Trên thực tế đây không phải vấn đề mới; và theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, với việc triển khai tích cực của địa phương, số trường và học sinh học 2 buổi ngày càng tăng sau mỗi năm học.
Ở tiểu học, thời lượng dạy 2 buổi/ngày được quy định rõ trong Chương trình GDPT 2018. Theo đó, mỗi ngày cơ sở giáo dục tiểu học bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết học 35 phút. Nếu chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, cơ sở giáo dục thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày ở tiểu học tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày).
Với trung học, cách đây 15 năm (năm 2010), Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn cụ thể về dạy học 2 buổi/ngày hoặc trên 6 buổi/tuần. Hướng dẫn này nêu rõ mục đích; nguyên tắc và yêu cầu; nội dung, kế hoạch, hình thức tổ chức, kinh phí thực hiện dạy học 2 buổi/ngày… Đến Chương trình GDPT 2018, việc dạy học 2 buổi/ngày với giáo dục trung học vẫn không bắt buộc, mà khuyến khích thực hiện ở những trường có đủ điều kiện.
Gần đây nhất, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 - 2025, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường vùng dân tộc thiểu số có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo hướng kết hợp dạy học văn hóa với tổ chức các hoạt động trải nghiệm; tăng cường phụ đạo cho học sinh còn hạn chế về kết quả học tập; tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và tổ chức dạy học các môn học tiếng dân tộc thiểu số khi đủ điều kiện theo quy định.
Từ thực tiễn triển khai, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục khẳng định dạy học 2 buổi trong ngày là chủ trương tốt nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm - học thêm không đúng quy định; tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Đặc biệt, Chương trình GDPT 2018 được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, đòi hỏi phương pháp dạy học tích cực, linh hoạt và thời lượng học tăng lên để học sinh có thời gian thực hành, trải nghiệm. Do đó, dạy học 2 buổi/ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng yêu cầu chương trình mà không gây quá tải cho học sinh.
Bên cạnh đó, khi học sinh được học tập, ôn luyện và hỗ trợ tại trường trong 2 buổi, nhu cầu học thêm sẽ giảm xuống, góp phần giảm dạy - học thêm tràn lan. Điều này vừa giảm áp lực tài chính cho phụ huynh, vừa bảo đảm công bằng giáo dục.
Để tiếp tục triển khai dạy học 2 buổi/ngày có hiệu quả, đặc biệt ở giáo dục trung học, với yêu cầu từ Chương trình GDPT 2018 và quy định mới về dạy thêm, học thêm, việc Bộ GD&ĐT ban hành mới hướng dẫn về nội dung này là cấp thiết.
Góp ý cho hướng dẫn này, ông Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh đến tính mở, linh hoạt, để các trường có thể vận dụng phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ và môi trường kinh tế - xã hội của địa phương.
Với các nhà trường, điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Học 2 buổi không đơn thuần chỉ là giãn thời khóa biểu; bởi như vậy chỉ gây tốn kém thời gian, nguồn lực.
Phải làm sao thiết kế được các hoạt động dạy học, giáo dục một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa nội dung dạy học và hoạt động giáo dục; giúp học sinh có thêm nhiều hoạt động nhóm tự học ở trường, câu lạc bộ STEM… Từ đó, học sinh học tập tự chủ, tăng cường các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, ứng dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn và không gia tăng áp lực.