Hiệu ứng “chấm đen trên tờ giấy trắng”
Ông nói “chấm đen” không phải số lớn; nhưng trên thực tế, đôi khi chấm đen tiêu cực nhỏ lại hút sự quan tâm nhiều hơn mảng trắng hay tích cực?
- Đúng vậy. Như chúng ta đều biết, thời gian vừa qua, một bộ phận nhỏ giáo viên đã để xảy ra các hành vi tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành, đến hình ảnh của nhà trường và các thầy/cô giáo. Tuy nhiên, nó chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong đội ngũ nhà giáo chúng ta.
Với tinh thần “Lấy xây để chống”, Công đoàn ngành GD có nhiệm vụ phát hiện, ghi nhận, tôn vinh, định hướng cộng đồng về những tấm gương nhà giáo, nhà trường tâm huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu, để từ đó khỏa lấp, tránh không bị hiện tượng tiêu cực chi phối.
Với việc xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, những phát hiện và tôn vinh của CĐGD Việt Nam trong thời gian qua thực sự đã gây được ấn tượng và tác động mạnh đến cộng đồng. Như câu chuyện thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 vượt khó, bám rừng núi dạy học tại vùng sâu biên giới Việt Lào. Chuyện thầy giáo Nguyễn Quốc Thắng ở Bảy Núi, Tịnh Biên (An Giang) dùng lương của mình nuôi dưỡng 20 em học sinh nghèo nhiều năm liền; thầy Đặng Văn Cương (Sơn Hà, Quảng Ngãi) tự mình nuôi dưỡng, chăm sóc học trò Đinh K’Rể - một học trò tí hon mắc bệnh hiếm gặp trên thế giới...
Ngoài ra, CĐGD Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức các hoạt động tôn vinh nhà giáo nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng nêu gương tốt, biểu dương, tri ân nhà giáo tiêu biểu. Điều đó góp phần định hướng dư luận xã hội hướng tới những “việc tử tế” trong ngành GD, động viên nhà giáo tự tin, phấn khởi, yêu nghề và có ý thức tôn vinh nghề cao quý mà họ đã chọn và cống hiến.
Áp lực công việc, tác động mạnh mẽ hàng ngày, hàng giờ của mạng xã hội với những thông tin đa chiều khó kiểm chứng... có thể đẩy nhà giáo đến một số trạng thái tiêu cực. Với chức năng của mình, CĐGD Việt Nam đã làm gì để góp phần hạn chế, đẩy lùi các tiêu cực trên?
- CĐGD Việt Nam đã giao cho một số ban chức năng thông qua nhiều kênh để nắm bắt dư luận xã hội kết hợp với kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở trường học; thông qua các hội thảo, đặc biệt là qua Facebook, fanpage của CĐGD Việt Nam để tiếp cận giáo viên trên mọi miền Tổ quốc. Từ đó, các tâm tư, trăn trở, những băn khoăn của nhà giáo được bộc lộ.
Điều quan trọng là thông qua kênh Công đoàn ngành, các nhà giáo đều tự tin bộc lộ, chia sẻ và yên tâm phản ánh, vì họ tin rằng: Công đoàn là chỗ dựa, là nơi gửi gắm, thổ lộ mà chắc chắn không có bất kể một mối nguy cơ, một mối đe dọa nào.
Ngoài ra, cán bộ của CĐGD Việt Nam các cấp về cơ bản là những nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, trực tiếp tiếp xúc với đội ngũ nhà giáo, nên các thông tin phản hồi đều có độ tin cậy rất cao, làm cơ sở cho Ban Thường vụ xác định giải pháp tác động kịp thời, làm cho nhà giáo vững tâm, tự tin và có thể tự điều chỉnh, chuẩn hóa nhận thức, hành vi của mình. Thông qua đó, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, nhà trường.
Đồng hành mọi lúc, mọi nơi với nhà giáo
Trên thực tế, hiện nay vẫn còn một bộ phận nhà giáo có vấn đề về năng lực so với yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ. Công đoàn làm thế nào để thực hiện chức năng hỗ trợ, tăng cường năng lực đội ngũ một cách gần gũi, thuyết phục hơn mà không trùng lắp với các giải pháp về chuyên môn?
- Để trả lời câu hỏi trên, CĐGD Việt Nam đã lập Facebook và chạy thử nghiệm fanpage để tiếp cận và thông qua đó hỗ trợ giáo viên cả nước. Đây thực sự là giải pháp tốt (ít nhất là đến thời điểm hiện tại) vì xu thế chung hiện nay, mạng xã hội là công cụ có tính ứng dụng cao nhất trong cộng đồng, đặc biệt là việc tương tác 2 chiều.
Qua Facebook, fanpage, nhà giáo chủ động cung cấp thông tin về các vấn đề đang gặp phải, cần tháo gỡ. Từ đó, chúng tôi phối hợp với kênh truyền hình quốc gia (VTV7), chuyên gia của Hội Khoa học tâm lý GD Việt Nam đưa ra giải pháp hỗ trợ.
Thời gian qua, CĐGD Việt Nam qua fanpage của mình đã chuyển tải liên tiếp các tình huống tháo gỡ áp lực trong công tác giảng dạy, GD học sinh mà chính giáo viên gặp phải, chia sẻ với sự hỗ trợ bài bản của nhóm chuyên gia trong và ngoài nước trong chương trình “Nhà giáo chúng ta đã thay đổi”. Chương trình đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng và nhận được sự quan tâm từ gần 60.000 lượt theo dõi, gần 3.000 lượt chia sẻ.
Hiện, số nhà giáo tham gia fanpage, Facebook của CĐGD Việt Nam rất đông. Họ đang hàng ngày, hàng giờ theo dõi các bài viết, thông tin đăng tải trên 2 trang này, đặc biệt là những phân tích của chuyên gia trong mỗi tình huống xảy ra ở các nhà trường được phản ánh trên mạng xã hội.
Bên cạnh đổi mới các giải pháp tuyên truyền, động viên với những cách làm có thể để “đến với nhà giáo và lắng nghe nhà giáo nói”, CĐGD Việt Nam còn có những cách làm cụ thể nào để thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà giáo và người lao động trong toàn ngành?
- CĐGD Việt Nam xác định: Bên cạnh những khó khăn về thu nhập, nhà ở và đời sống vật chất, vấn đề nổi cộm mà nhà giáo cần được hỗ trợ, tháo gỡ, cần được bảo vệ hiện nay là những khó khăn trong lao động nghề nghiệp trước yêu cầu đổi mới, trước những đòi hỏi và biến động của xã hội.
Cùng với đó, danh dự, nhân phẩm (thậm chí cả tính mạng) nhà giáo cũng cần tổ chức công đoàn đại diện đồng hành, bảo vệ mọi nơi, mọi lúc. CĐGD Việt Nam chỉ đạo từ công đoàn cơ sở không để nhà giáo đơn phương đối mặt với những thách thức, những nguy cơ có thể xảy ra.
Từ năm 2015, CĐGD Việt Nam đã kí kết với các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp để mang lại phúc lợi cho nhà giáo, người lao động trong ngành. Cụ thể là hỗ trợ, giảm giá mỗi mặt hàng, dịch vụ tiện ích để hỗ trợ trực tiếp cho nhà giáo. Tại mỗi trường, mỗi địa phương, các công đoàn cơ sở giám sát thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo, người lao động, qua đó đề xuất điều chỉnh, xây dựng, ban hành các quy định mới phù hợp với nhiệm vụ, yêu cầu mới.
Các trường NCL tổ chức thương lượng, kí kết thỏa ước lao động tập thể theo hướng có lợi cho người lao động. Công đoàn các nhà trường hỗ trợ vật chất, đề xuất với chuyên môn tạo điều kiện cho nhà giáo học tập nâng cao trình độ, tiến tới chuẩn hóa chuyên môn nghiệp vụ, cũng như các yêu cầu về trình độ chính trị.
Ở trường ĐH, tổ chức công đoàn hỗ trợ nhà giáo trong công tác NCKH, chuyển giao công nghệ. Đồng thời, tìm kiếm giải pháp hỗ trợ nhà giáo đăng tải công trình trên các tạp chí trong nước, quốc tế. Công đoàn cơ sở trường học cũng phát huy vai trò của mình trong duy trì mối quan hệ sự đoàn kết, phát triển nhà trường bền vững, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tạo dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định – những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp hạng trong kiểm định các nhà trường.
Chúng tôi cho rằng, khi tổ chức công đoàn thấu hiểu những khó khăn trong lao động nghề nghiệp và hỗ trợ nhà giáo vững vàng hơn trong cuộc sống, tự tin hơn trong chuyên môn thì đã trực tiếp giúp họ khẳng định vị thế, vai trò của mình, và hơn nữa, sẽ làm cho họ có trách nhiệm hơn trong công việc, gắn bó hơn với nhà trường, là tấm gương mẫu mực trong cộng đồng.
Như ông nói ở trên, có thể thấy CĐGD Việt Nam đã làm được rất nhiều việc. Bên cạnh những thành công về đổi mới hoạt động công đoàn trong ngành GD, tác động tích cực tới quá trình đổi mới, ông có thể chia sẻ những khó khăn, cản trở mà Công đoàn gặp phải trong quá trình hoạt động?
- Có thể nói, trong thời gian qua, CĐGD Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trước hết là quan niệm về hoạt động Công đoàn chỉ thuần túy lo “cơm áo gạo tiền, ma chay, hiếu hỉ” vẫn còn ăn sâu, cố hữu trong tư tưởng cán bộ quản lý GD và nhà giáo, thậm chí cả cán bộ Công đoàn. Vì thế, nhiều người còn hoài nghi về cách làm, băn khoăn về sự giao thoa giữa công tác chuyên môn, hoạt động Công đoàn trong các nhà trường nên chưa có sự vào cuộc cũng như ủng hộ tích cực.
Thứ hai, đội ngũ cán bộ Công đoàn ở cơ sở chưa thực sự mạnh, đa số kiêm nhiệm nên thời gian dành cho công tác Công đoàn bị chi phối, tâm sức dành cho hoạt động Công đoàn còn hạn chế, dẫn đến việc chuyển tải chủ trương, triển khai nhiệm vụ đôi lúc, có chỗ còn mang tính hình thức, thậm chí giáo điều, chung chung, sức ỳ của nhiều đơn vị công đoàn còn rất lớn.
Thứ ba, công đoàn ở khối các trường mầm non, phổ thông còn bị gián đoạn do cơ chế phân cấp quản lý của Tổng Liên đoàn. Hiện, CĐGD Việt Nam không quản lý quản lý trực tiếp công đoàn viên là nhà giáo, người lao động ở khối này nên việc tổ chức chỉ đạo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như can thiệp tới những khó khăn của nhà giáo còn gặp hạn chế, rào cản.
Tuy nhiên, bằng sự cố gắng và tinh thần trách nhiệm, Ban Chấp hành CĐGD Việt Nam đã phân công trách nhiệm cụ thể để mỗi ủy viên phải luôn nắm bắt thông tin, đề xuất giải pháp trong các tình huống cụ thể. Công đoàn cũng mở rộng quan hệ phối hợp với các tổ chức trong và ngoài hệ thống công đoàn để thuyết phục, tranh thủ nhiều nhất cơ hội để tác động tới mọi nhà giáo, nhà trường, trong mọi thời điểm.
Xin cảm ơn ông!