Sự ra đi đột ngột của PGS.TS Lê Hải An – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, người thân và xã hội, là sự mất mát lớn của ngành Giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Ghi vào Sổ tang, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng viết:
“Vô cùng thương tiếc PGS.TS Lê Hải An – người bạn, người thầy giáo mẫu mực, một cán bộ toàn diện đào tạo trong nước và ngoài nước, cán bộ mẫn cán, mẫu mực và tài năng của chúng tôi không còn nữa.
Văn phòng Chính phủ chuyển vòng hoa viếng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình; Vương Đình Huệ; Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng, thắp nén hương thơm, đặt vòng hoa tươi viếng linh hồn PGS.TS Lê Hải An – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Chúc anh yên nghỉ nơi chín suối vàng, an giấc ngàn thu”.
Bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn của mình, bà Lê Phùng Thúy Phượng không giấu nổi xúc động: “Vô cùng thương tiếc và chia buồn cùng gia đình PGS.TS Lê Hải An – một người con, người cha, người chồng mẫu mực. Một công dân luôn phấn đấu hết mình vì sự nghiệp GD-ĐT. PGS Lê Hải An là một con người tuyệt vời, là tấm gương cho các thế hệ trẻ noi theo”.
Vừa bước ra khỏi hàng lễ viếng, đôi mắt của anh Nguyễn Xuân Phong vẫn còn đỏ hoe, anh cho biết: Anh là học trò của PGS.TS Lê Hải An. “Tôi đang được PGS Lê Hải An đang hướng dẫn làm nghiên cứu sinh thì bất ngờ nhận được tin dữ. Quá đau xót và không biết nói sao cho vơi hết nỗi buồn” – anh Phong vừa nói vừa lau nước mắt.
Hít một hơi thật dài, anh Phong lấy lại bình tĩnh rồi nói tiếp: Thầy An là người rất độ lượng và bao dung; trình độ kiến thức uyên thâm. Thầy chưa hề quát mắng hoặc bực tức ai. Gặp bất cứ khó khăn gì trong học tập và nghiên cứu, chúng tôi gặp thầy đều có lời giải. Trong giao tiếp, ứng xử với học trò, thầy là một người tuyệt vời. Chúng tôi luôn trân quý những giây phút được gặp gỡ và giao lưu với thầy về học thuật.
Điều đáng nói là, mặc dù lịch công tác của thầy bận rộn nhưng thầy luôn cố gắng sắp xếp thời gian hẹn gặp học viên của mình để giúp học viên tháo gỡ những khó khăn trong học tập và nghiên cứu.
“Tôi đã từng được ngồi chấm hội đồng thi tốt nghiệp với thầy An. Tôi thấy thầy rất độ lượng với sinh viên. Mặc dù câu hỏi của thầy rất khó nhưng nếu sinh viên không trả lời thì thầy sẽ “gỡ rối” cho sinh viên ngay, kèm theo là rất nhiều kiến thức bổ ích cho các em.
Không chỉ trong vai trò là người đào tạo, thầy còn giới thiệu một số sinh viên giỏi cho ngành dầu khí; hiện các sinh viên do thầy giới thiệu đều trở thành cán bộ cốt cán của ngành Dầu khí"– anh Phong chia sẻ.