Chương trình, SGK lớp 1 - Một năm nhìn lại: Đồng hành và chia sẻ

GD&TĐ - Chương trình GDPT 2018 thay đổi cả về tài liệu SGK lẫn phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh. Về cơ sở vật chất cũng cần sự đầu tư, bổ sung đồng bộ.

Chương trình, SGK lớp 1 - Một năm nhìn lại: Đồng hành và chia sẻ

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành Giáo dục nhiều tỉnh cũng cho rằng, ngoài ngân sách của Nhà nước, địa phương, về lâu dài cần phải dựa vào các nguồn lực xã hội hóa và sự chung tay của phụ huynh. 

Chia sẻ với nhà trường

Năm học vừa qua, Trường Tiểu học Nghi Phú 2 (TP Vinh, Nghệ An) triển khai nhiều hoạt động giáo dục linh hoạt, sáng tạo. Nhiều tiết học trải nghiệm, thay vì được tổ chức trong lớp, được nhà trường lồng ghép vào giờ chào cờ, hoặc sinh hoạt ngoại khóa. Vì vậy, nhiều vấn đề tưởng chừng khó để truyền đạt cho HS tiểu học như: An toàn vệ sinh thực phẩm, luật giao thông, kỹ năng thoát hiểm, phòng dịch bệnh... đều được các em hào hứng tham gia.

Theo cô Hoàng Thị Hoa Lý – Hiệu trưởng nhà trường, học sinh ở thành thị thường chịu sức ép từ phụ huynh về kết quả học tập, đặc biệt các môn văn hóa. Trong khi lứa tuổi tiểu học, nhất là các em lớp 1 tâm lý thích vui chơi, hoạt động tập thể. Do đó, ngoài tiết dạy trên lớp, nhà trường thường bố trí thêm hoạt động ngoại khóa để học sinh thích thú và tiếp thu bài một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, trong cuộc họp phụ huynh, hoặc nhóm Facebook, Zalo các lớp, giáo viên thường xuyên trao đổi, chia sẻ về phương pháp dạy học, cách đánh giá học sinh. Từ đó, giúp phụ huynh hiểu về chương trình, đồng hành cùng nhà trường, tạo động lực, khích lệ thay vì áp lực cho con em.

Khi con bước vào lớp 1, chị Hoàng Thị Lam (phường Nghi Kim, TP Vinh) khá hoang mang vì những gì con học ở trường khác với thông thường, đặc biệt là môn Tiếng Việt. Cách dạy của bố mẹ ở nhà với thầy cô ở trường, khiến con phản ứng. “Sau đó, tôi trao đổi với cô giáo và được biết chương trình có nhiều thay đổi. SGK chỉ là học liệu và có thể khai thác thêm kênh hình. Tôi chuyển sang hướng dẫn con xây dựng thời gian biểu ở nhà, ngồi học cùng con thay vì dạy con, mọi việc thuận lợi hơn. Kết thúc lớp 1, con đọc nhanh, rõ, viết đúng chính tả, và chuẩn ngữ pháp”, chị Lam phấn khởi nói.

Năm học 2020 – 2021, Trường Tiểu học Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) có 121 học sinh lớp 1. Dù ở vùng khó khăn, nhưng nhà trường vẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và thực hiện bán trú. Thầy Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Thời gian đầu triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 1, cả giáo viên lẫn học sinh đều có những bỡ ngỡ, lúng túng. Nhưng sau 1 năm triển khai nếu so về chất lượng, học sinh có nhiều tiến bộ hơn cả về tiếp thu kiến thức và kỹ năng. Có được kết quả trên, ngoài nỗ lực của đội ngũ, nhà trường luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc, nguyện vọng chính đáng từ phụ huynh. Giáo viên thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập ở lớp của học sinh, giải đáp kịp thời ý kiến của phụ huynh với những điều chưa rõ về chương trình mới.

Trường THCS Lạng Khê (Con Cuông, Nghệ An) vận động xã hội hóa để mua sắm tivi cho các lớp học.
Trường THCS Lạng Khê (Con Cuông, Nghệ An) vận động xã hội hóa để mua sắm tivi cho các lớp học.

Cần nhiều hỗ trợ hơn nữa

Theo ông Phan Hữu Huyện - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Quảng Trị), triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, địa phương có gần 84% học sinh được học 2 buổi/ngày, với 1 lớp/phòng và tỷ lệ giáo viên 1,5/ lớp. Về cơ sở vật chất, tỉnh đầu tư gần 19 tỷ đồng để mua sắm, nâng cấp thiết bị dạy học cho năm học 2020 – 2021. Năm học tới, ngành sẽ thúc đẩy công tác xã hội hóa để bảo đảm cơ sở vật chất dạy học.

Trường Tiểu học và THCS Nam Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) có 2 cấp học nên công tác chuẩn bị Chương trình GDPT 2018 có phần vất vả hơn khi cùng lúc triển khai ở cả khối 2 lẫn khối 6. Thầy  Cao Trung Kiên, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Chúng tôi đã rà soát cơ sở vật chất báo cáo ở phòng GD&ĐT, UBND huyện để có hỗ trợ.

Nghệ An là địa bàn rộng với hơn 800 trường tiểu học, THCS. Nhưng sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền kéo theo điều kiện tổ chức dạy học có sự khác biệt lớn. Trường Tiểu học Quỳnh Lâm B (xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu) đóng tại địa bàn đặc thù, với 100% học sinh là con em người Công giáo. Kể từ khi thành lập, trường vẫn sử dụng hệ thống cơ sở vật chất cũ (trước đây là một phân hiệu của Trường THPT Quỳnh Lưu 1) với 12 phòng học. Tuy nhiên, nhờ khéo léo vận động xã hội hóa, nhà trường đã bổ sung cơ bản đầy đủ thiết bị dạy học. Đặc biệt, năm học vừa qua, nhờ vận động xã hội hóa, phụ huynh lớp 1 ủng hộ tivi để khai thác tối đa học liệu chương trình SGK lớp 1. Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường cũng được địa phương cấp kinh phí xây mới dãy phòng học 2 tầng khang trang. Dự kiến năm học 2021 – 2022 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đối với các huyện miền núi cao tỉnh Nghệ An, mô hình trường tiểu học bán trú đang được thí điểm nhằm đưa học sinh lớp 3, 4, 5 từ điểm lẻ về trường chính. Qua đó, tập trung nguồn lực đầu tư đội ngũ, cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDPT 2018, đặc biệt là dạy học tiếng Anh, Tin học cho học sinh. Tại huyện Tương Dương, dự kiến sẽ phủ kín mô hình trường tiểu học bán trú vào năm học 2022 – 2023. Tuy nhiên, bà Võ Tuyết Chinh – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho rằng: Xây dựng mô hình bán trú ở các xã vùng cao khác với huyện vùng xuôi vì không chỉ buổi trưa, mà học sinh ăn ở tại trường như nội trú từ thứ 2 - 6. Vì vậy, ngoài việc giáo viên bỏ công sức chăm lo cho trò, cần hỗ trợ từ phía phụ huynh, và ngân sách các cấp chính quyền địa phương. Nếu để nhà trường tự xoay xở thì sẽ khó khả thi. 

Theo ông Võ Hải Quân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết: Thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6, phòng đã tham mưu cho UBND huyện dự trù kinh phí, huy động các nguồn lực đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, phục vụ việc dạy và học trước khi bắt đầu năm học 2021 - 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.