Học “tây” nhưng hiểu “ta”
Thời kỳ hội nhập đã đem đến cho chúng ta rất nhiều cơ hội, song hội nhập cũng phát sinh nhiều thách thức. Trong sự giao thoa ngày càng sâu sắc giữa các nền văn hóa, giữa con người với con người, các giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị đạo đức cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Mặt trái của xu thế toàn cầu hóa, của việc hội nhập và nền kinh tế thị trường đang có những ảnh hưởng tiêu cực tới văn hóa, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, sinh viên, học sinh.
Với vai trò đào tạo và rèn luyện nhân cách con người, ngành giáo dục là một trong những ngành “đứng mũi chịu sào” về vấn đề này. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, ngành giáo dục có nhiệm vụ đào tạo những công dân toàn cầu, giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, song “hòa nhập nhưng không hòa tan”, nhằm hạn chế tối đa mặt trái của quá trình hội nhập. Nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục là phát triển nhân cách, đạo đức song song với phát triển kiến thức và chuyên môn cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.
Trong tinh thần đó, giáo trình giảng dạy là vô cùng cần thiết. Theo chia sẻ của ông Lê Hoàng Nam, đại diện Tập đoàn giáo dục Đại Trường Phát: “Các chương trình học, các môn học trong hệ thống giáo dục nói chung và ngoại ngữ nói riêng, không chỉ cung cấp kiến thức mà cần phải hàm chứa nhiều câu chuyện, bài học có tính giáo dục về giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống Việt Nam. Việc này giúp thế hệ trẻ nhận diện và có ý thức tốt, đầy đủ về bản thân, về đất nước và con người, những đặc trưng, những điểm khác biệt và sự tương đồng giữa các nền văn hóa… Với một chương trình giáo dục như vậy, các em học sinh, sinh viên có thể sử dụng ngoại ngữ để tiếp cận, tìm hiểu đặc trưng của các dân tộc, các nền văn hóa khác nhau trên toàn thế giới và các em cũng có thể sử dụng ngoại ngữ để mô tả về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè 5 châu…”.
Vừa qua, tại buổi Hội thảo “Tiếp nhận ý kiến đánh giá từ chuyên gia về bộ sách i-Learn Smart World dành cho khối trung học”, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – (Trường Đại học Sư phạm TPHCM), cho biết: “Một thực tế cho thấy tại Việt Nam hiện nay chưa có một giáo trình tiếng Anh xuyên suốt dành cho bộ môn tiếng Anh từ cấp Tiểu học, Trung học cơ sở cho đến Trung học phổ thông. Trăn trở điều này, chúng tôi đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần Giáo dục Đại Trường Phát biên soạn bộ sách i-Learn Smart World...”.
Được biết, bộ sách i-Learn Smart World được phát triển nối tiếp những thành tựu đạt được từ bộ sách i-Learn Smart Start. Việc biên soạn bộ sách i-Learn Smart World nhằm đảm bảo tính hệ thống và ngữ liệu trong quá trình chuyển tiếp giữa các cấp học, đảm bảo khung chương trình mà ngành giáo dục đề ra, đáp ứng đầu ra theo khung tham chiếu năng lực chung của Châu Âu và các kỳ thi quốc tế. Và đặc biệt, đây là bộ sách thiết kế dành riêng cho giáo viên và học sinh Việt Nam, lấy các yếu tố văn hóa Việt Nam làm nền tảng...
Hướng tới chương trình giáo dục với xu thế “mở”
Trên thực tế, đã có nhiều quốc gia trong khu vực thành công khi chú trọng việc dạy tiếng Anh cho học sinh phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và văn hóa dân tộc. Đơn cử như Singapore, Malaysia, Philippines coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai bên cạnh tiếng mẹ đẻ, được sử dụng bắt buộc trong trường học và trẻ học tiếng Anh cùng tiếng mẹ đẻ ngay từ bậc mầm non. Trẻ được học nửa thời gian ở trường với tiếng Anh và nửa thời gian còn lại với tiếng mẹ đẻ.
Phương pháp tiếp cận ngôn ngữ thứ hai ở trường mầm non là được giảng dạy như môn học hoặc được lồng ghép vào các hoạt động đa dạng của trẻ ở trường. Trẻ chơi mà học, được phát triển ngôn ngữ thông qua các hoạt động hát, nhạc, đọc thơ, nghe kể chuyện, chơi trò chơi, đóng kịch (thường được sử dụng các sách truyện, bảng chữ cái, một số sử dụng phần mềm như Learning Media, Sunshine, Magic box...) với thời lượng học tiếng Anh khá cao (3 - 5 giờ mỗi ngày). Ngoài ra, giáo viên còn luyện tập phát âm thường xuyên cho trẻ và cho các em xây dựng góc học tập trong lớp để hỗ trợ trẻ phát triển ngôn ngữ thứ hai.
Tại Việt Nam, với mục tiêu tích cực đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học phổ thông cùng tinh thần mong muốn được hợp tác, đầu tư và đóng góp vào việc thực hiện thành công Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020 của Chính phủ, thời gian qua đã có một số doanh nghiệp làm giáo dục đã tập trung nguồn lực đầu tư để cho ra đời những bộ giáo trình giảng dạy tiếng Anh được thầy cô giáo và học sinh, phụ huynh tin tưởng lựa chọn.
Vì sao các giáo trình giảng dạy tiếng Anh nói trên được ngành giáo dục, phụ huynh và học sinh lựa chọn? Câu trả lời chính là chương trình học phù hợp với đáp ứng tốt các tiêu chí của Bộ GD&ĐT, giúp giáo viên học sinh dễ dàng trong việc giảng dạy và học tập, hàm chứa nhiều bài học liên quan tới giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ chương trình này, các giá trị văn hóa, lịch sử không những giúp các em học sinh có thể mô tả về văn hóa, phong tục, tập quán của đất nước khi có cơ hội giao lưu với bạn bè quốc tế, mà còn tạo nền tảng văn hóa vững chắc cho thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, các em cũng tiếp thu được rất nhiều kiến thức khác thông qua các tình huống giao tiếp thực tế trong cuộc sống được truyền tải thông qua hệ thống các bài học trong giáo trình. Điều này giúp nâng cao rõ rệt hiệu quả học tập của các em, học đi đôi với hành. Đây là mục tiêu mà những người làm giáo dục hướng tới trong đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Theo chia sẻ của một số chuyên gia, chương trình tiếng Anh, đặc biệt là ở bậc tiểu học không cần rập khuôn theo một bộ sách giáo khoa mà giáo viên có thể chọn lựa nhiều bộ sách dựa trên một khung chương trình chung. Tuy nhiên, vấn đề giáo dục văn hóa trong chương trình giảng dạy tiếng Anh cần phải có chọn lọc và đảm bảo tính khoa học, nếu không sẽ làm chương trình thêm nặng nề. Theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Trường Đại học Sư phạm TPHCM: Đối với sách giáo khoa tiếng Anh bậc tiểu học việc lồng ghép nội dung có mang văn hóa Việt Nam vào bài học phải cân nhắc kỹ. Nếu tập trung quá nhiều vào văn hóa Việt Nam, vô hình trung có thể tạo ra những khiếm khuyết về những kiến thức giúp các em có thể hội nhập quốc tế.
Các chương trình học, các môn học trong hệ thống giáo dục nói chung và ngoại ngữ nói riêng, không chỉ cung cấp kiến thức mà cần phải hàm chứa nhiều câu chuyện, bài học có tính giáo dục về giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống Việt Nam. Việc này giúp thế hệ trẻ nhận diện và có ý thức tốt, đầy đủ về bản thân, về đất nước và con người, những đặc trưng, những điểm khác biệt và sự tương đồng giữa các nền văn hóa…
Ông Lê Hoàng Nam - Đại diện Tập đoàn giáo dục
Đại Trường Phát