gì đã xảy ra với bạn trong quá khứ. Có rất nhiều những ông bố bà mẹ đã tìm đến chuyên gia tâm lý, họ không thể tin nổi mình đã làm như vậy với con, họ nói rằng bố/mẹ họ đã làm như vậy với họ trong quá khứ, và họ thề không bao giờ đối xử với con mình giống như thế. Nhưng…”

9. Xem lại cách sống

Nhiều cặp vợ chồng không quyết định có con- việc đó tự nhiên đến. Có khi họ vứt bao cao su vào sọt rác và phó thác mọi sự cho ông trời. Nhưng cách làm này sẽ khiến đứa trẻ thiệt thòi. Tốt hơn là bạn cần lên kế hoạch cho việc sinh con. Các bác sỹ sản khoa khuyên các cặp vợ chồng nên khám sức khỏe tổng thể trước khi thụ thai để phát hiện ra những mối nguy hiểm về gien và những dị tật bẩm sinh mà con cái có thể bị ảnh hưởng bởi cha mẹ.

Vợ chồng mới cưới cũng cần xem lại phong cách sống của mình, giảm bớt những hành vi và thói quen có thể đe dọa đế việc sinh con khỏe mạnh. Hút thuốc, uống rượu quá nhiều, và mức stress công việc quá cao đều ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng thụ thai và cả sức khỏe của bào thai. Lên kế hoạch trước không có nghĩa là hẹn gặp bác sỹ vào thứ Tư và sau đó có thai vào thứ Năm. Các bác sỹ khuyên bạn nên thay đổi cách sống của mình ít nhất 6 tháng trước khi có ý định thụ thai nếu bạn chắc chắn mình muốn có một đứa trẻ khỏe mạnh.

10. Lên kế hoạch tài chính

Nếu bạn đợi đến khi mình giàu mới sinh em bé thì bạn hãy quên điều đó đi. Một đứa trẻ không cần cha mẹ nó quá giàu có. Bé cần được yêu thương, chăm sóc và được cha mẹ khích lệ nhiều hơn là điều kiện vật chất dư thừa. Ít nhất bạn nên lên kế hoạch tài chính trước khi một cu Bo hay bé Bi nào đó ra đời. Hãy lập một “quỹ sinh em bé”, lên danh sách những chi phí cho một đứa trẻ và cả chi phí phát sinh, đầu tiên là sữa, bỉm, chi phí sức khỏe, quần áo, đồ chơi, và sau đó là học hành. Nuôi một đứa trẻ bây giờ khá tốn kém nên đừng để mình rơi vào cảnh nợ nần.

Theo Giadinhtre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.