Khơi đam mê với "bàn tay nặn bột"

Khơi đam mê với "bàn tay nặn bột"

(GD&TĐ) - Thực hiện Đề án phương pháp “Bàn tay nặn bột” 2011-2015 của Bộ GD&ĐT đề ra, từ năm học 2011 đến nay có 8 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm ở các trường trung học cơ sở. Điển hình là Hà Giang có tới 59 trường thí điểm với khoảng 3.000 học sinh tham gia... Các tỉnh, thành khác có khoảng 10-15 trường tham gia. Phương pháp này đã tạo được sự hứng thú cho học sinh, nâng cao hiệu quả giảng dạy các môn tự nhiên.

Tạo được sự hứng thú cho học sinh

Khi áp dụng triển khai thí điểm phương pháp “Bàn tay nặn bột”vào các trường trung học sơ sở, các thầy, cô trực tiếp giảng dạy đều khẳng định: “Bàn tay nặn bột” khiến học sinh cực kỳ hứng thú. Các em được làm việc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn và được trình bày rõ quan điểm của mình. Học bằng phương pháp này, các em có thể ghi nhớ rất nhanh kiến thức ngay trên lớp và biết vận dụng vào cuộc sống.

Sau 2 năm triển khai thí điểm tại các trường trung học cơ sở của 8 tỉnh, thành phố trên cả nước trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015, phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã đem lại nhiều kết quả tốt trong quá trình dạy và học. Theo sở GD&ĐT Bình Định, tỉnh đã triển khai thí điểm 81/148 trường trung học cơ sở (1399 học sinh) với mỗi tuần 2 tiết, kết quả: giáo viên luôn chuẩn bị tâm thế một cách sẵn sàng còn học sinh rất hứng thú trong học tập. 

Cô giáo Bùi Thị Thủy, Trường THCS Cuối Hạ (Kim Bôi, Hòa Bình) nhận xét: “Thực tế dạy học với phương pháp “Bàn tay nặn bột”, chúng tôi đều thấy rõ tính tích cực trong học sinh. Phương pháp này giúp học sinh  tiếp thu chủ động, vận dụng kiến thức vào cuộc sống, phát triển kỹ năng thực hành, thí nghiệm, khả năng quan sát, sáng tạo, tính độc lập khoa học, khả năng tự học và hợp tác theo nhóm”.

Cô giáo Tạ Thị Huế - hiệu trưởng Trường THCS Phường 4, thành phố Cà Mau, cũng cho biết: “Phương pháp này đã đem lại hiệu quả tích cực, giúp học sinh chủ động làm việc theo nhóm trong các tiết học còn giáo viên đóng vai trò giúp đỡ, chỉ đường cho các em đi đúng hướng. Với cách này, mỗi nhóm có thể tìm một hướng đi khác nhau, có những giả thiết khác nhau và dĩ nhiên có em đi sai đường, có em tìm ra kết quả đúng... Nhưng dù thế nào thì các em sẽ nắm bài sâu hơn, chắc chắn hơn khi được tự nghĩ, tự quan sát và chủ động trong mọi tình huống”.

Khơi đam mê với "bàn tay nặn bột" ảnh 1
Cô và trò cùng dạy - học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”

Thầy giáo Nguyễn Văn Cần – Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế, người trực tiếp tham gia tổ chức và giảng dạy cho biết: “Phương pháp này giúp cho giáo viên giống như người bảo trợ khoa học, có vai trò dẫn dắt học sinh đi đúng hướng và tìm ra kết luận của bài học. Còn học sinh tự tin, mạnh dạn đưa ra các ý kiến của mình, chủ động ghi lại suy nghĩ, dự đoán, giải thích, hiện tượng thí nghiệm, phát huy tích cực tính sáng tạo trong học tập”.

Vướng nhiều khó khăn

Từ thực tiễn triển khai, các giáo viên đã nêu ra những khó khăn như cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu thốn, chưa đồng bộ, phòng học chật chội, sĩ số lớp quá đông, bàn ghế không đạt yêu cầu để tổ chức nhóm học và trình bày thí nghiệm; Thầy cô giáo dạy theo phương pháp này rất ngại đánh giá, kiểm tra chuyên môn; thời lượng 45 phút/tiết không đủ; Dạy theo chương trình sách giáo khoa hiện tại quá nặng về cung cấp kiến thức nên rất khó để vừa chạy hết chương trình vừa đổi mới phương pháp...

“Bộ GD&ĐT rất ủng hộ những sáng kiến của các thầy cô. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể sử dụng kiến thức tích hợp, phối hợp nhiều phương pháp và có quyền sắp xếp, thiết kế thời gian, kế hoạch dạy phù hợp với điều kiện, thời gian chứ không nhất thiết phải đi theo bài, tiết. Phương pháp này không bắt buộc giáo viên dạy toàn bộ những kiến thức trên lớp mà cần hướng dẫn học sinh tự chuẩn bị bài và làm bài ở nhà. Điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp còn khó khăn giáo viên và học sinh có thể khắc phục bằng cách tìm tòi hoặc tự làm các thiết bị tí nghiệm đơn giản. Và để nâng cao năng lực giáo viên, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn giáo viên dạy theo phương pháp này” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Theo các chuyên viên Sở GD&ĐT Hòa Bình, hiện nay các trường bàn ghế bố trí theo dãy không thuận lợi, diện tích phòng học quá hẹp (42m2 - 45m2) để tổ chức thảo luận… Hầu hết các trường  không có phòng thí nghiệm, hoặc có thì dụng cụ thí nghiệm chưa đầy đủ. Học sinh lần đầu được học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” còn bỡ ngỡ. Số lượng học sinh trong một lớp quá đông (hơn 40 em), trong khi đó theo phương pháp chỉ từ 25 – 30 em.

Đại diện sở GD - ĐT Ninh Bình, Còn thầy Phạm Đức Hà - giáo viên Hoá trường Trung học cơ sở Quang Trung (Ninh Bình) cho biết: “Khi triển khai, áp dụng phương pháp này, chúng tôi bị thiếu thời gian thử nghiệm và cần thêm tiết để thực hiện. Việc thêm, bớt tiết rất khó. Nếu chỉ dạy thời lượng là 1 tiết trong 45 phút với chương trình hiện nay thì không thể dạy được”.

Cô Tạ Thị Huế - Hiệu trưởng trường trung học sơ sở Phường 4 - thành phố Cà Mau cho rằng: “Thiết bị thí nghiệm hiện có chất lượng không đảm bảo, độ chính xác không cao nên rất khó khi học sinh tự làm thí nghiệm”.

Khó khăn hơn cả hiện nay là năng lực của giáo viên chưa phát huy hiệu quả; sự hợp tác của học sinh chưa cao. Nhiều giáo viên còn dè dặt khi tổ chức, khả năng giảng dạy còn hạn chế mặc dù đã được tập huấn nhiều lần, một số em chưa dám đề xuất câu hỏi. 

Tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Đức, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD - ĐT, cũng cảnh báo: “Thực tế kiểm tra thấy có nhiều thầy cô giáo chưa dạy đúng tinh thần của “Bàn tay nặn bột”. 

Những sáng kiến

Phương pháp “bàn tay nặn bột” được đánh giá là cách dạy hiệu quả cao nếu được đáp ứng điều kiện trong giảng dạy. Hầu hết đề xuất cho rằng, cần lại sách giáo khoa để phù hợp với phương pháp này; giảm số lượng học sinh trong một lớp; cần tổ chức nhiều lớp tập huấn cho giáo viên làm quen, rút kinh nghiệm...

Thầy giáo Nguyễn Văn Cần, Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, đã đề xuất: Sắp xếp lại trình tự kiến thức và chủ động điều chỉnh thời lượng dạy lý thuyết và thực hành. Đồng thời có thể dạy lồng ghép ba bài vào một chuyên đề. Cách sử dụng linh hoạt các tiết học có thể giải quyết được vướng mắc của việc thiếu thời lượng khi triển khai phương pháp “Bàn tay nặn bột”.

Thầy Phạm Đức Hà - giáo viên Hoá trường Trung học cơ sở Quang Trung (Ninh Bình) đưa ra phương án:  “Bộ GD&ĐT cho phép giáo viên sáng tạo, linh động nội dung chương trình, khoán cho mỗi đơn vị kiến thức chứ  không khống chế trong một tiết dạy”.

Nguồn gốc của phương pháp 

* Phương pháp “Bàn tay nặn bột” là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên. “Bàn tay nặn bột” chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời  cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra...

* Mục tiêu của “Bàn tay nặn bột” là tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá, yêu và say mê khoa học của học sinh. Ngoài việc chú trọng đến kiến thức khoa học, “Bàn tay nặn bột” còn chú ý nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho học sinh. Dựa trên các thí nghiệm và nghiên cứu cho phép giáo viên hiểu rõ hơn cách thức mà học sinh tiếp thu các kiến thức khoa học, hay nói cách khác là hướng dẫn tự học và hướng dẫn cách nghiên cứu khoa học cho học sinh.

Phạm Thị Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ