Bảo hiểm y tế học đường: Giảm mối lo, thêm lợi ích

GD&TĐ - Mặc dù bảo hiểm y tế (BHYT) học đường đã đồng hành cùng học sinh, sinh viên nhiều năm nay nhưng một bộ phận xã hội và các vị phụ huynh vẫn còn chưa ý thức hết giá trị và ý nghĩa của loại hình bảo hiểm này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

An tâm vì có BHYT đồng hành

Hiện nay, theo thống kê của BHXH Việt Nam, tỉ lệ học sinh Việt Nam được tham gia bảo hiểm toàn diện khá thấp so với các nước phát triển hơn trong khu vực Đông Nam Á. Đa số người Việt vẫn chưa ý thức đầy đủ về những lợi ích thiết thực của việc tự chọn loại hình BH phù hợp cho các thành viên trong gia đình.

Thực tế đã chứng minh, nếu không tham gia bảo hiểm, khi có rủi ro, tai nạn hay thương tật xảy ra với con em mình, nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã không đủ khả năng tài chính để chi trả những chi phí cần thiết. Điều này vô tình tước đi những quyền lợi chính đáng cho trẻ.

Tuy nhiên, số học sinh được gia đình và nhà trường quan tâm đến bảo hiểm vẫn còn hạn chế. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này: tầm quan trọng của bảo hiểm học đường chưa được phổ biến rộng rãi; điều kiện kinh tế eo hẹp của nhiều gia đình ở vùng nông thôn, bản thân cha mẹ và nhà trường chưa thấy vấn đề bảo hiểm cho học sinh là cần thiết… Còn tại các thành phố lớn, nơi mức sống và dân trí của người dân cao hơn, số học sinh được tham gia bảo hiểm chiếm tỷ lệ chưa cao vì một bộ phận phụ huynh chưa ý thức hết ý nghĩa của việc tham gia BHYT.

Chị Lan Hương - một phụ huynh ở quận Tây Hồ (Hà Nội) có con trai 5 tuổi học mẫu giáo bị tai nạn rách trán, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện cho biết: “Tôi mua bảo hiểm cho con do nhà trường gửi thông báo, yêu cầu. Quá trình điều trị của cháu được BHYT thanh toán toàn bộ chi phí. Tuy nhiên, trước đó tôi và đa số các phụ huynh cũng chưa nắm rõ thông tin về quyền lợi khi tham gia BHYT”.

BHYT học đường với những lợi ích thiết thực đã dần trở nên quen thuộc và hữu dụng đối với người dân. Nhiều phụ huynh chủ động tìm hiểu thông tin, tự nguyện mua cho con em sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất với điều kiện gia đình.

Chị Lê Thu - phụ huynh học sinh tại quận Long Biên (Hà Nội) làm lao động tự do chia sẻ: "Tôi có một bé gái 7 tuổi, đang học trường tiểu học gần nhà. Thể tạng không tốt nên hay đau ốm phải nằm viện. Công việc của vợ chồng tôi không ổn định lại hay phải nghỉ chăm con nên điều kiện gia đình rất khó khăn. Cũng may, mỗi lần cháu nằm viện đều được BHYT hỗ trợ chi trả nên cũng giảm đáng kể mối lo kinh tế cho gia đình".

Cốt lõi của BHYT là tính nhân văn

Trong suốt 9 tháng của một năm học, không ai có thể chắc chắn con em mình không bị gián đoạn học tập do ốm đau, tai nạn hay những rủi ro ngoài ý muốn. Cốt lõi nhân văn của BHYT là lấy an toàn của số đông chia sẻ với rủi ro của thiểu số.

Với ý nghĩa này, tham gia bảo hiểm không chỉ giúp bảo toàn tài chính khi chẳng may xảy ra rủi ro… mà trên thực tế, hành động này còn mang ý nghĩa cộng đồng và tính nhân văn cao vì đã góp phần giúp cân bằng tài chính, an sinh xã hội cho đất nước.

Thực tế, hiện nay các sản phẩm bảo hiểm đã được các công ty bảo hiểm thiết kế để phủ sóng tới tận cả các đối tượng địa bàn và vùng miền với nhiều mức phí và quyền lợi bảo hiểm khác nhau. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc mua bảo hiểm ở Việt Nam vẫn đang bị xem như chuyện bắt buộc, khiên cưỡng, nhằm đối phó với pháp luật.

Những năm gần đây, vai trò của ngành bảo hiểm đã được Chính phủ quan tâm và đánh giá cao trong chiến lược phát triển ngành bảo hiểm đến năm 2020. Các cơ quan quản lý cũng tính tới việc ban hành các chế độ bảo hiểm bắt buộc mới phục vụ mục tiêu an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người có thu nhập thấp tham gia bảo hiểm, hỗ trợ phát triển các nhóm sản phẩm vì mục đích cộng đồng và an sinh xã hội…

Rõ ràng, việc tham gia bảo hiểm học sinh không chỉ đảm bảo quyền lợi cho trẻ đang trong độ tuổi đi học mà thực tế còn mang ý nghĩa cộng đồng và nhân đạo. Khi tham gia bảo hiểm, không ai muốn con em mình gặp rủi ro và tai nạn để nhận tiền bảo hiểm, thế nhưng việc tham gia bảo hiểm lại chính là một hành động nhằm giúp đỡ những trường hợp học sinh gặp chuyện không may, theo đúng ý nghĩa của hai từ "Bảo hiểm" là "Sự đóng góp của số đông may mắn bù đắp cho số ít bị rủi ro".

"Việt Nam là nước thứ 2 kí công ước quốc tế về quyền trẻ em. Để thực hiện điều này, có một số quy định đã được đưa vào pháp luật. Một trong số đó chính là luật BHYT của trẻ em.

Trên thế giới, BHYT là bắt buộc đối với mọi công dân. Ở CHLB Đức, 100% phải đóng bảo hiểm y tế và nếu không sẽ bị mời ra khỏi đất nước của họ. BHYT là thứ sẽ chi trả cho chúng ta khi chúng ta không may phải vào viện điều trị.

BHYT của trẻ em là quỹ do nhà nước lập để sử dụng tiền của nhiều người chi trả cho những trường hợp trẻ ốm đau. Đây là một quỹ rất nhân đạo. Vì thế, nếu ít trẻ đóng, số tiền chi trả cho các bé bị ốm sẽ ít, các bé ấy sẽ thiệt thòi. Bảo hiểm thân thể cũng là một quỹ như vậy do công ty bảo hiểm lập.

BHYT là bắt buộc nhưng lại không hề bắt buộc. Tuy đã được đưa vào luật nhưng khi phụ huynh từ chối không đóng BHYT hoặc đóng ở nơi khác rồi, nhà trường vẫn hoàn toàn chấp nhận, ví dụ trường hợp các cháu là con quân nhân, có bố mẹ làm trong lực lượng vũ trang.

Tham gia các loại hình bảo hiểm không chỉ mang ý nghĩa tạo sự an tâm về tài chính khi gặp rủi ro mà hơn cả đó là ý nghĩa nhân văn, chia sẻ với cộng đồng của mỗi người tham gia bảo hiểm đối với xã hội và những người kém may mắn." - TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.