Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cứ theo những biểu hiện công khai thì chuyến thăm Pakistan 3 ngày vừa qua của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã giúp cải thiện rõ rệt mối quan hệ giữa 2 nước này. Hai bên đều thể hiện quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất hợp tác song phương.

Đặc biệt, họ đều ngầm ám chỉ rằng đã quên chuyện đấu súng cách đây không lâu ở vùng biên giới giữa hai nước. Ông Raisi và lãnh đạo Pakistan còn đề ra mục tiêu trong thời gian nhanh nhất tăng gấp 5 lần kim ngạch trao đổi thương mại, từ 2 tỷ USD hiện tại lên 10 tỷ USD. Năng lượng hiện là một trong những lĩnh vực hợp tác đầy triển vọng và có ý nghĩa chiến lược lâu dài giữa hai bên.

Chuyến công du Pakistan của Tổng thống Iran đã được dự định từ lâu. Việc Israel và Iran lần đầu tiên tấn công quân sự trực diện vào lãnh thổ của nhau trong những ngày vừa qua làm cho sự kiện ngoại giao song phương này có thêm ý nghĩa đặc biệt. Pakistan tuy không công nhận ngoại giao Israel nhưng họ không ở trong mối quan hệ thù địch với quốc gia Do Thái này.

Đa số người dân Iran theo dòng Hồi giáo Shiite. Ở Pakistan, đa số dân chúng thuộc dòng Hồi giáo Sunni, như ở Ả-rập Xê-út và những vương triều Ả Rập khác ở vùng Vịnh. Vì thế, Pakistan có mối quan hệ khăng khít với Ả-rập Xê-út. Pakistan xưa nay vốn hợp tác chặt chẽ với Mỹ về quân sự và an ninh.

Mỹ và Israel lại thù địch Iran. Ả-rập Xê-út cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt với Iran trong thế giới Hồi giáo. Nhìn nhận như thế sẽ thấy tầm tác động của mối quan hệ giữa Pakistan và Iran về chính trị an ninh thế giới và khu vực cũng như về tương quan lực lượng trong thế giới Hồi giáo.

Pakistan và Iran cần hòa giải và thúc đẩy quan hệ vì đều có nhu cầu chống khủng bố ở vùng biên giới chung. Pakistan muốn yên bình ở vùng biên giới với Iran để tập trung ứng phó với chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Ấn Độ và đảm bảo an ninh ở vùng biên giới với Afghanistan.

Thách thức an ninh từ phía Ấn Độ với Pakistan đều vừa khó vượt qua và vừa lâu dài. Đồng thời, Mỹ và Israel càng thù địch và đối địch Iran cũng như quan hệ giữa Ả-rập Xê-út và Iran càng trắc trở thì Pakistan có giá càng cao trong chiến lược và chính sách của Mỹ và Ả-rập Xê-út.

Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan, đồng thời muốn chia rẽ Pakistan với Mỹ và Ả-rập Xê-út. Khơi nguồn nước gần để dập hỏa hoạn xa chính là đấy.

Cho nên mới có chuyện trong lúc thăm Pakistan, ông Raisi tuyên bố Iran sẽ xóa sổ Israel nếu Israel lại tấn công vào lãnh thổ Iran. Tác động của việc Tổng thống Iran tuyên cáo điều này ở Pakistan khác biệt cơ bản so với ông Raisi nói ra cùng điều ấy ở Iran.

Một chuyến thăm cấp cao đơn thuần chưa đủ làm cho Iran và Pakistan trở thành đối tác chiến lược hay đồng minh của nhau. Nhưng nó mở ra thời kỳ hai bên vì những lợi ích thiết thực chung mà không để bất đồng quan điểm lâu nay cản trở việc cải thiện và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

Iran và Pakistan hiện chưa tạo thành cặp bài trùng về chính trị an ninh và ảnh hưởng quyền lực ở khu vực nhưng báo hiệu có thể trở thành như vậy trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ