Khôi phục tranh làng Sình xứ Huế

GD&TĐ - Có những lúc tưởng chừng dòng tranh của làng Sình sắp bị mai một, thế rồi điều may mắn đã đến với người dân xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế khi còn một người vẫn nắm giữ những bí kíp làm tranh, đó là nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. Nghề truyền thống có gần 500 năm của cha ông xem như không lâm vào vận biệt tích.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là người duy nhất còn khắc được mộc bản
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là người duy nhất còn khắc được mộc bản

Dốc sức khôi phục một dòng tranh

Ngược dòng Hương Giang về ngã ba Sình, đến ngôi nhà cấp bốn đơn sơ, đậm chất Huế là gặp nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. Gian mái lá được dựng trong sân là nơi trưng bày những đồ nghề làm tranh. Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước có dáng người mảnh khảnh nhưng đầy vẻ cương nghị.

Ông Phước đã chia sẻ về những thăng trầm của một làng nghề: “Tôi là đời thứ 9 làm nghề vẽ tranh của làng. Tranh làng Sình ngấm vào máu thịt, từ khi tôi còn tấm bé, đã biết cầm cọ phụ cha tô màu cho những bức tranh đơn giản. Làng hoạt động ổn định, nhất là thời điểm trước năm 1945, lúc ấy nhà nhà, người người đều đua nhau làm tranh. Thời điểm đó, khắp làng vang tiếng chày, tiếng hò giã điệp, một không khí lao động thật rộn ràng, vui tươi”.

Không thể đứng nhìn những bản khắc tranh làng Sình xứ Huế bị tận diệt, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông đã huy động cả gia đình thức trắng nhiều đêm, quên ăn nhịn ngủ để đào hầm giấu tranh. Khi chiến tranh qua đi, ông lật giở để tìm lại “vốn xưa” rồi từng bước khôi phục dòng tranh dân gian của làng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, biến thiên của thời gian, tranh làng Sình cũng “lên thác xuống ghềnh”, có khi tưởng chừng như mất hết…

Đến năm 2000, khi ngành du lịch bắt đầu phát triển, người ta lần tìm về các làng nghề của Huế, các trào lưu văn hóa khôi phục, trong đó có lễ hội đô vật làng Sình. Lúc đó, ông Phước đem mấy tấm bảng khắc gỗ cất giấu bấy lâu ra cùng với nhiều mẫu khắc mới và mang đến biếu cho những đồng nghiệp cũ. Nhiều người làm tranh bày tỏ lo lắng, sợ tranh làm ra không có ai mua vì chưa tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Để trấn an mọi người, ông Phước hứa sẽ tiêu thụ hàng giùm cho họ. Để khỏi thất hứa, ông cất công đi nhiều nơi, rồi điện thoại giới thiệu mặt hàng, nhờ các anh ở sở văn hóa, sở thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên truyền, quảng bá thêm cho tranh làng Sình.

Độc đáo tranh làng Sình

Tranh làng Sình là một loại tranh vẽ rất đẹp, rất kỹ. Tranh vẽ hình 12 con giáp để thờ cúng ông chuồng, bà chuồng cho nhà ai có chăn nuôi. Tranh vẽ những Bà Tổ Cô thì dùng để thờ những bà trong dòng tộc không có con cái, khi chết phải dựa vào cháu chắt, linh hồn vất vưởng đói khát, lạnh lẽo không nơi nương tựa. Tranh vẽ đô vật thì mô phỏng vật làng Sình để người ta treo chơi trong nhà.

Nói chung, các thể loại tranh làng Sình ngày nay khá phong phú, chất liệu vẽ hoàn toàn được làm bằng lá cây, rễ cây, các loại hoa trái, màu đen thì lấy từ tro rơm, giấy điệp thì tự làm bằng xác cây, sau đó giã nhuyễn vỏ sò điệp để bồi một lớp mỏng trước khi vẽ. Tranh vẽ rất công phu. Đầu tiên in bằng khuôn gỗ lên giấy, sau đó mới bắt đầu bồi nét, bồi điệp, phơi khô giấy vẽ rồi đến tô màu. Tuy in bằng khuôn nhưng không phải tranh nào cũng giống nhau bởi khâu làm nguội đã làm thay đổi tất cả sắc thái, hình dạng của mỗi bức tranh. Khuôn chỉ đóng vai trò thảo những nét cơ bản, đại cương nhất.

Do cùng khởi phát từ một gốc nên tranh dân gian làng Sình khá giống với tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh về các công đoạn làm tranh, chỉ khác ở hình tranh và mục đích sử dụng. Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cho biết: “Từ thời ông tổ của nghề tranh Đông Hồ, cách làm tranh đã được mang vào Huế, nhưng để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng trong các lễ cầu an, dâng sao giải hạn ở địa phương nên các nghệ nhân đã chế ra các bản khắc hình vẽ khác. Thế nên, tranh làng Sình mới nổi danh là dòng tranh chuyên thờ cúng”.

Tranh làng Sình hoàn toàn được làm thủ công. Để có một bức tranh hoàn chỉnh thì phải trải qua đủ 7 công đoạn: xén giấy, quét điệp, in tranh lên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu và công đoạn cuối cùng là điểm nhãn. Xưa kia, tranh làng Sình hoàn toàn sử dụng bằng giấy dó. Ngày nay, để tiện và đỡ tốn kém, người làm đã chuyển sang sử dụng giấy công nghiệp và phẩm màu công nghiệp. Chỉ duy nhất gia đình ông Phước vẫn trung thành với vật liệu giấy dó và pha chế màu tự nhiên. Ông nói: “Đó là nét đẹp dân dã, là tinh hoa của nghề tranh nên phải giữ lấy”.

Các em HS đến tham quan cơ sở, xem tranh làng Sình của ông Phước
Các em HS đến tham quan cơ sở, xem tranh làng Sình của ông Phước 

Từ năm 1996, với chính sách mở cửa kinh tế, nhà nước có chủ trương khôi phục làng nghề, nghệ nhân Phước vui mừng mở lớp dạy nghề miễn phí cho con em trong làng, rồi ông còn cung cấp mộc bản, khắc thêm khuôn mới cho bà con, từng bước làm hồi sinh một làng nghề.

Từ chỗ cả làng chỉ còn 1 hộ làm nghề cho đến nay có 57 hộ làm quanh năm. Năm 2000, Festival Huế lần đầu tiên được tổ chức, nghệ nhân Phước còn dày công sáng tạo thêm dòng tranh trang trí, phản ánh các sinh hoạt của đời sống và sản xuất như: cày ruộng, cấy lúa, thu hoạch; hình ảnh những đồ vật, con vật gần gũi, gắn bó bao đời nay với người nông dân cho đến các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt, vật Sình, bộ lịch 12 con giáp…

Đến nay, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là người duy nhất của làng còn khắc được mộc bản. Không thể thống kê hết số lượng giấy khen, bằng khen của các cấp từ tỉnh đến Trung ương ghi nhận công “giữ lửa” của ông Phước. Tiêu biểu, tháng 10/2014, ông Kỳ Hữu Phước là một trong hai nghệ nhân của tỉnh Thừa Thiên Huế được Trung ương Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam cấp bằng “Tôn vinh nhân tài đất Việt đã có công bảo tồn phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.