ThS Lê Thị Hải – Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát thừa cân béo phì – Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết trí thông minh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như gene, phương pháp GD, chế độ dinh dưỡng… Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại cho rằng “ăn gì bổ nấy” nên tìm mọi cách nhồi nhét cho con. Chị Hạnh Dung – làm việc tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (phố Thái Hà – Hà Nội) cho biết cứ cách một ngày chị lại cho con trai (đang học lớp 3) ăn một bộ óc lợn vì chị cho rằng ăn như vậy sẽ giúp con chị tăng trí nhớ (!). Thực tế, trong 100g óc lợn chứa lượng cholesteron gấp 8 lần nhu cầu hàng ngày của cơ thể, nếu ăn liên tục không chỉ gây đầy bụng khó tiêu, mà còn có hại cho sức khỏe. Chưa kể, trong óc lợn có khả năng chứa nhiều mầm bệnh, nếu chỉ được chế biến bằng cách trần tái sẽ không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Hoạt động thể chất rất quan trọng đối với lứa tuổi học đường |
Bữa sáng của Tuấn Anh – HS lớp 4 Trường tiểu học Quang Trung (Hà Nội) thường chỉ là hai cái bánh quy nhỏ và một hộp sữa tươi vì bố mẹ Tuấn Anh đều phải đi làm sớm nên không có thời gian cho em ăn sáng. Mặt khác, mẹ của Tuấn Anh cho rằng sữa là thực phẩm đầy đủ chất dinh dưỡng nên hoàn toàn có thể thay thế một bữa sáng. Trong cặp của cậu học trò này cũng luôn có 1 – 2 gói bim bim nhỏ để “chống đói”. Chính vì cách ăn uống như vậy nên chưa hết giờ học Tuấn Anh đã cảm thấy đói, mệt mỏi, nhất là những hôm có tiết thể dục, trong khi thân hình của em lại có vẻ to béo hơn nhiều bạn trong lớp. Theo bác sĩ Lê Thị Hải, mặc dù trong sữa có nhiều chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể nhưng một hộp sữa không thể cung cấp đủ năng lượng để cơ thể trẻ hoạt động từ sáng đến trưa nên không thể thay thế một bữa ăn chính (bữa sáng). Bên cạnh đó, không nên uống sữa khi đang đói vì cơ thể sẽ không thể hấp thu được hết những chất dinh dưỡng có trong sữa. Thế nhưng, không ít bậc phụ huynh có suy nghĩ giống như bố mẹ của Tuấn Anh, hoặc cho rằng ăn bữa sáng có nhiều tinh bột (như cháo, bún, phở...) sẽ làm trẻ dễ béo phì, nhất là với những ông bố bà mẹ có con hơi thừa cân.
Bác sĩ Hải cho rằng bữa sáng rất quan trọng, vì sau một đêm dài, bữa sáng là thời điểm cơ thể nạp năng lượng để chuẩn bị cho một ngày làm việc, giúp cho bộ óc hoạt động minh mẫn. Vậy mà chuyện bỏ bữa sáng lại xảy ra ở không ít HS, nhất là HS cấp THCS, THPT, khi các em đã được bố mẹ cho một khoản tiền nhất định hàng tháng để ăn sáng, tiêu vặt. Một điều đáng lưu ý là sau một thời gian bỏ bữa sáng, cơ thể sẽ trở nên thích ứng nên không còn cảm giác đói, nhưng thực tế, những người không ăn sáng sẽ nhanh mệt mỏi, hoạt động trí óc không hiệu quả, trí nhớ giảm sút. Đó là chưa kể nhịn ăn sáng thường xuyên dễ dẫn đến đau dạ dày và nhiều bệnh tật khác.
Lứa tuổi học đường cần phải có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ các chất vì đang trong giai đoạn cơ thể phát triển. Bữa ăn nên bao gồm các chất như sữa và các thức ăn làm từ sữa; ngũ cốc, tinh bột (gồm các sản phẩm như bánh mì, cơm, các loại đậu…); các loại thịt (như thịt lợn, bò, gà, cá… ); các loại rau, quả, củ; dầu thực vật... Để cơ thể nhận đủ năng lượng thì ngoài 3 bữa chính với đầy đủ các nhóm thực phẩm, nên ăn thêm các bữa phụ gồm sữa, sữa chua, hoa quả...; các loại chè, bánh ngọt thì cần ăn có mức độ. Đặc biệt, trước những kì thi, khi cơ thể phải học tập căng thẳng, mệt mỏi, cần bổ sung các chất bổ dưỡng, có lợi cho hoạt động trí não và nhất thiết không được bỏ bữa. Với lứa tuổi học đường, các thực phẩm có chứa nhiều acid glutamic, acid béo không no, kẽm, sắt, i-ốt, đạm… rất có lợi cho trí não, những chất này có nhiều trong cá, nhất là cá biển, dầu thực vật, thịt, trứng, thủy hải sản, những loại rau củ quả có màu vàng, đỏ...
Phải có thể chất và tinh thần khỏe mạnh mới có thể học tốt |
Nhu cầu năng lượng theo lứa tuổi: 4 – 6 tuổi: cần 1500 – 1600 kcal/ngày; 7 – 9 tuổi: cần 1700 – 1800 kcal/ngày; 10 – 12 tuổi: con trai cần 2100 kcal/ngày, con gái cần 2000 kcal/ngày; 13 – 15 tuổi: con trai cần 2600 kcal/ngày, con gái cần 2200 kcal/ngày; 16 – 18 tuổi: con trai cần 2900 kcal/ngày, con gái cần 2240 kcal/ngày. |
* Bí quyết để học “vào”
Ngoài một chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khoẻ, muốn học tập có hiệu quả, cần nắm vững “đồng hồ sinh học” của cơ thể cũng như quy luật của bộ não. Ở lứa tuổi tiểu học, nhiều HS bị bố mẹ “ốp” học rất khuya, hoặc ăn cơm tối xong là bắt ngồi vào bàn học. Trong khi đó, không nên để trẻ thức quá 10 giờ đêm vì vào thời điểm đó, cơ thể cần nghỉ ngơi, đầu óc đã bão hoà nên dù tiếp tục học cũng không thể tiếp thu thêm được hoặc tiếp thu rất hạn chế.
Đức Phương – HS Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) than phiền trước mỗi kỳ thi, em hay dùng trà đặc, cà phê đặc để chống lại cơn buồn ngủ, để có nhiều thời gian học ôn hơn nhưng em học thuộc rất khó khăn và học rồi mau quên. Phương không biết rằng trong trà hay cà phê đều có chứa các chất kích thích, nếu dùng nhiều sẽ gây bồn chồn, lo âu, nóng nảy, đứng ngồi không yên. Đó là chưa kể nếu uống nhiều cà phê sẽ làm giảm lượng máu lên não khiến tế bào thần kinh thiếu oxy và hoạt động không tốt, trí nhớ suy giảm... Mặt khác, cũng không nên ép mình học khi cơ thể đã thấy mệt mỏi, nhức đầu, buồn ngủ... vì khi đó, có học cũng không vào.
Việc nắm vững quy luật của bộ não rất quan trọng nếu muốn học tập, làm việc có hiệu quả cao. Nhiều HS giỏi khi chia sẻ bí quyết thành công trong học tập đều cho rằng muốn học tốt cần hiểu bài ngay trên lớp, và “học bài nào xào bài ấy”. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được nếu phân tích dưới góc độ khoa học, vì những điều “mắt thấy tai nghe” bao giờ cũng nhớ lâu nhất. Thêm vào đó, cùng một lượng kiến thức nhưng nếu chia nhỏ ra, mỗi ngày học một ít, học đều đặn hàng ngày chắc chắn sẽ tiếp thu hiệu quả hơn là dồn lại học một lúc, theo kiểu “no dồn đói góp”. Bên cạnh đó, khi đã ngồi vào bàn học thì nên tập trung cao độ, không nên vừa xem TV, hoặc vừa nghe nhạc vừa học vì nếu bộ não phải phân ra làm 2 việc một lúc thì sẽ không thể làm chính xác và hiệu quả như chỉ chuyên tâm vào một việc.
Một quy luật khác của bộ não cũng cần lưu ý là trí óc chỉ hoạt động được hiệu quả trong vòng 45 phút – 1 tiếng, với trẻ ở lứa tuổi tiểu học thì có khi khoảng thời gian trí óc có thể làm việc tập trung còn ít hơn. Vì thế, sau quãng thời gian này, cần thư giãn, nghỉ ngơi khoảng 10 – 15 phút rồi mới tiếp tục ngồi vào bàn học. Cách giải lao hiệu quả là nghe nhạc cho thư giãn đầu óc, đứng lên đi lại, làm vài động tác thể dục (nhưng cần tránh vận động thể lực mạnh vì sẽ tiêu hao nhiều năng lượng).
Ngoài thời gian học tập, HS cần tăng cường vận động để đảm bảo sức khỏe |
* Rối nhiễu tâm trí vì học
Thời gian gần đây, Diệu Hồng, HS Trường THPT Quang Trung (Hà Nội) thỉnh thoảng lại bị những cơn đau bụng hành hạ. Lúc đầu, cơn đau chỉ lâm râm, nhưng sau đó thì cấp độ tăng dần, nhiều khi còn kèm theo nôn mửa, đi ngoài, chóng mặt, nhức đầu. Điều lạ là mặc dù mẹ em đã đưa em đi khám nhiều lần, từ siêu âm, xét nghiệm máu, nước tiểu, thậm chí chụp X-quang, nội soi nhưng đều không tìm ra nguyên nhân vì kết quả đều bình thường, không phát hiện thấy có tổn thương thực thể nào. Mẹ Hồng để ý thì nhận thấy rằng Hồng chỉ bị như vậy trước mỗi kì kiểm tra, kì thi nên thử đưa em đến bác sĩ tâm lý. Đến lúc này nguyên nhân gây ra những cơn đau của Diệu Hồng mới được tìm ra – đó chính là stress!
Mẹ Hồng cho biết trước đây chị vẫn cho rằng stress chỉ gặp ở người lớn. Thế nhưng, qua giảng giải của bác sĩ, chị mới hiểu rằng trẻ em cũng dễ bị stress, nếu một thời gian dài luôn lo lắng, căng thẳng vì chuyện học hành, nhất là khi gần đến kì thi. Stress là một trong những dạng thức của một hội chứng gặp ở không ít HS hiện nay: rối nhiễu tâm trí! Nhiều HS còn bị rối nhiễu tâm trí vì sợ bị điểm kém, sợ bị tụt thứ hạng trong lớp, vì không thích nghi được với môi trường mới (do chuyển lớp, chuyển trường). Đáng lu ý là ngày càng có nhiều trẻ em bị rối nhiễu tâm trí do phải chịu áp lực quá lớn từ sự kì vọng của bố mẹ, do bị bắt ép học những thứ mà trẻ không thích hoặc phải học quá nhiều.
Tiến sĩ tâm lý Trương Thị Bích Hà cho biết bà đã từng gặp trường hợp (là HS một trường THCS) gọi điện đến trung tâm tư vấn tâm sự mỗi ngày đến trường em đều cảm thấy rất nặng nề, đầy lo lắng vì chỉ sợ hôm đó nhận điểm thấp (dưới 8) về bố sẽ mắng, thậm chí là đánh đòn. Bố mẹ chỉ có một mình em nên rất kì vọng vào em, không bắt em phải làm bất cứ việc nhà nào nhưng bù lại, bắt em học tối ngày, hết học ở trường lại đi học thêm, về nhà còn học gia sư. Thứ 7, chủ nhật em cũng phải đi học thêm tiếng Anh, học nhạc... nên không có thời gian để tự do thư giãn, nghỉ ngơi theo ý mình. Năm nay, bố mẹ đặt cho em mục tiêu lên cấp THPT phải thi đỗ vào lớp chuyên Anh, trong khi em học ngoại ngữ rất bình thường, vì thế em cảm thấy rất lo lắng, sợ hãi đến mức thường xuyên bị mất ngủ, hoa mắt, chóng mặt, sút cân...
Thực tế, nhiều bậc phụ huynh không ý thức được rằng chính sự kì vọng của họ vào con mình tạo ra những biểu hiện bất thường ở trẻ như đau bụng, buồn nôn, đái dầm (dù trước đó, trẻ đã hết đái dầm từ lâu), hoặc tỏ ra bướng bỉnh, khó bảo, thậm chí có những phản kháng rất mạnh như la hét, gào thét khi tỏ ý không bằng lòng. Một số trẻ thì trở nên chậm chạp, trí nhớ giảm sút, khó tập trung chú ý, xao nhãng, thờ ơ với mọi việc xung quanh... Nguy hiểm hơn, tình trạng rối nhiễu tâm trí nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, những đứa trẻ đó sau này dễ trở thành người hay bi quan, chán nản, tự ti, triệt tiêu ý muốn phấn đấu...
* Phải khoẻ cả thể chất và tinh thần
Để có thể học tập hiệu quả, lứa tuổi học đường rất cần sự khoẻ mạnh cả ở thể chất và tinh thần. Sự khoẻ mạnh ấy đến từ một chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với cách học tập khoa học, xác định những mục tiêu vừa sức để luôn tạo tâm lý thoải mái cho trẻ. Theo TS Trương Thị Bích Hà, do hầu hết các gia đình hiện nay chỉ có 1 – 2 con, mặt khác sự phát triển của kinh tế - xã hội cũng tạo nên sự ganh đua rất lớn và áp lực về việc làm nên nhiều bậc phụ huynh đặt ra những mục tiêu cao siêu và bắt con phải thực hiện bằng được mà không quan tâm đến năng lực, sở thích của con mình. Tuy vậy, nếu trẻ học với tâm lý không thoải mái, hiệu quả học tập sẽ không cao, thậm chí khiến trẻ bị rối nhiễu tâm trí vì áp lực phải đạt được mong muốn của bố mẹ.
Bên cạnh đó, cũng không ít ông bố bà mẹ muốn con mình cái gì cũng biết nên bắt con học đủ thứ mà không ý thức được rằng “nhồi nhét” cho trẻ quá nhiều thứ sẽ khiến cho đứa trẻ bị “bội thực”, tất yếu dẫn đến những phản kháng, hậu quả khôn lường. Nhưng điều đáng nói là phản ứng của nhiều phụ huynh khi thấy con tỏ ra bướng bỉnh, không nghe lời, bị điểm kém... là mắng nhiếc, đay nghiến, cho rằng con lười biếng, ích kỉ mà không nhận ra rằng chính họ đã khiến các em luôn phải đối mặt với nỗi lo lắng, sợ hãi trong quá trình học tập. Nghiên cứu cho thấy, ở lứa tuổi học đường, rối nhiễu tâm trí là nguyên nhân chính làm giảm sút chất lượng đào tạo, tăng tỉ lệ bỏ học, và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng tự tử trong học sinh.
Theo một nghiên cứu khác, 63% các bà mẹ Việt Nam cho biết hoạt động chủ yếu của con họ hàng ngày là học ở trường, học thêm, rồi làm bài tập ở nhà. Với lứa tuổi học đường, một thời khoá biểu như vậy sẽ làm cản trở sự phát triển khoẻ mạnh về thể chất của trẻ, đó là chưa nói đến việc học hành suốt ngày mà không có thời gian nghỉ ngơi sẽ khiến trẻ rệu rã cả về tinh thần.
Chính vì vậy, cần xây dựng cho trẻ một thời khoá biểu hợp lý, cân bằng giữa học – chơi, phù hợp với lứa tuổi, bên cạnh một chế độ dinh dưỡng đầy đủ để giúp trẻ có một tinh thần và thể chất khoẻ mạnh. Cần đặc biệt lưu ý giai đoạn thi cử, vào năm học cuối cấp..., vì ở những thời điểm này, nếu không được nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống điều độ, trẻ sẽ dễ dàng bị căng thẳng thần kinh, rối nhiễu tâm trí.
Với trẻ em thành phố, thư giãn nhiều khi được hiểu là chơi game, xem TV, lướt mạng... và chính những hoạt động này góp phần vào nguyên nhân ngày càng nhiều HS ở khu vực thành thị bị cận thị, hay béo phì vì quá ít vận động. Theo TS tâm lý Lã Thị Bưởi, tạo “sân chơi” cho trẻ thành phố không nên hiểu đơn thuần là tạo ra những khoảng không gian rộng để trẻ có thể chạy nhảy, chơi đùa mà có thể tổ chức cho các em những trò chơi trí tuệ, vận động tại chỗ. Những hoạt động này sẽ giúp trẻ giảm bớt áp lực trong học tập.
Tuy nhiên, có một thực tế là một bộ phận HS chịu đựng được những áp lực học tập nhiều hơn những HS khác. TS Trương Thị Bích Hà cho rằng có thể giúp trẻ làm quen với áp lực một cách từ từ với mức độ tăng dần. Như vậy, trẻ sẽ ngày càng chịu được áp lực lớn hơn, nhờ rèn luyện. Điều này cũng giúp ích rất lớn cho trẻ sau này, khi các em bước vào đời vì khi đó, các em sẽ chịu đựng được cường độ làm việc cao. Việc dạy trẻ xử lý tình huống nếu gặp phải vấn đề khó khăn cũng rất quan trọng vì nó sẽ giúp trẻ thoát ra khỏi sự căng thẳng một cách dễ dàng, ít để dẫn đến sự rối nhiễu tâm trí. Bên cạnh đó, việc tạo cho trẻ thói quen học tập khoa học, không để sát kỳ thi mới nhồi nhét kiến thức cũng giúp trẻ giảm bớt áp lực trước mỗi kỳ thi.
Mỹ Thuận