Gắn bó cả đời
Ông Đỗ Văn Mẵng, sinh ra và lớn lên tại làng Bảo Hà, nơi có nghề tạc tượng gỗ truyền thống. Tình yêu với nghề ngấm dần vào con người ông và lớn lên cùng với tình yêu quê hương, nơi chôn rau cắt rốn. Cha ông cũng là người tạc tượng gỗ nổi tiếng trong làng. Ông được truyền nghề từ chính người cha của mình. Vì yêu nghề, muốn gắn bó với nghề nên ông đã dành nhiều thời gian theo cha học nghề.
Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, ông Mẵng bươn chải ra làm thuê tận Uông Bí, Đầm Hà (Quảng Ninh). Đến năm 1978, “máu nghề” nổi lên, ông lại về làm cho Công ty Mỹ nghệ Quảng Ninh. Một thời ông Mẵng được “gửi trọn đam mê” với nghề tại công ty này. Nhưng thời kỳ bao cấp qua đi, những sản phẩm mỹ nghệ do ông và các đồng nghiệp làm ra gặp khó khăn nên ông nghỉ việc.
Những năm 1980, ông Mẵng làm công nhân cầu đường. Nhưng yêu và nhớ nghề nên trong túi lúc nào ông cũng có những dụng cụ làm nghề. Thời gian rảnh rỗi, ông thường xuyên đục đẽo những sản phẩm mỹ nghệ nhỏ để gửi về Hải Phòng, Quảng Ninh, bán kiếm thêm thu nhập.
Đau đau với nghề cha ông để lại, qua nhiều năm lang bạt, ông Mẵng quay về địa phương xây dựng gia đình và quyết định ở lại quê nhà gắn bó với nghề tạc tượng gỗ…
Nhìn nghệ nhân Đỗ Văn Mẵng tỉ mỉ kẻ vẽ, đục đẽo những đường nét trên thân gỗ để tạc nên những pho tượng Phật mới thấy được tình yêu nghề trong ông lớn đến dường nào. Ông Mẵng cho hay, cái nghề này gắn bó với ông cả cuộc đời. Ông chưa bao giờ thôi đam mê nghề tạc tượng trên gỗ bởi theo ông đó là sản phẩm kết tinh của óc tưởng tượng, sáng tạo, trí tuệ, tài hoa của người làm nghề và đặc biệt là đức tính cần cù, cẩn thận và tỉ mỉ.
Là nghề “cha truyền, con nối” nên con trai ông là anh Đỗ Quốc Dân cũng có một cơ sở riêng. Anh Dân là một trong những thợ nghề giỏi trong toàn quốc được Trung ương Đoàn vinh danh năm 2015.
Theo lời kể của ông Mẵng, nghề tạc tượng gỗ làng Bảo Hà đã có cách đây gần 700 năm. Bề dày truyền thống của làng được thể hiện, minh chứng bằng hiện vật lịch sử được lưu giữ tại Miếu Bảo Hà - di tích lịch sử cấp quốc gia. Đó là bức tượng đức Thánh Linh Lang Đại Vương hơn 500 năm tuổi, được xem là bảo vật xứ Đông, có thể đứng lên ngồi xuống. Tượng được đích thân ông tổ nghề tạc tượng Bảo Hà Nguyễn Công Huệ làm ra, mang sắc diện tuấn tú khác thường, nét chạm tinh tế toát lên khí tượng đế vương. Đây là tác phẩm sáng tạo trên cơ sở kết hợp giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối. Những nghệ nhân xưa sử dụng cách chuyển động trong múa rối để “thổi hồn” vào bức tượng, tạo nên sự kỳ lạ, độc đáo.
Giữ lửa nghề
Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, đến nay những tinh hoa nghề tạc tượng gỗ của Bảo Hà vẫn được lưu truyền qua nhiều đời con cháu.
Nghệ nhân Đỗ Văn Mẵng cho biết, nguyên liệu chính để tạo nên một tác phẩm điêu khắc bao gồm gỗ mít, gỗ dổi, gỗ xoan, là các loại gỗ bền, chắc, ít cong vênh, dễ đánh bóng. Để tạc nên một pho tượng gỗ mỗi nghệ nhân cần khoảng 7 đến 10 ngày. Sau khi xử lý gỗ, người thợ dùng cưa, rìu, búa để tạo dáng cơ bản của sản phẩm rồi tạo nét bằng các loại đục chuyên dụng. Kế tiếp là làm nhẵn bằng bào, dao ve, đá mài. Cuối cùng là đánh bóng, sơn vẽ.
Có nhiều công đoạn khác nhau để tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh. Công đoạn nào cũng cần sự tỉ mỉ và đam mê. Ngắm những người thợ Bảo Hà làm việc mới thấy sự tài hoa hiển hiện trên từng đường đục, nét chạm. Qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhưng chưa khi nào tiếng đục, tiếng búa thôi vang lên trên khắp các thôn xóm ở Bảo Hà.
Ông Phạm Văn Vưng, cán bộ văn hóa xã Đồng Minh cho hay: Hiện nay làng Bảo Hà có gần 200 hộ làm nghề tạc tượng gỗ, sơn mài và múa rối trong đó có gần 100 nghệ nhân. Nét độc và lạ riêng của nghề tạc tượng Bảo Hà đó là cái khiếu rất riêng của người nghệ nhân nơi đây truyền vào từng sản phẩm tạo nên những đường nét tinh vi, mềm mại và có hồn.