Chị B. tại phường Gia Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) bức xúc cho biết, con chị là học sinh lớp 12, ngày 14-7 vừa qua, cháu bị đau ruột thừa phải vào bệnh viện điều trị. Khi vào bệnh viện, gia đình phát hiện thẻ BHYT của cháu đã hết hạn từ ngày 31-5-2017.
Vì cháu đã tốt nghiệp, không thuộc diện tham gia BHYT tại trường nữa, chị vội quay về UBND phường Gia Thụy mua thẻ BHYT. Dù mua được thẻ mới nhưng cũng chưa sử dụng được ngay vì đến tháng 8, thẻ mới có giá trị sử dụng. Gia đình phải tự thanh toán toàn bộ viện phí.
Chị T. ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), có con vừa bị sốt xuất huyết, phải trả viện phí hết bốn triệu đồng do thẻ BHYT hết hạn từ tháng 5-2017 mà gia đình không hề biết. Cô Nguyễn Thị Kim Hoa, giáo viên dạy lớp 12 Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, đợt dịch sốt xuất huyết vừa qua, nhiều học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 bị mắc bệnh, cha mẹ hốt hoảng gọi điện cho trường nhờ mua tiếp thẻ BHYT nhưng trường cũng không giúp được gì.
Nguyên nhân của các trường hợp đáng tiếc nêu trên là do Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định thẻ BHYT của học sinh lớp 12 chỉ có thời hạn sử dụng từ ngày 1-1 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học. Thông thường, các địa phương cấp thẻ BHYT cho học sinh lớp 12 có giá trị đến ngày 31-5. Học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 bắt buộc phải tham gia tiếp BHYT nhưng không được hỗ trợ 30% mức đóng từ ngân sách như đối tượng học sinh.
Khi trở thành sinh viên, học sinh mới tiếp tục được ngân sách hỗ trợ 30% mức đóng. Thực tế, nhiều trường hợp bậc cha mẹ “quên” không tham gia tiếp BHYT cho học sinh do cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) và nhà trường không sát sao tuyên truyền, nhắc nhở; cha mẹ thiếu quan tâm đến thời hạn thẻ BHYT hết hạn.
Chỉ khi ốm đau đến bệnh viện mới phát hiện thẻ đã hết hạn. Không chỉ phải trả tiền viện phí, học sinh còn có thể bị mất quyền lợi của người tham gia BHYT 5 năm liên tục do ngắt quãng thời gian tham gia BHYT.
Ngoài ra, thủ tục mua BHYT sau khi hết lớp 12 cũng khá rắc rối. Nếu học sinh sống ở nhà với gia đình, có thể tham gia BHYT theo diện hộ gia đình, mua tại UBND phường, với thời hạn thẻ ba tháng, sáu tháng hoặc 12 tháng. Nếu học sinh tiếp tục học cao đẳng, đại học hay đi làm thì trong thời gian chờ đợi đi học, đi làm, học sinh khó quyết định được thời hạn tham gia bao lâu do không biết được lúc nào sẽ được đi học, đi làm.
Khi vào trường cao đẳng, đại học lại bắt buộc tham gia BHYT cho nên rất dễ bị trùng thời gian tham gia BHYT, đóng tiền hai lần gây lãng phí. Khi mua thẻ thì đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu tại nơi mua nhưng khi đi học, đi làm lại khám, chữa bệnh ở một nơi khác, gây khó khăn trong việc khám, chữa bệnh, chuyển tuyến khám, chữa bệnh.
Thủ tục tham gia BHYT có nơi còn chưa thuận tiện cho người mua, như trường hợp một phụ huynh tại Hà Nội đến UBND phường mua thẻ BHYT “tạm” ba tháng cho con trong khi chờ đi học đại học nhưng UBND phường bắt mua thẻ thời hạn sáu tháng mới bán. Dù chưa vi phạm việc ngắt quãng thời gian tham gia BHYT nhưng cháu vẫn không được ghi nhận tham gia BHYT 5 năm liên tục.
Do có nhiều bất cập nêu trên, nhiều bậc cha mẹ có con học lớp 12 năm nay mong muốn quy định cần được sửa đổi kịp thời. Anh Phạm Nhật Minh ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, cuối tháng 5, học sinh lớp 12 kết thúc khóa học nhưng vẫn có thể coi là học sinh vì trong tháng 6 các cháu còn tiếp tục thi cao đẳng, đại học.
Cần cho các cháu được tham gia BHYT theo diện học sinh trong khoảng thời gian thi cao đẳng, đại học này, điều đó thể hiện tính nhân văn của chính sách BHYT và giúp cho học sinh, gia đình yên tâm tập trung cho đợt thi quan trọng cuối cấp, không vướng bận đến thủ tục mua BHYT “tạm”.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho biết, lâu nay, học sinh lớp 12 đến thời điểm được cấp bằng tốt nghiệp THPT coi như hết tuổi học sinh, tuy nhiên, chính sách BHYT cần linh hoạt, cho phép học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 được hưởng các quyền lợi, thủ tục tham gia BHYT như đối tượng học sinh.
Trước những bất cập nêu trên, Phó Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Vũ Mạnh Chữ cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất Bộ Y tế sửa đổi, theo hướng học sinh lớp 12 được cấp thẻ BHYT đến ngày 30-9 hằng năm thay vì cấp thẻ đến ngày 31-5 như hiện nay.
Phương án này đã được Bộ Y tế đồng ý, tuy nhiên, còn chờ ý kiến của Bộ Tài chính vì việc kéo dài thời gian tham gia BHYT liên quan đến ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đối tượng học sinh. Nhiều khả năng năm học tới đây chưa thể áp dụng được phương án điều chỉnh nêu trên.
Ông Vũ Mạnh Chữ khuyến cáo, trong khi chờ quy định mới, các bậc cha mẹ học sinh có thể mua BHYT tại UBND phường, thời hạn tùy chọn ba tháng, sáu tháng hoặc 12 tháng theo quy định của Luật BHYT.
Các trường hợp khi vào học tại trường đại học, cao đẳng tham gia BHYT theo nhà trường nếu thẻ “tạm” vẫn còn thời hạn sử dụng, BHXH sẽ thoái trả số tiền tương ứng các tháng còn lại. Học sinh chỉ bị mất quyền lợi tham gia BHYT 5 năm liên tục nếu gián đoạn nhiều nhất là ba tháng.
Cách đây một năm, những bất cập trong tham gia BHYT của học sinh lớp 12 nêu trên đã được chúng tôi trao đổi, kiến nghị với BHXH Việt Nam và Bộ Y tế để có giải pháp điều chỉnh kịp thời. Tiếc rằng, đến nay, quy định vẫn chưa được sửa đổi, tiếp tục gây nhiều lo lắng cho các bậc cha mẹ, học sinh và nhà trường.
Thiết nghĩ, trong khi chờ quy định được sửa đổi và tránh tình trạng có khoảng trống trong tham gia BHYT của học sinh lớp 12, ngay từ đầu năm học, cơ quan BHXH cần phối hợp nhà trường tuyên truyền tốt tới học sinh, các bậc cha mẹ về thời hạn thẻ BHYT hết hạn để gia đình, học sinh chủ động tham gia BHYT tại xã, phường ngay sau khi kết thúc năm học.
Các đại lý bán BHYT cần đơn giản thủ tục để tạo thuận lợi cho đối tượng đặc thù này. BHXH Việt Nam có thể phối hợp nhà trường, có giải pháp tạm thời, cho gia đình, học sinh đăng ký tham gia BHYT bốn tháng tiếp theo ngay tại trường (từ ngày 1-6 đến 30-9).
Chỉ có sự phối hợp tốt, hiệu quả của cơ quan BHXH, nhà trường và gia đình mới có thể bảo đảm cho học sinh luôn luôn được ở trong diện BHYT, được bảo đảm chăm sóc sức khỏe bất cứ lúc nào.