(GD&TĐ) - Trong chuyến công tác tại TP Quy Nhơn, chúng tôi đã có dịp gặp và làm việc cùng các thành viên Hội Gặp gỡ Việt Nam (Hội GGVN), trong đó, có các tình nguyện viên của chương trình “Bàn tay nặn bột” là các giáo sư, tiến sĩ đến từ Cộng hòa Pháp.
Trần Thanh Sơn – Giảng viên trẻ của khoa Nông – Lâm – Ngư Trường Đại học Quảng Bình - Nghiên cứu sinh tiến sỹ chuyên ngành Genomics tại Trung tâm nghiên cứu Tours thuộc Viện nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Pháp (INRA) là một tình nguyện viên đắc lực của chương trình phát triển phương pháp Bàn tay nặn bột tại Việt Nam từ 2008 đến nay.
Tình nguyện viên Trần Thanh Sơn |
Năm 2008, Trần Thanh Sơn bắt đầu làm tình nguyện cho Hội GGVN phụ trách chương trình phát triển phương pháp Bàn tay nặn bột (BTNB) tại Việt Nam. Hiện tại, anh đại diện cho Hội GGVN trong đề án phát triển phương pháp BTNB ở trường phổ thông của Bộ GD&ĐT.
Kể về quá trình trở thành một tình nguyện viên của chương trình BTNB, Trần Thanh Sơn thành thật chia sẻ: “Mình biết đến Hội GGVN và Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp từ trước khi sang Pháp học, lúc mà hai Hội này, đang tổ chức hội nghị khoa học, phát học bổng, xây làng SOS Đồng Hới.
Trong thời gian học ở Trường Đại học Paris-Sud 11, mình cùng với các sinh viên Việt Nam giúp Hội AEVN tổ chức hoạt động bán thiệp Noel và đồ lưu niệm để quyên tiền giúp cho các trẻ em mồ côi ở quê nhà. Lúc đó, vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc luôn đến động viên, hỏi thăm anh em sinh viên lưu học sinh Việt Nam tại Pháp.
Biết mình học ngành sư phạm ra, có hiểu biết về lý luận phương pháp dạy học và đang học về một chuyên ngành khoa học cụ thể nên vợ chồng GS Trần Thanh Vân đề nghị mình làm tình nguyện viên cho Hội GGVN”.
Càng bước dài trên con đường học tập và nghiên cứu, anh nhận thức được rằng, giáo dục và khoa học - công nghệ là nền tảng cơ bản để phát triển quốc gia trong giai đoạn hiện nay và cả trong tương lai. Muốn thực hiện được mục tiêu lớn đó, song song với các chiến lược phát triển ở thượng tầng thì phải có những chương trình ở bước nhỏ hơn, trong đó, việc làm thế nào để ươm gieo tình yêu khoa học, sự ham thích tìm tòi, khám phá của các em học sinh ngay từ lứa tuổi nhỏ là vấn đề hết sức quan trọng.
Vì vậy, Trần Thanh Sơn bộc bạch: “Hiện nay, có nhiều phương pháp dạy học tích cực nhưng phương pháp BTNB là một trong những phương pháp dạy học có thể phát triển tốt khả năng tư duy logic, ngôn ngữ, khuyến khích học sinh say mê sáng tạo, tìm tòi, khám phá kiến thức”.
Chính vì thế mà Trần Thanh Sơn muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình đồng hành với chương trình của Hội GGVN và Bộ GD&ĐT để phát triển phương pháp dạy học này tại Việt Nam. Theo Sơn nghĩ, "việc triển khai chương trình này không chỉ diễn ra ngày một ngày hai, mà nó phải là một quá trình liên tục, xuyên suốt, đồng bộ mới mang lại hiệu quả. Muốn thực hiện thành công không chỉ cần ý chí của Hội GGVN và Bộ GD&ĐT, mà phải có sự đồng thuận, ủng hộ từ đội ngũ giáo viên, phụ huynh, học sinh và của toàn xã hội”.
Chia sẻ về những công việc mình làm trong hơn 5 năm triển khai chương trình BTNB tại Việt Nam, Trần Thanh Sơn nói: “Hằng năm, vào dịp hè (độ vào đầu hoặc giữa tháng 8), mình cùng các tình nguyện viên khác là những giáo sư, tiến sĩ người Pháp sử dụng quỹ ngày nghỉ để qua Việt Nam triển khai các khóa tập huấn, hội thảo cho giáo viên, giảng viên, chuyên viên.
Tuy nhiên, để công tác triển khai tập huấn, hội thảo đạt kết quả như mong muốn, thì trước đó, các thành viên trong nhóm tình nguyện cùng các giáo sư người Pháp phải dày công nghiên cứu, biên soạn nội dung tài liệu, thiết kế chương trình tập huấn, tổ chức hội thảo. Công việc khá bề bộn nhưng cũng thật ý nghĩa”.
Chuẩn bị trở về nước sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ đạt loại xuất sắc tại Viện nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Pháp, Trần Thanh Sơn đang đứng trước nhiều sự lựa chọn. Nhưng có một điều mà anh khẳng định với chúng tôi rằng, anh sẽ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người và tiếp tục cùng Hội GGVN triển khai chương trình BTNB tại Việt Nam với vai trò của một tình nguyện viên phụ trách.
Anh tâm sự: “Ngay từ khi tham gia triển khai chương trình Bàn tay nặn bột, mình không hy vọng qua cách dạy học này có thể có thật nhiều nhà khoa học nhưng ít nhất nó cũng là một cách để học sinh học tập tích cực, say mê khám phá, biết cách giải quyết vấn đề mà cuộc sống, công việc đặt ra trong tương lai. Từ đó xã hội sẽ có nhiều cơ hội để có những nhà khoa học có tài, có đức phục vụ cho sự phát triển của đất nước như nguyện vọng đau đáu của vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân cũng như của nhiều nhà khoa học chân chính khác”.
Đại Thắng