Khoe bảng điểm của con trên mạng xã hội: Cần xử sự hợp tình, hợp lý

GD&TĐ - Kết thúc năm học cũng là thời điểm Facebook, Zalo của nhiều phụ huynh ngập tràn thành tích học tập của con.

Các bậc cha mẹ cần tránh cho học sinh những áp lực không đáng có trong học tập. Ảnh: IT
Các bậc cha mẹ cần tránh cho học sinh những áp lực không đáng có trong học tập. Ảnh: IT

Đằng sau những điểm số đẹp như mơ là hàng dài các bình luận, chúc mừng, tán tụng… khiến phụ huynh “nở mày nở mặt”. Song động viên, khuyến khích trẻ ra sao cho đúng cách, tránh áp lực học tập vô hình thì không phải phụ huynh nào cũng biết. 

Ngậm ngùi “con người ta”

Chia sẻ quan điểm về vấn đề phụ huynh đưa điểm số của con lên Facebook, Zalo, cô Nguyễn Thị Khánh, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội), trao đổi: Không ai cấm phụ huynh đưa điểm số của con mình lên mạng. Nhất là khi con có học lực tốt thì sự tự hào là chuyện đương nhiên, bình thường. Tuy nhiên điều đáng nói, đi kèm cạnh điểm số còn vô vàn lời chúc “có cánh”, sự khoe khoang quá đà và không nói có phần “lố” của phụ huynh. Bản thân đứa trẻ có thành tích cao được phụ huynh đưa lên mạng cũng chưa chắc thích được “tuyên dương” kiểu ấy, thậm chí nhiều em thấy ngại.

Nguyễn Ngọc Khanh (Đống Đa, Hà Nội) học sinh lớp 10, chia sẻ: Mẹ kết bạn Facebook, Zalo với một số phụ huynh cùng lớp. Mỗi kỳ thi hoặc kiểm tra học kỳ… nếu điểm số các bạn được bố mẹ đưa lên cao hơn thì mẹ lại nói gần nói xa, đặt câu hỏi vì sao không học giỏi như các bạn? Vì sao không cố gắng nỗ lực… Thậm chí cháu “thuộc lòng” câu nói “Con người ta học tốt thế. Con học làm sao để bố mẹ được ngẩng đầu với người xung quanh…”. Cháu thực sự đã cố gắng hết sức nhưng không thể có kết quả tốt hơn. Không chỉ thấy bố mẹ không hiểu, mà những áp lực vô hình luôn đè nặng lên tư tưởng bản thân.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều phụ huynh có sở thích khoe thành tích học tập của con lên mạng xã hội. Họp phụ huynh vừa dứt thì bảng điểm, giấy khen… cũng cập nhật. Nhiều ý kiến cho rằng, sự phô bày này một phần để động viên con còn cơ bản muốn “thông báo” cho mọi người biết con mình học giỏi thế nào và ngầm đưa ra thông điệp “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, thành tích của con được xem như trang sức của gia đình, bố mẹ. Và không loại trừ trường hợp những phụ huynh có con học chưa giỏi khi nhìn vào sẽ so bì, chì chiết, dồn bực bội lên đầu con trẻ…

Về vấn đề này, Trần Ngọc Diệp lớp 9, Trường THCS Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ suy nghĩ: Em không thích bố mẹ đưa điểm số lên mạng xã hội. Nhiều bố mẹ nhìn thấy điểm số của bạn không bằng sẽ so sánh, mắng mỏ, hoặc nói “mát mẻ”. Bản thân cũng ngại với các bạn, vì mình như nguyên nhân của những mắng mỏ các bạn phải chịu. Hơn thế, em cũng chịu áp lực lớn với sự kỳ vọng của bố mẹ phải giỏi hơn theo từng năm.

Tâm lý người phương Đông luôn yêu quý, theo dõi sự trưởng thành của con cháu sát sao. Kết quả học tập tốt cũng trở thành niềm tự hào của mỗi gia đình, dòng họ, bố mẹ. Do đó, việc đưa thành tích của trẻ lên mạng xã hội không khó hiểu và hiện cũng không ai cấm gia đình, phụ huynh làm việc này. Chia sẻ quan điểm, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), đồng thời nhìn nhận: Thế nhưng, các bậc phụ huynh cần có cách hành xử văn hóa, văn minh, thấu hiểu nhất trong việc đưa thành tích lên mạng xã hội để bảo đảm các em được động viên khích lệ tinh thần thay vì đối diện áp lực vô hình, ảnh hưởng tới tâm lý, suy nghĩ, kết quả học tập sau này.

Cha mẹ đưa thành tích con lên mạng xã hội cần hết sức cẩn trọng. Ảnh: IT
Cha mẹ đưa thành tích con lên mạng xã hội cần hết sức cẩn trọng. Ảnh: IT

Không nên so sánh

Động viên con cái trong việc học tập là việc cần và nên làm thường xuyên. Song cách thức ra sao cho phù hợp lại là vấn đề phụ huynh cần cân nhắc cho phù hợp hiệu quả.

Cô Nguyễn Thị Khánh trao đổi: Tránh tình trạng đưa thành tích học tập lên mạng xã hội với những lời khen ngợi bay bổng, thái quá khiến các em ngại hơn vui. Đặc biệt, phụ huynh cũng không nên coi thành tích của con như “chiến công”, thành công của bố mẹ, gia đình. Bố mẹ có thể tự hào về thành tích đó, nhưng hãy lấy thành tích đó để động viên khuyến khích, giúp con thấy được học tập và đạt kết quả tốt là mục đích tự thân, cho mình và vì mình chứ không cho bố mẹ.

Phụ huynh cần dùng lời lẽ khiêm tốn để động viên khuyến khích và hơn thế có thể phân tích trao đổi để con hiểu rằng kết quả học tập này đã là tốt nhưng so với nhiều bạn giỏi hơn thì vẫn cần phấn đấu, hoàn thiện hơn.

Trên thực tế, nhiều học sinh học tốt, kết quả học tập cao nhưng các kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ mình, hành vi ứng xử với bạn bè, thầy cô, tham gia hoạt động tập thể trường, lớp… vẫn chưa tốt. Gia đình, bố mẹ cần có cái nhìn thận trọng, bình tĩnh và gương mẫu để con cái sửa chữa, hoàn thiện bản thân hơn thay vì lấy thành tích để tự hào với bạn bè, người thân trên mạng xã hội.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng đặc biệt khuyến cáo, khi phụ huynh khuyến khích động viên trẻ trên mạng xã hội cần có lời lẽ khiêm tốn, đúng mực. Tránh tình trạng đẩy những học sinh, phụ huynh có con chưa đạt được kết quả cao gặp áp lực, so bì, ngậm ngùi… Còn với các phụ huynh khác, dù thấy kết quả học tập của học sinh khác cao hơn con em mình cũng nên khéo léo động viên. Đừng so sánh con mình với “con nhà người ta”. Quan trọng là trẻ đã đạt được mức độ nào? Cố gắng hết sức chưa? Từ đó tìm giải pháp, phương hướng hỗ trợ để trẻ dần tiến bộ.

Điểm số cao của học sinh ở những thời điểm khác nhau chưa nói lên sự thành công hay thất bại ở phía trước. Nhiều học sinh từng học giỏi nhưng bước vào cuộc sống chưa chắc đã thành công 100%. Nhiều trẻ kết quả học tập chưa cao nhưng có sự nỗ lực, khắc phục điểm yếu đã tiến bộ và thành công trong cuộc sống sau này. Do đó, cha mẹ hãy hiểu biết để động viên khuyến khích trẻ học tập, phát triển một cách khoa học, đúng đắn và hiệu quả nhất. - PGS.TS Trần Thị Minh Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ