Không biến học sinh thành “con rối” tại các kỳ thi chọn

GD&TĐ - Tuyển chọn học sinh giỏi là nhiệm vụ đòi hỏi giáo viên tâm huyết, có nghệ thuật sư phạm, thu phục học sinh qua từng giờ dạy.

Không biến học sinh thành “con rối” tại các kỳ thi chọn

Tạo động cơ học tập lành mạnh

Chia sẻ kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, ông Cao Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) - cho biết, trước hết học sinh phải có động cơ học tập lành mạnh, tự giác, hạn chế lối học mang tính thực dụng.

Trên thực tế, nhiều học sinh học tập không hết mình, chạy theo điểm số, lấy mục tiêu thi cử làm mục tiêu học tập; từ đó, các em biến thành nô lệ của các kỳ thi. 

Những gì không thi, học sinh không học hoặc học chống đối. Điều này đi ngược với mục tiêu giáo dục nói chung, mục tiêu trường THPT chuyên nói riêng.

“Trong nhà trường, tất cả các môn học đều có vai trò quan trọng. Mỗi bài dạy đều chú ý để học sinh hiểu vấn đề một cách hệ thống, chú trọng rèn năng lực tư duy, không áp đặt, không nâng cao tùy tiện, không dạy theo dạng bài một cách máy móc. Đặc biệt, hạn chế tối đa việc giáo viên làm thay học sinh những vấn đề các em có thể tự làm được” - Ông Hùng chia sẻ.

Kinh nghiệm tuyển chọn được học sinh giỏi, theo ông, nên đi từ phong trào học tập của tập thể. Để thông qua một kỳ thi mang tính chất phong trào, tạo ra phong trào học tập trên diện rộng, có tổ chức, tác động đến từng học sinh. Cũng chính từ đây, giáo viên phát hiện và tuyển chọn học sinh giỏi, sàng lọc qua từng giai đoạn.

Quy trình thường là: Tháng 6 - 7 chọn những học sinh khá, giỏi có nguyện vọng vào đội tuyển các khối 11, 12; giao tài liệu cho học sinh tự học và báo cáo kết quả hàng tuần; giáo viên kiểm tra, đánh giá, học sinh đồng thời tự đánh giá lẫn nhau...

Tháng 8 - 9: Giáo viên phụ trách đội tuyển quyết định danh sách học sinh tham gia đội dự tuyển. Thường, số học sinh trong đội này sẽ bằng 2 – 3 lần số lượng của đội tuyển chính thức. Học sinh đội dự tuyển được học tăng cường 1 - 2 buổi/tuần.

Tháng 10: Sở GD&ĐT tổ chức thi học sinh giỏi cấp tỉnh dành cho học sinh chuyên và chọn đội tuyển chính thức dự thi học sinh giỏi quốc gia. Sau đó, hoạt động bồi dưỡng học sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia sẽ tiến hành vào tháng 11 và 12.

Không dạy lệch, học lệch

Một khó khăn của các trường hiện nay trong việc lựa chọn học sinh giỏi là sự can thiệp khá sâu của cha mẹ học sinh. Không ít bậc làm cha, mẹ áp đặt lối tính toán của người lớn, đôi khi thực dụng vào việc học của con mình. Đặc biệt, nhiều người không muốn con tham gia đội tuyển bởi lo lắng con mình sẽ học lệch, trượt ĐH, có thể trở thành “gà gô”...

Những lo toan đó là hoàn toàn chính đáng. Và nhiệm vụ của nhà trường là vừa thực hiện được mục tiêu giáo dục theo chủ trương chung, vừa đáp ứng nguyện vọng, tạo sự đồng thuận đông đảo phụ huynh.

Theo ông Cao Xuân Hùng, cần tạo niềm tin với phụ huynh bằng phương châm không dạy lệch, học lệch các môn khoa học cơ bản; đảm bảo hầu hết học sinh đỗ ĐH theo nguyện vọng 1; đặc biệt, tạo sân chơi cho học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, tạo cơ hội học sinh phát triển toàn diện.

“Nhà trường không thể cấm học sinh chơi, hay cấm các mối quan hệ tình cảm mà phải tìm chỗ cho các em chơi, định hướng cho các em giao lưu, chia sẻ. 

Các hoạt động ngoài giờ như văn nghệ, thể thao, dã ngoại, làm từ thiện... không chỉ giúp học sinh giải tỏa căng thẳng sau các giờ học chính khóa mà còn là môi trường để các em rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tổ chức sự kiện, tự khám phá năng khiếu cá nhân, đẩy lùi hiện tượng tiêu cực và các mối quan hệ khác, tạo môi trường giáo dục lành mạnh. 

Bên cạnh đó, việc nắm được tâm lý học sinh, động viên, khen thưởng kịp thời cũng vô cùng quan trọng, có hiệu quả” – Ông Hùng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.
Một góc quần đảo Nam Du. Ảnh: TG

Dạy học nơi đầu sóng

GD&TĐ - Quần đảo Nam Du gồm hơn 20 đảo lớn, nhỏ nằm sát nhau, thuộc sự quản lý của 2 xã: An Sơn và Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang).