Từng được đưa vào trong thơ ca như một biểu tượng riêng biệt của Thủ đô Hà Nội nhưng hoa sữa cùng mùi hương của nó khiến cuộc sống nhiều người bị đảo lộn. Mới đây, quận Đống Đa đã có đề xuất di chuyển gần 100 cây hoa sữa được trồng dày đặc ở đường Nguyễn Chí Thanh đi nơi khác…
Bị tra tấn bởi “mùi hoa sữa về thơm từng con gió”
Nhạc sĩ Hồng Đăng từng bị “trách yêu” vì phong trào trồng hoa sữa
Bài hát “Hoa sữa” ra đời vào khoảng cuối năm 1978 và gắn liền với bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”. Và đến khi bộ phim được phát sóng thì loài hoa với hương thơm rất kén người này đã mặc định như sinh ra để dành cho Hà Nội.
Thủa sinh thời, nhạc sĩ Hồng Đăng cũng đã tâm sự về việc ông bị dày vò bởi chính bài hát của mình. Cũng chỉ vì tình yêu với bài hát “Hoa sữa” nên công chúng yêu thêm loài hoa này rồi đem trồng ở khắp nơi khiến đâu đâu cũng có bóng dáng của hoa sữa. Để rồi giờ đây, khi hoa sữa đã tràn ngập khắp các nẻo đường, con phố của Thủ đô thì người dân lại kêu trời và quay lại “trách yêu” nhạc sĩ tài danh.
“Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm. Có lẽ nào anh lại quên em…” đó là những câu hát đầy lãng mạn, thơ mộng trong bài hát “Hoa sữa” của cố nhạc sĩ Hồng Đăng. Và cũng từ rất lâu, hoa sữa đã là một biểu tượng, một đặc trưng của mùa thu Hà Nội.
Một loài hoa khiến cho những người con xa xứ luôn cảm thấy buồn man mác mỗi khi nhớ về kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Thế nhưng, bây giờ, ở nhiều con phố của Hà Nội, hoa sữa đang khiến người dân thực sự… đau đầu.
Những ngày này, hoa sữa đang nở trắng trên những con đường của Thủ đô Hà Nội. Và cứ mỗi mùa thu sang, loài hoa này lại được người dân Hà Nội nhắc đến. Tuy nhiên, đó không phải là những câu từ mĩ miều dành cho loài hoa đã đi vào trong thi ca mà là những cái lắc đầu ngao ngán trước mùi hương nồng nặc đến nhức đầu, buốt óc.
Nhiều người dân sinh sống trên những con phố có mật độ hoa sữa dày đặc như Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), Trung Hòa (quận Cầu Giấy), Quang Trung (quận Hà Đông) hay Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm) đang khẩn thiết đề nghị các cấp chính quyền nhanh chóng quy hoạch lại việc trồng hoa sữa.
Ông Vũ Bá Bình (76 tuổi, trú tại quận Đống Đa) là một thương binh. Gia đình ông có một quán nước nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh, một trong những “điểm nóng” của “nồng nàn hoa sữa”. Thời gian trước, ông Bình đều đặn mở hàng từ 7 giờ đến hơn 20 giờ mới dọn. Tuy nhiên, từ khi sang thu, hoa sữa nở rộ lan tỏa mùi hương nồng đặc đến khó thở buộc ông phải dọn hàng sớm.
“Bản thân tôi bị mắc bệnh liên quan đến hô hấp nên khi hoa nở nhiều, tỏa mùi hương hắc, nồng khiến tôi rất khó thở. Đặc biệt vào buổi đêm, mùi hương hoa sữa càng nồng nặc nên tôi phải dọn hàng sớm dù có ảnh hưởng ít nhiều đến kinh tế”, ông Bình chia sẻ.
Cũng theo ông Bình, chỗ ông bán hàng có đến 4 cây hoa sữa đồng loạt… tỏa hương. Ông Bình không phủ nhận ưu điểm của những cây hoa sữa này khi tạo bóng mát cho người dân những ngày hè. Nhưng ưu điểm ấy không lấp được nhược điểm khủng khiếp mà cây hoa sữa mang tới.
Theo đó, ngoài hương hoa có mùi hắc nồng, khi hoa tàn, phấn hoa bay khiến nhiều người bị dị ứng, ngứa. “Hoa sữa là đặc trưng của mùa thu Hà Nội nhưng mật độ trồng như này thì dày quá. Với mùi hương đậm của hoa sữa thì vài chục đến cả trăm mét trồng một cây thì hợp lý”, ông Bình chia sẻ.
Nằm trên tầng 2 của chung cư số 76 Nguyễn Chí Thanh, bà Dương Thúy Vinh chia sẻ rằng từ nhiều năm qua, cứ đến mùa hoa sữa nở, cánh cửa sổ hứng gió vào căn hộ của gia đình bà phải đóng kín. Bà Vinh cho biết, hương hoa sữa có mùi thoang thoảng, dễ chịu nhưng nếu trồng quá dày thì vô cùng khiếp hãi.
Nhiều năm gắn bó với con phố có “hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm”, bà Vinh và nhiều cư dân ở đây đã thực sự… chịu không nổi nữa. “Mùi hương nồng nặc, khó thở và gây nhức đầu. Khổ nữa là phấn hoa gây phát ban, ngứa ngáy khó chịu lắm!”, bà Vinh bức xúc.
Theo bà Vinh, bên cạnh gia đình bà, một hộ gia đình phải ra ngoài thuê trọ để ở mỗi khi “mùa hoa sữa về thơm từng con gió”. Bà Vinh bảo, gia đình bà cũng từng có ý định chuyển đến sống tại một căn hộ chung cư ở quận Nam Từ Liêm để tạm lánh, thoát cảnh “hương hoa quá đỗi vô tình”.
![]() |
Mật độ cây hoa sữa dày đặc trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa). |
Di chuyển hoa sữa về… bãi rác: Lấy độc trị độc!
Trước cửa quán nước nằm trên đường Quang Trung (quận Hà Đông) của bà Nguyễn Thị Kim Dung (49 tuổi, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông) có 5 cây hoa sữa đang đua nhau trổ bông. Để chống lại mùi hương nồng đặc của hoa sữa, bà Dung phải đeo đến 2 lớp khẩu trang và hạn chế bán hàng vào buổi tối.
“Hương hoa sữa tỏa ra ngào ngạt nhất vào thời điểm đêm tối. Tôi bán hàng ở đây nhiều khi khách ngồi chưa ấm chỗ đã phải rời đi vì không chịu được mùi hoa. Để vừa không đánh mất đặc trưng của Hà Nội vừa không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, theo tôi chính quyền chỉ nên bỏ bớt số cây chứ không nên di dời toàn bộ”, bà Dung nêu quan điểm.
Mới đây, UBND quận Đống Đa đã đề xuất Sở Xây dựng Hà Nội phương án thay thế cây xanh khi chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Chí Thanh. Theo đề xuất này, khoảng 80 cây hoa sữa sẽ được chuyển đến công viên vườn hoa trên địa bàn, trồng thay thế bằng cây hoa ban. Mục đích của đề xuất này được quận Đống Đa cho rằng là tạo điểm nhấn kiến trúc, hạn chế ảnh hưởng đến người dân.
Trong văn bản trả lời đầu tháng 10, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ xem xét, đánh giá mật độ cây trồng cho phù hợp, tránh mùi hoa sữa tỏa nồng nặc, có thể đem hoa sữa trồng tại vùng ảnh hưởng bán kính 500m ở khu xử lý chất thải Xuân Sơn.
Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội ra quyết định liên quan đến cây hoa sữa. Trước đó, tháng 10/2019, chính quyền đã chuyển khoảng 100 cây hoa sữa từ đường Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà Nội) lên trồng tại khu vực bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để hạn chế mùi rác, giải quyết bức xúc của người dân.
Trở lại với đề xuất của UBND quận Đống Đa, thực trạng cho thấy, trên đường Nguyễn Chí Thanh với tổng chiều dài 1,8km nhưng có tới khoảng 80 cây hoa sữa. Đặc biệt tại đoạn chung cư số 76 Nguyễn Chí Thanh, mật độ hoa sữa được trồng quá dày nên vào mùa nở hoa nhiều người sống quanh khu vực này rất khó chịu.
Vì đâu nhiều người đau đầu, chóng mặt khi ngửi mùi hoa sữa?
Trước ý kiến cho rằng mùi hương hoa sữa quá nồng có thể khiến nhiều người cảm thấy đau đầu, khó chịu thậm chí chóng mặt và buồn nôn, TS.BS Bùi Văn Khánh (Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thực chất đây là tình trạng dị ứng với phấn hoa của cây hoa sữa.
Ông Khánh cho biết, hoa sữa là nét đặc trưng không thể thiếu của mùa thu Hà Nội. Mùa hoa nở rộ vào khoảng tháng 9, 10, 11. Một số người khi hít phải phấn hoa sữa sẽ bị dị ứng và xuất hiện tình trạng khó thở, chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi thành tràng.
TS.BS Bùi Văn Khánh chia sẻ thêm, hoa sữa là một loại cây thụ phấn nhờ gió. Bởi vậy, cây hoa này thường mọc ở đầu cành thành các chùm lớn và mang nhiều hạt phấn. Hạt phấn của cây hoa sữa là một chất lạ với cơ thể và gây ra phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm.
“Phấn hoa sữa mới chính là nguyên nhân gây nên bệnh dị ứng. Khi hít phải các hạt phấn này, tại mũi, họng, mắt của người bệnh sẽ sinh ra các phản ứng viêm, dị ứng gây xuất hiện các triệu chứng của viêm mũi dị ứng hoặc viêm kết mạc dị ứng”, bác sĩ Khánh cho biết.
Mặc dù các triệu chứng này không gây ảnh hưởng đến tính mạng, người bệnh thường gặp nhiều sự khó chịu và ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng cuộc sống. Bác sĩ Khánh nhấn mạnh, khi số lượng phấn hoa hít phải càng nhiều thì các biểu hiện dị ứng càng trầm trọng hơn. Một số người dị ứng nặng có thể xuất hiện khó thở và cần được can thiệp y tế, đặc biệt ở những người có tiền sử hen phế quản dị ứng.