Khói thuốc vẫn bao vây nơi công cộng

Khói thuốc vẫn bao vây nơi công cộng

(GD&TĐ) - Cơ sở y tế là một trong những nơi cấm hút thuốc hoàn toàn trong nhà và trong khuôn viên. Tuy nhiên, khảo sát của chúng tôi cho thấy ngay cả khi Luật Phòng chống tác hại chính thức có hiệu lực (từ 1/5/2013) thì tình trạng người nhà bệnh nhân, thậm chí cả bệnh nhân vẫn vô tư nhả khói thuốc.

Vẫn trông chờ vào ý thức người dân là chính

Mặc dù biển “Cấm hút thuốc” được treo ở mọi nơi, từ cổng bệnh viện vào đến từng khoa phòng nhưng cũng mới chỉ cấm được cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân còn người nhà bệnh nhân vẫn vô tư hút thuốc mọi lúc, mọi nơi. Theo bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng, Phó GĐ Bệnh viện Ba Vì (Hà Nội), quy định cấm hút thuốc lá trong phòng và khuôn viên bệnh viện được thực hiện từ nhiều năm nay, được cụ thể hóa bằng quy định về thưởng phạt hàng tháng nên cán bộ y tế thực hiện nghiêm. Với bệnh nhân, lãnh đạo bệnh viện cũng yêu cầu không được hút thuốc đồng thời giao trách nhiệm cho bác sĩ, y tá điều trị nhắc nhở nếu thấy bệnh nhân hút thuốc. Tuy nhiên, với người nhà bệnh nhân, việc cấm họ hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện là không thể bởi chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của người làm việc trên. Hiện nay, lãnh đạo bệnh viện cũng chỉ yêu cầu cán bộ nhân viên khi thấy người hút thuốc thì nhắc nhở nhưng cũng có người nhắc người không vì nhiều khi nhắc còn khiến họ nổi khùng, mắng lại, thậm chí gây gổ với người nhắc.

Còn theo TS Nguyễn Kim Sơn, Phó GĐ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), quy định của trung tâm là cấm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hút thuốc. “Chúng tôi sẵn sàng mắng sa sả nếu thấy bệnh nhân, cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân hút thuốc nên tại các khoa phòng không còn tình trạng ô nhiễm khói thuốc”, TS Sơn khẳng định. Nhưng khói thuốc  mới được loại trừ trong phạm vi hẹp bởi  khi người nhà bệnh nhân ra ngoài hút thuốc thì rất khó nhắc nhở …

Khói thuốc vẫn bao vây nơi công cộng ảnh 1
Quán nước vỉa hè là nơi nghi ngút khói thuốc       Ảnh: Thái Hòa

Cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện việc cấm hút thuốc nơi công cộng nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ nhân viên, sinh viên trong trường, đến nay, Trường ĐH Y tế công cộng đã thành công trong việc xây dựng mô hình ngôi trường không khói thuốc. Đại diện nhà trường cho biết: Quy định không hút thuốc trong trường học được nhà trường đặt ra ban đầu cũng nhận được phản ứng của một số thầy và học viên. Đã có ý kiến cho rằng nên có phòng dành riêng cho người hút thuốc nhưng quan điểm của nhà trường là “tẩy chay” khói thuốc nên không có ngoại lệ dành cho bất kỳ ai bằng quy định cụ thể: Đuổi sinh viên  hút thuốc trong trường hợp bị phát hiện. Với giáo viên trong biên chế sẽ bị cắt thi đua còn giáo viên ngoài biên chế sẽ bị cắt hợp đồng. Đến nay, Trường ĐH Y tế công cộng đã thực sự không còn khói thuốc. Hiện khách đến làm việc với nhà trường cũng tự giác tắt thuốc trước khi bước vào cổng trường.

Cấm hút thuốc lá nơi công cộng: Từ lý luận đến thực tiễn

Hành vi hút thuốc lá nơi công cộng đã bị cấm, mức phạt cũng đã được đưa ra nhưng cho đến thời điểm này việc thực hiện quy định trên vẫn… xa vời. Bác sĩ Hùng cho biết: Từ khi Luật có hiệu lực, tình trạng hút thuốc trong bệnh viện vẫn không thay đổi bởi chưa có quy định rõ ràng về thẩm quyền người đi phạt cũng như tiền phạt sẽ nộp về đâu… Do vậy, biện pháp trước mắt của bệnh viện vẫn là treo biển cấm hút thuốc, yêu cầu nhân viên y tế, bảo vệ nhắc nhở những người hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện.

Còn theo Thạc sĩ Lê Thị Thanh Hương, điều phối viên dự án Hướng tới một Việt Nam không có quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá (Trường ĐH Y tế công cộng), việc trưng bày thuốc lá tại các điểm bán còn nhiều bất cập. Các hình thức vi phạm thường gặp là: Trưng bày nhiều sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc lá tạo thành các điểm quảng cáo hấp dẫn, dễ nhận biết tại điểm bán. Thuốc lá  ở Việt Nam dễ tiếp cận vì chúng được bán ở mọi nơi,  từ cửa hàng, xe đẩy, người bán rong, các điểm công cộng (nhà ga, bến tàu, sân bay…). Thậm chí nhiều cửa hàng còn trưng bày lẫn với các sản phẩm thông thường khác như kẹo, bánh… tạo thành các điểm quảng cáo hấp dẫn, dễ nhận biết tại điểm bán. Điều này vô tình thúc đẩy hành vi mua và bắt đầu hút thuốc ở thanh thiếu niên. Nó cũng tạo ấn tượng rằng thuốc lá không phải là một sản phẩm độc hại, việc hút thuốc là được chấp nhận về mặt xã hội và khiến giới trẻ bị lôi cuốn. Ngoài ra, việc trưng bày này cũng làm những người đã cai thuốc có nguy cơ tái nghiện, gợi nhớ đến ham muốn hút thuốc trở lại ở những người đang cố gắng bỏ. Bên cạnh đó, việc cấm bán thuốc cho người dưới 18 tuổi cũng… nan giải bởi chưa có quy định kiểm tra chứng minh thư của những đối tượng trên, việc giám sát, xử phạt vì thế cũng khó mà thực hiện được.

Quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng là cần thiết, tuy nhiên song song với đó còn là việc khống chế  quảng cáo, tài trợ của các hãng thuốc lá, tăng giá bán thuốc, tăng hình ảnh khuyến cáo, cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi… Để giảm sự tác động của khói thuốc với người dân,  cần một giải pháp đồng bộ, mạnh tay chứ không thể  chỉ trông chờ vào ý thức người dân.

Nghiêm cấm hành vi hút thuốc lá trong cơ sở giáo dục

-Từ năm 2010, Bộ GD&ĐT đã có quy định cấm hút thuốc trong nhà trường, cơ quan quản lý GD. Bộ nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị, sản xuất và kinh doanh thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá trong nhà trường và các cơ sở quản lý GD cũng như nhận tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của các đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức;

-Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở phải xây dựng nội quy, quy chế về cấm hút thuốc lá trong cơ sở GD; Treo biểu tượng “Cấm hút thuốc” ở hành lang, lớp học, phòng học…

Minh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ