Khỏe từ bên trong

GD&TĐ - Việt Nam có 240 trường ĐH, học viện (không tính 31 trường thuộc Bộ Công an, Quốc phòng), 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 31 trường CĐ sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ GD&ĐT, đến ngày 30/9, cả nước có 145 cơ sở giáo dục ĐH, 9 trường CĐ sư phạm được công nhận đạt chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước; 7 cơ sở giáo dục ĐH được đánh giá đạt chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài; 125 chương trình đào tạo được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước, 195 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài. Với 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, trong bối cảnh dịch Covid-19, con số nói trên thực sự là một cố gắng lớn, đáng khích lệ của giáo dục ĐH nước ta. 

Những năm qua, công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH luôn được quan tâm. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục từng bước hoàn thiện, góp phần quan trọng hình thành, phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam. Trong đó, các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đối với giáo dục ĐH đã được ban hành theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn đánh giá của Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường ĐH ASEAN (AUN-QA). Các cơ sở giáo dục ĐH đã có bộ phận chuyên trách làm công tác bảo đảm chất lượng giáo dục, tham mưu cho lãnh đạo nhà trường thực hiện các hoạt động liên quan đến bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục tùy theo điều kiện thực tế của nhà trường. Nhận thức về chất lượng ngày càng được tăng cường, việc xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng bên trong của các cơ sở giáo dục được chú trọng…

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở giáo dục tích cực trong công tác bảo đảm chất lượng giáo dục, đâu đó vẫn có trường không thực hiện biện pháp tự đánh giá định kỳ, thường xuyên mà chờ gần đến đợt kiểm định mới tự đánh giá nên còn mang tính đối phó. Một số đơn vị sau khi hoàn thành công tác kiểm định cũng không thực sự lưu ý cải tiến theo các khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đưa khuyến nghị cho vấn đề này, PGS.TS Đinh Thành Việt - Trưởng ban Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Đà Nẵng – nhấn mạnh: Cơ sở giáo dục phải tự mình nâng cao chất lượng; củng cố tốt hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; áp dụng chặt chẽ chu trình PDCA; thực hiện đối sánh và học hỏi những kinh nghiệm, mô hình, cách làm tốt của các cơ sở giáo dục có uy tín trong và ngoài nước; cải tiến chất lượng liên tục, đặc biệt là theo các khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài. Muốn có hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong được xây dựng và vận hành tốt, thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm chất lượng, đặc biệt là năng lực xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra.

Các cơ sở giáo dục ĐH cần chú trọng xây dựng và triển khai vận hành  chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra thật tốt, định hướng theo sứ mạng và tầm nhìn của nhà trường. Đồng thời, chú trọng vấn đề định kỳ rà soát chương trình đào tạo, kịp thời cập nhật tiến bộ khoa học công nghệ; chú ý đáp ứng các yêu cầu của khung trình độ quốc gia, trong đó có cả những vấn đề không đơn giản như khởi nghiệp. 

Hiện nay các cơ sở giáo dục đều tuyên bố chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo, song hầu như chưa giám sát xem người học có đạt được chuẩn hay không. Nội dung này cũng được quy định trong một số mốc chuẩn với một số tiêu chí kiểm định và mang tính giải trình tốt với xã hội về chất lượng đào tạo của chương trình. Vì vậy, thời gian tới, cơ sở giáo dục ĐH cần tổ chức đo lường đánh giá các mức độ hoàn thành chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của người học để không ngừng cải tiến điều kiện bảo đảm chất lượng, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất,... Đây là công việc không đơn giản, do đó phải có sự tập huấn, chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía  cơ sở giáo dục ĐH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ