Việc số lượng xe ba, bốn bánh tự chế tăng lên trực tiếp gây mất trật tự ATGT, thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT và là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới tình trạng kẹt xe. Chính quyền và các cơ quan chức năng sẽ làm gì để giải quyết câu chuyện này?
Hàng vạn xe tự chế đại náo thành phố
Để việc đình chỉ lưu hành xe tự chế 3, 4 bánh được hiệu quả, ngày 29/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg về việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông. Quyết định nêu rõ: Đối với trường hợp mua xe cơ giới ba bánh, bốn bánh (loại xe được phép lưu hành theo quy định của pháp luật) hoặc chuyển đổi nghề để thay thế xe thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông: mức hỗ trợ là 5 triệu đồng cho 1 xe phải thay thế. Đối với trường hợp mua xe tải để thay thế xe thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông; ngoài mức hỗ trợ 5 triệu đồng cho 1 xe phải thay thế còn được hỗ trợ thêm 4 triệu đồng cho 1 xe tải mua mới. Số xe tải mua mới được hỗ trợ không vượt số xe phải thay thế.
Cũng theo Quyết định 548, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT hướng dẫn cụ thể thực hiện Quyết định này.
Chiều 18/10, ghi nhận của PV tại một số tuyến đường trên địa bàn quận 9, Thủ Đức như: Đường Đỗ Xuân Hợp, Dương Đình Hội, Tăng Nhơn Phú… nhiều xe ba, bốn bánh tự chế tràn xuống đường ngang nhiên bày bán rau quả, trái cây.
Trên đường Võ Văn Kiệt từ quận 5 về quận Bình Tân, cứ vào buổi chiều là thời điểm hành nghề của các tài xế xe ba, bốn bánh tự chế. Những tài xế này nhận hàng từ các kho dọc đường Võ Văn Kiệt để chở về Bình Tân, Bình Chánh. Phần lớn các xe đều chở các thùng hàng to, chất cao che hết cả tầm nhìn. Có những xe chở sắt thép, cuộn tôn dài 4m, chiếm hết cả làn đường và gây mất ATGT. Khi qua cầu Lò Gốm, phát hiện thấy CSGT, những tài xế này dừng xe tấp vào lề đường chờ khi tổ CSGT tuần tra đi chỗ khác mới tiếp tục di chuyển.
Dọc các tuyến đường như Nguyễn Chí Thanh, Lê Đại Hành, Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11 cũng thường xuyên xuất hiện những chiếc xe ba bánh tự chế của người dân chở hàng cồng kềnh. Những chiếc xe này chủ yếu chở vải, giấy, hàng da… chất cao ngất ngưởng, che khuất tầm nhìn của người điều khiển. Nhiều người đi đường thấy cảnh này liền vội tấp vào lề, chờ cho những chiếc xe ba bánh đi qua rồi mới dám lưu thông tiếp.
Theo ghi nhận của PV lúc 11h30 ngày 19/10 tại ngã ba Đỗ Xuân Hợp và đường Tây Hòa, quận 9, chỉ trong vòng 30 phút tại đây có tới 100 xe ba, bốn bánh tự chế lưu thông trên đường. Người điều khiển xe tận dụng thời gian buổi trưa, đường vắng, CSGT không kiểm tra nên tranh thủ chở hàng. Người dân sinh sống tại đây cho biết, tình trạng kẹt xe xảy ra như cơm bữa. Nguy hiểm nhất phải kể đến là những xe chở nước đá. Đây là những chiếc xe gắn máy đã cũ kỹ, chỉ còn lại khung sườn và máy, được nối thêm sau một chiếc xe ba gác cũng mục nát. Người điều khiển ngồi phía trước kéo theo sau hàng chục cây đá phóng như bay trên đường.
Trong khi đó, tiếp xúc với những người điều khiển xe ba, bốn bánh tự chế, chúng tôi nhận thấy đa phần họ là những người lao động nghèo, trong đó phần lớn là những người nhập cư từ các địa phương khác tới. Không có công ăn việc làm nên họ mua một chiếc xe để làm kế sinh nhai. Ông Nguyễn Văn Tài (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9) chia sẻ, ông đã sinh sống bằng nghề chở hàng hóa thuê 5 năm nay. Gom góp được vài triệu đồng, ông Tài mua chiếc xe ba gác cũ cà tàng của một người quen, ai gọi gì thì chở, ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn để lo cho gia đình. “Biết xe cũ nát, chạy nhiều lúc cũng nguy hiểm, nhưng mua chiếc xe 3 bánh loại tốt cũng vài chục triệu lấy đâu ra tiền”, ông Tài than thở.
Không có chỗ để chứa xe vi phạm
Ngay từ năm 2008, TP.HCM đã ban hành quyết định cấm và hạn chế xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh lưu thông trong khu vực nội đô và trên các quốc lộ thuộc địa bàn thành phố. Thống kê tại thời điểm đó, xe thô sơ bị đình chỉ lưu hành theo quy định là trên 14.000 chiếc; xe cơ giới trên 7.000 chiếc, xe ba bánh có đăng ký và có biển số bị hạn chế lưu thông trên 1.000 chiếc.
21 người chết vì TNGT liên quan xe ba bánh
Thống kê của TP HCM cho thấy, đến thời điểm này toàn thành phố có gần 2.167 xe cơ giới ba bánh đã được đăng ký cấp biển số. Đây là những loại xe ba gác đời mới, nhập khẩu, được xem là an toàn hơn. Bên cạnh đó còn có hơn 30.000 xe ba, bốn bánh thô sơ tự chế như xích lô, ba gác đạp, ba gác máy, xe đẩy tay, không đủ các điều kiện an toàn kỹ thuật.
Từ năm 2017 đến hết năm 2018, địa bàn TP xảy ra 23 vụ TNGT liên quan đến xe cơ giới ba bánh, làm 21 người chết và 5 người bị thương. Có những vụ việc rất thương tâm như người đi đường va vào các cuộn tôn do xe ba gác chở, dẫn đến tử vong.
Từ năm 2008 đến nay thành phố đã thu hồi và tiêu hủy gần 28.100 xe ba, bốn bánh tự chế. Đồng thời trích 158 tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân chuyển đổi nghề. Nhiều người lái xe ba gác đã được hỗ trợ kinh phí để mua xe 4 bánh có gắn động cơ (loại xe biển số 50TĐ) để chở hàng. Mặc dù vậy, đến nay số lượng xe tự chế vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là tại các khu vực quận ngoại thành.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cũng đã chỉ đạo các quận, huyện khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê số lượng, tình trạng sử dụng và các thông tin liên quan đến người sử dụng các loại phương tiện xe ba, bốn bánh tự chế, xe bốn bánh có gắn động cơ (xe biển số 50TĐ) đang hoạt động trên địa bàn. Đồng thời, các quận, huyện phải thống kê các thông tin liên quan đến điều kiện kinh tế hộ gia đình sử dụng các phương tiện nói trên, báo cáo rõ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng xử lý nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống...
Là một trong những địa bàn có khá nhiều xe ba, bốn bánh tự chế, ông Đậu An Phúc, Phó chủ tịch UBND quận 12 cho biết, quận đã tuyên truyền rất nhiều, nhưng vì cuộc sống mưu sinh vẫn nhiều người lén lút mua xe tự chế sử dụng. Lực lượng CSGT khi tuần tra trên đường bắt gặp loại xe này là phạt, tịch thu. Nhưng hầu như khi bị tạm giữ phương tiện, người dân thường không đến để giải quyết mà vứt xe luôn, do đa phần đều là tự sản xuất, lắp ráp, không có nguồn gốc. Theo ông Phúc, cái khó hiện nay là kho bãi tạm giữ các loại phương tiện đang quá tải, ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xử lý.
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND quận 9 cũng cho biết, năm 2018 quận đã ra quân xử phạt, tịch thu được gần 200 xe ba, bốn bánh tự chế. Sau nhiều lần ra quân, hiện trên địa bàn đã giảm tới 60% loại xe này. Tuy nhiên, khó khăn khi kiểm tra xử phạt là những chủ nhân loại xe này hầu hết ở các địa bàn khác chạy qua buôn bán, địa phương rất khó để truy ra nơi ở và các cơ sở tự chế. “Khi bị tịch thu xe hầu hết người vi phạm bỏ xe lại. Quá trình tịch thu, tiêu hủy phương tiện vô cùng nan giải. Hơn nữa, địa phương cũng không có đủ kho để giữ những loại xe này”, ông Tuấn Anh nói.
Hỗ trợ chuyển đổi nghề có dễ?
Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, để tăng cường công tác quản lý, lưu hành của xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ trên địa bàn thành phố, Sở GTVT đề xuất UBND TP giao Ban ATGT TP chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm việc tuyên truyền. Giao địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sửa chữa các loại phương tiện cơ giới (trong đó có xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ) trái quy định. Yêu cầu các cơ sở này cam kết không tham gia thay đổi kết cấu xe, cơi nới, thay đổi kết cấu thùng xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ. Nếu các cơ sở này vi phạm sẽ rút giấy phép kinh doanh.
Hiện, Sở đã yêu cầu các đơn vị liên quan, các trung tâm đăng kiểm đánh giá, xác định các bất cập về phương tiện 50TĐ như chất lượng xe, mức độ đáp ứng điều kiện ATGT… và đề xuất các giải pháp xử lý gửi về sở trước ngày 25/10.
Trong khi đó, theo một cán bộ UBND quận 12, việc chuyển đổi nghề cho người lao động lái xe tự chế chắc chắn không dễ. Việc này có thành công hay không phụ thuộc vào quyết tâm của người đứng đầu TP, lãnh đạo UBND các quận huyện. Vì cũng như lần trước, địa phương lên danh sách thống kê hỗ trợ tiền cho người lao động theo chỉ đạo của thành phố, xong nhiều người đã nhận tiền, giao nộp phương tiện cho địa phương, sau một thời gian vẫn tiếp tục lắp ráp xe cơ giới tự chế để hành nghề, tái diễn vi phạm.
Ông Nguyễn Ngọc Tường (Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM):
Cần đánh giá việc chuyển đổi nghề
Những nguy hiểm từ các vụ tai nạn do xe ba, bốn bánh tự chế thời gian qua cho thấy sự nguy hiểm, mất ATGT của loại phương tiện này. Thành phố đã cấm loại xe này từ 10 năm trước, tuy nhiên hiện vẫn còn rất nhiều phương tiện lưu thông ngoài đường. Vừa qua, UBND TP.HCM đã giao cho các sở, ngành liên quan thống kê, tổng kết lại chương trình này. Cần có đánh giá cụ thể những kết quả đạt được trong việc chuyển đổi nghề cho người dân, cái gì được, chưa được để có giải pháp phù hợp hơn.
TS. Nguyễn Minh Hòa (chuyên gia giao thông đô thị):
Lập các hợp tác xã để đáp ứng nhu cầu
Nhu cầu người dân cần sử dụng xe ba gác để chở hàng vẫn rất lớn, nhưng không phải vì vậy mà thả lỏng quản lý để các xe này tự tung tự tác gây mất ATGT, mỹ quan đô thị. Đối với những xe ba gác có gắn động cơ hay xe 4 bánh gắn động cơ (biển số 50TĐ) phải có cách quản lý, đăng kiểm, kiểm soát như các loại xe thông dụng khác.
Những xe không nằm trong loại này thì kiên quyết dẹp bỏ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người lao động. Việc hỗ trợ TP nên học một số nước đã áp dụng thành công. Chẳng hạn, thành lập một hợp tác xã, tổ chức có người đứng đầu bảo lãnh cho những người lao động có điều kiện tiếp cận vốn vay để có thể mua xe đủ điều kiện hoạt động hoặc có thể tạo một số vốn cho họ chuyển sang nghề khác phù hợp.
Đỗ Loan (Ghi)
Hà Nội vẫn chưa có lộ trình cụ thể để loại bỏ
Theo ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT Hà Nội), tính đến thời điểm hiện nay, Hà Nội có khoảng 5.956 xe ba, bốn bánh tự sản xuất, tự lắp ráp. Trong đó, đối tượng thương, bệnh binh chỉ có 808 xe; người khuyết tật: 196 xe; công nông 4 bánh: 1.118 xe; trường hợp khác: 3.834 xe.
Theo khảo sát, chỉ có hơn 540 trường hợp (chiếm 47%) các đối tượng thương, bệnh binh có nguyện vọng giữ lại phương tiện sử dụng; hơn 90 trường hợp (chiếm 8%) có nguyện vọng chuyển đổi xe; Còn lại hầu hết có nguyện vọng chuyển đổi nghề, vay vốn, tạo việc làm.
Về lộ trình “xóa” xe ba bánh, ông Long cho biết, ngoài việc chuyển đổi nghề cho lái xe ba bánh, bài toán “xóa” xe ba bánh tự chế vẫn khá nan giải. Cụ thể, theo quy định, chỉ xử lý được những xe ba bánh tự chế không đăng ký, không giấy tờ. Riêng xe có đăng ký của người khuyết tật và thương binh vẫn được phép lưu hành.
“Điều này khiến nhiều chủ xe ba bánh tự chế giả danh là xe của thương binh và người khuyết tật để hoạt động, lực lượng chức năng khó xử lý. Cùng đó, hiện cũng còn rất nhiều ba bánh tự chế chở hàng từ các tỉnh ngoài tràn vào Hà Nội, càng gây khó khăn cho công tác quản lý”, ông Long nói và cho biết, hiện Sở GTVT đang phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng số lượng, độ tuổi, thu nhập bằng việc sử dụng xe ba bánh tham gia kinh doanh vận tải của các thương, bệnh binh trên địa bàn.
Cùng đó, Sở cũng tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp nguyện vọng của các đối tượng thương, bệnh binh và đề xuất của chính quyền địa phương, Sở LĐ, TB&XH đối với việc giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng thương binh, bệnh binh khi thực hiện quy định loại bỏ xe ba bánh tự chế.