Không bao giờ nhân nhượng những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ

Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Các đại biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Các đại biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Các đại biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Các đại biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh nội dung này khi trình bày Báo cáo tình hình KT-XH năm 2019 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, sáng 21/10.

Báo cáo nêu rõ: Tình hình biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao.

“Chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng phát biểu.

Cũng theo Thủ tướng, thời gian qua, quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng và củng cố nền quốc phòng toàn dân. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn kịp thời các hoạt động, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng chia sẻ, cử tri, Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thời gian qua. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng; vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề cử tri, Nhân dân băn khoăn, lo lắng, trong đó có những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Theo chương trình làm việc, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông.

Trước đó, liên quan tới tình hình Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần nêu rõ quan điểm, Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực; không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép.

Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình. Điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tiễn xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật gia có uy tín quốc tế. Do đó, không nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý và nội dung được quy định trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là sự vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường của mình đối với vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo Baochinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...