Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường học

GD&TĐ - Hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp, các trường đại học, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như vườn ươm, trung tâm dịch vụ, các nhà tư vấn, các nhà đầu tư. Khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên giảng đường có thể không phải là con đường của số đông SV, nhưng chính môi trường giáo dục khai phóng của trường học sẽ là nơi thúc đẩy cho những sáng tạo - yếu tố rất cần cho khởi nghiệp.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường học

Đào tạo giảng viên nguồn về khởi nghiệp

TS Nguyễn Thị Mỹ Hương - Phó Giám đốc phụ trách Viên Nghiên cứu & đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) cho rằng: “Không có nhiều khó khăn trong việc đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Quan trọng nhất vẫn là việc tìm được giảng viên có kinh nghiệm thực tế, có đam mê khởi nghiệp để truyền được cảm hứng một cách hiệu quả cũng như chia sẻ cho các em kinh nghiệm một cách tốt nhất”.

Mới đây nhất, Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp Đà Nẵng (DSC) và Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) đã tổ chức một khóa đào tạo giảng viên nguồn về khởi nghiệp với sự tham gia của 24 giảng viên và cán bộ đến từ 14 trường ĐH, CĐ, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Khóa học nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) với hai đối tác địa phương là DSC và DNES.

Trước đó, Viện Nghiên cứu & đào tạo Việt - Anh đã tổ chức Khóa huấn luyện dành cho các giảng viên và cán bộ quản lý của tất cả các trường ĐH, CĐ - những người có nhiệm vụ giảng dạy hoặc quản lý các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực kinh tế và kinh doanh tại các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ. Các giảng viên và diễn giả nhiều kinh nghiệm sẽ chia sẻ các quan điểm và câu chuyện của mình trong bức tranh chung của hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng và Việt Nam.

TS Nguyễn Thị Mỹ Hương – Phó Giám đốc Phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh cho biết: “Mục tiêu của chương trình là giúp các học viên vốn là giảng viên hiểu được logic của tư duy khởi nghiệp và các phương pháp giảng dạy khởi nghiệp; nắm vững kiến thức về doanh nhân và tư duy kinh doanh; nhận biết quá trình giảng dạy và những nội dung căn bản trong giảng dạy môn khởi sự kinh doanh; hiểu sâu về các nội dung cụ thể liên quan đến đào tạo về khởi sự doanh nghiệp”.

Ông Võ Duy Khương - Cố vấn của DSC cho biết: “Các trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động khởi nghiệp, chính vì vậy, đào tạo giảng viên nguồn về khởi nghiệp cho các trường ĐH, CĐ sẽ giúp nâng cao năng lực giảng dạy về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các trường đại học”.

Không gian sáng tạo cho giảng viên, sinh viên

Năm 2017, Đà Nẵng chú trọng xây dựng văn hóa khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo trong HS, SV với gần 10 cuộc thi, tọa đàm và chương trình huấn luyện khởi nghiệp được tổ chức tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, sự kiện Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp quốc tế Đà Nẵng diễn ra vào tháng 7 được xem là điểm nhấn tích cực thúc đẩy NCKH và tinh thần khởi nghiệp trong HS, SV, từ đó tạo sự lan tỏa đến cộng đồng thanh niên, SV.

Theo TS Nguyễn Thị Mỹ Hương thì “mục tiêu của đào tạo khởi nghiệp là nhằm trang bị cho người học tinh thần khởi nghiệp, nghĩa là một người luôn khao khát tạo ra giá trị cho xã hội thông qua đổi mới, sáng tạo. Ngoài ra, người có tinh thần khởi nghiệp có tính kiên trì để đạt được thành công và đặc biệt là dám chấp nhận rủi ro”.

Với quan niệm như vậy, chương trình đào tạo khởi nghiệp không chỉ quan trọng đối với SV khối ngành kinh doanh mà còn với tất cả các ngành đào tạo. “Với tinh thần doanh nhân cùng những kỹ năng và kiến thức căn bản về khởi nghiệp, họ có thể nắm bắt được cơ hội tốt hơn, và khi có cơ hội, họ sẽ khởi nghiệp. Lúc này, lợi ích cho xã hội lớn gấp đôi bởi hai khía cạnh: họ sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, và họ sẽ tạo ra việc làm cho chính mình và cho nhiều người khác” - TS Mỹ Hương nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong năm 2017 ĐH Đà Nẵng đưa Không gian sáng chế vào sử dụng với đầy đủ thiết bị hiện đại như máy in 3D, máy cắt laser… hỗ trợ dự án khởi nghiệp trên nền tảng sản xuất. Không gian sáng chế là một hợp phần quan trọng trong việc kiến tạo văn hóa đổi mới bằng cách cung cấp không gian thí nghiệm nơi SV và giảng viên có thể thiết kế, sáng tạo, đổi mới và phát triển năng lực cần thiết để đáp ứng ngay yêu cầu công việc.

Không gian này được thiết kế nhằm giúp giảng viên và SV có thể tham gia vào một loạt các hoạt động ví dụ như chia sẻ ý tưởng, thiết kế, xây dựng và phát triển các sản phẩm mới. SV cũng sẽ có cơ hội vừa tham gia vào quá trình thực hành vừa xây dựng và phát triển các mối quan hệ và tham gia vào các chương trình do doanh nghiệp khởi xướng.

Không gian sáng chế cung cấp nguồn lực cho giảng viên và SV với các phương tiện nhằm tiếp cận với máy móc và vật tư để thực hiện các dự án và triển khai các môn học; tạo ảnh hưởng nhằm thúc đẩy việc kiến tạo văn hóa đổi mới, các kỹ năng nghề nghiệp, sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp; cung cấp không gian cho các cuộc thi mà doanh nghiệp khởi xướng dành cho SV.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, đối với việc xây dựng văn hóa khởi nghiệp sáng tạo cho SV, “cần nâng cao và tạo môi trường khởi nghiệp cho SV, nhưng đừng quá sốt ruột, bởi khởi nghiệp không phải là một phong trào”.

Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định: “Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, Đà Nẵng sẽ tăng cường công tác truyền thông cho hoạt động khởi sự kinh doanh để nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là thế hệ HS, SV, để lớp trẻ quyết tâm khởi nghiệp và xem khởi nghiệp là vấn đề tự thân của mỗi người”.

Thời gian tới, DNES sẽ đến các trường ĐH, CĐ trên địa bàn để chia sẻ và giúp đỡ việc phát triển ý tưởng trong SV. Đây chính là những “hạt giống” triển vọng của vườn ươm, doanh nghiệp trong tương lai.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiêp đến năm 2025. Đề án nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HS, SV trong thời gian học tập tại các nhà trường. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HS, SV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho HS, SV sau khi tốt nghiệp.

Theo đó, đến năm 2020, có 100% các ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ HS, SV khởi nghiệp; có ít nhất 90% HS, SV của các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ, trường trung cấp, trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.