Tuy nhiên, nhìn chung, xu thế các nước có nền giáo dục phát triển, yêu cầu đầu vào với các cơ sở giáo dục đại học thường đa dạng mà không chỉ dừng lại ở điểm số.
Đơn cử như tại Mỹ, bên cạnh điểm học tập, điểm các kỳ thi chuẩn hóa, nhiều trường, đặc biệt là các trường tốp đầu luôn yêu cầu thí sinh mô tả và có minh chứng trong hồ sơ hoạt động ngoại khóa, bài luận, thư giới thiệu, thậm chí cả khả năng tài chính…; cùng với đó là phỏng vấn trực tiếp.
Đó cũng là lý do học sinh phổ thông khi muốn có một hồ sơ “đẹp” để xin được học bổng vào đại học rất chú trọng tham gia các dự án vì cộng đồng, hay hoạt động thiện nguyện, giao lưu văn hóa…; hoặc tham gia tích cực hoạt động thể thao, nghệ thuật… Đây được coi là yếu tố quan trọng giúp nhà tuyển sinh đánh giá được tố chất của sinh viên tương lai, như năng lực lãnh đạo, sự năng động, nhiệt tình, tính sáng tạo…
Tại Việt Nam, nhiều năm trở lại đây, cùng với quy định về tự chủ tuyển sinh, phương thức tuyển sinh vào đại học ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, có thể thấy, đa số các trường (trừ trường năng khiếu) đều lựa chọn đầu vào qua điểm số (có thể là điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ ở THPT, hoặc qua điểm thi đánh giá năng lực…). Đã có nhiều ý kiến cho rằng, bất cập của việc xét tuyển chỉ bằng tổng điểm 3 môn tổ hợp xét tuyển là chỉ đánh giá được thí sinh kiến thức; trong khi đó chuẩn đầu ra của chương trình đại học lại bao gồm cả kiến thức, kỹ năng, thái độ.
Howard Garner trong thuyết đa trí tuệ đã đưa ra tám loại hình thông minh gồm: Nội tâm, giao tiếp, ngôn ngữ, logic - toán học, hình ảnh, âm nhạc, cơ thể và thiên nhiên. Trong khi đó, các bài thi chỉ có thể đánh giá được một hoặc một số loại hình trí thông minh nói trên, mà thông thường đó là về logic - toán học, ngôn ngữ. Thực tế cho thấy, nếu một người chỉ học giỏi mà thiếu các kỹ năng khác cũng khó có thể thành công trong cuộc sống. Bởi thế, thay đổi tiêu chí đầu vào đa dạng, toàn diện hơn là vấn đề được đặt ra với các trường đại học hiện nay.
Nắm bắt điều này, trong kỳ tuyển sinh năm 2022, một số trường đại học Việt Nam công bố dự kiến phương thức tuyển sinh có sự đổi mới. Như Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) ưu tiên xét tuyển thí sinh có thành tích cao về văn thể mỹ; Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) dự kiến kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh bao gồm năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn; Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) lần đầu tiên dành chỉ tiêu xét tuyển thẳng cho tài năng thể thao…
Hy vọng rằng, đây sẽ khởi đầu cho một giai đoạn đổi mới tuyển sinh mạnh mẽ trong thời gian tới. Điều này không chỉ giúp các trường tuyển chọn được sinh viên toàn diện hơn, đánh giá được đa dạng năng lực của người học, mà còn góp phần quan trọng thay đổi cả việc dạy và học ở bậc phổ thông.