Theo đó, Sở yêu cầu phòng GD&ĐT khuyến khích, tạo điều kiện, không ép buộc, không gây áp lực cho đội ngũ giáo viên, không đánh giá, xếp loại tiết dạy, thay vào đó là góp ý và có biện pháp giúp đỡ giáo viên trong việc sử dụng bảng tương tác, động viên tính sáng tạo của giáo viên.
Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên sử dụng thông qua việc bố trí phòng học, vị trí đặt bảng thuận tiện cho mọi đối tượng. Bố trí cán bộ quản lý và nhân viên phụ trách hỗ trợ giáo viên trong các giờ dạy; đưa nội dung rút kinh nghiệm và trao đổi cách thiết kế, cách sử dụng và vận dụng dạy học với bảng tương tác vào nội dung sinh hoạt chuyên môn tổ, khối và nội dung bồi dưỡng thường xuyên.
Sở cũng yêu cầu giảm nhẹ đầu tư soạn giảng, thiết kế: Sử dụng bài giảng dùng chung, tư liệu, các giáo án, bài giảng và tư liệu dùng chung được chép thành đĩa lưu tại phòng thư viện, phòng thiết bị và được giới thiệu rộng rãi đến toàn thể giáo viên.
Đối với giáo viên, khi sử dụng bảng tương tác cần chú ý đến đặc trưng của bộ môn, vận dụng hợp lý, không lạm dụng. Lưu ý, không phải bài nào cũng sử dụng bảng tương tác để giảng dạy, cũng không nhất thiết sử dụng trong tất cả các hoạt động của một bài; chỉ sử dụng như một phương tiện giảng dạy cần thiết để thể hiện rõ phần kiến thức, nhằm kích thích sự tìm tòi, sáng tạo của học sinh.
Giáo viên cần xác định vai trò chủ đạo của mình trong đổi mới phương pháp dạy học, chủ động tự bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức tin học, ứng dụng CNTT và tìm tài liệu chuẩn, tìm kiếm nguồn tư liệu phù hợp với nhận thức của học sinh;
Thường xuyên theo dõi, cập nhật những thông tin Khoa học, Địa lý, những số liệu sự kiện lịch sử qua các phương tiện chính thống, có nguồn gốc, được kiểm chứng chính xác để có thêm nguồn tư liệu.
Giáo viên cũng cần bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của môn học, bài học. Sắp xếp các hoạt động của giáo viên, học sinh một cách hợp lý với đặc điểm của từng bài và sử dụng thiết bị dạy học phù hợp để đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học theo hướng tích cực.