Khóc cười chuyện khoe con

Khóc cười chuyện khoe con

Chính vì thế, cộng thêm tình yêu con, muốn khoe con của các bậc cha mẹ mà tần suất hình ảnh, video clip của các nhóc tì xuất hiện ngày càng dày đặc trên các trang mạng xã hội.

Từ lưu giữ kỷ niệm đến những pha “khóc không thành tiếng”

Xuất phát từ sở thích chính đáng muốn lưu giữ những khoảnh khắc đáng yêu của con lúc mới chào đời cho đến khi trưởng thành, các bậc phụ huynh không ngần ngại đăng tải ảnh cũng như viết những dòng status tâm huyết tâm sự về bé yêu.

Công phu hơn, có ông bố bà mẹ còn đầu tư thời gian quay những clip sinh động lúc con đang tập đi, tập nói hoặc biểu diễn văn nghệ… Chuyện một em bé mới chào đời đã có hẳn một trang Facebook hoặc fanpage riêng không còn là chuyện hiếm.

Anh Hoàng Nguyên (quận 7, TPHCM) vui vẻ cho biết: “Tôi muốn đăng thật nhiều ảnh con mình lên mạng xã hội để bạn bè, người thân có thể cùng chia sẻ, đồng thời lưu giữ lại từng khoảnh khắc lớn lên của con, những khoảnh khắc đó chỉ xuất hiện một lần trong đời, nếu không ghi lại thì sẽ rất tiếc”.

Cùng tâm trạng như anh Nguyên, vợ chồng chị An Yên (quận 2, TPHCM) vừa chào đón thiên thần nhỏ đầu tiên của mình. Ngay từ khi chị mang thai, vợ chồng chị đã lập một trang fanpage riêng, ghi lại từng giai đoạn phát triển của thai kỳ, từng hình ảnh em bé khi siêu âm.

Đến khi em bé chào đời là liên tiếp những bức hình, những đoạn clip ngắn ghi lại từng khoảnh khắc cô bé ăn, ngủ, thậm chí ị tè cũng được mẹ post lên Facebook.

Chị khoe: “Con gái chưa được 3 tháng nhưng fanpage của bé đã có cả ngàn lượt theo dõi và like. Tôi muốn chia sẻ hạnh phúc khi có con của mình cho cả thế giới biết”.

Đó là tâm lý chung của hầu hết các bậc phụ huynh trong thời đại công nghệ số hiện nay. Có vẻ Facebook với các chức năng check-in, chia sẻ, ấn “like”, bình luận, công khai hình ảnh, trạng thái... đã biết đánh trúng tâm lý, nuông chiều sở thích khoe khoang của người dùng.

Nhưng cũng chính từ đó đã xuất hiện không ít tình huống dở khóc dở cười chỉ vì chuyện khoe con.

Chỉ vì không muốn con mình thua kém con đồng nghiệp, chị Hoài Anh (quận Tân Phú, TPHCM) mặc dù chỉ có mức thu nhập trung bình của một nhân viên văn phòng nhưng đã không ngần ngại đầu tư một khoản tiền không nhỏ thuê nhiếp ảnh gia chụp những bộ ảnh nghệ thuật cho con gái từ khi bé 1 tuần tuổi đến lúc thôi nôi để đăng dần lên Facebook.

Chị tự hào: “Bây giờ có nhiều thợ cùng studio rất hiện đại, có thể chụp lúc bé mới sinh được vài ngày với nhiều phụ kiện rất đáng yêu. Mặc dù giá thành mỗi bộ ảnh không hề rẻ nhưng có hề gì, chỉ cần con tôi có những bức hình thật đẹp là tôi ưng rồi.

Bé nhà tôi đã có bộ ảnh lúc 1 tuần tuổi, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng. Nói chung cứ có một mốc nào đó phát triển của bé là tôi lại cho con chụp một bộ hình. Ba mẹ ăn ít đi một chút cũng không sao, miễn con có hình đẹp là được”.

Trong khi đó, chồng chị nhiều lúc không bằng lòng khi thấy vợ chi tiền hoang phí như vậy. Anh cho biết: “Thu nhập của hai vợ chồng cũng chỉ đủ sống, giờ có con thì càng phải tính toán chi tiêu để còn lo cho con sau này, nhưng vợ tôi nghiện chụp ảnh con để đăng Facebook, cứ tiết kiệm được chút ít thì lại đổ hết vào quần áo, chụp hình cho con. Tôi không cấm cản gì chuyện cô ấy làm với con nhưng cũng phải tính toán cân đối chi tiêu vì nuôi con còn cả một chặng đường rất dài”.

Mua “like” hay sự tàn nhẫn?

Không khó để tìm ra những đoạn phim, hình ảnh những đứa trẻ buồn, vui, cười, khóc... trên các trang mạng xã hội do chính người thân của trẻ đăng tải, thu hút hàng trăm nghìn, thậm chí vài triệu lượt xem, trở thành tâm điểm để dân mạng thi nhau bình phẩm, chê bai, giễu cợt...

Trên trang Facebook cá nhân của N.T.V (Quảng Nam) có đăng đoạn phim đứa trẻ đang khóc mếu vì bị cha phạt với dòng giới thiệu đầy tự hào: “Khóc nhè mà trông dễ thương chưa mọi người, con tớ đó”, lẫn trong tiếng khóc mếu của đứa trẻ là tiếng cười của người lớn.

Đoạn phim này thu hút gần 5.000 lượt xem và chia sẻ, bên cạnh hàng trăm bình luận khen: “Nhóc dễ thương quá” “Đáng yêu quá” thì có cả bình luận: “Con khóc thì có gì vui đâu mà khoe?”.

Tương tự, trên trang Facebook cá nhân của Q.A (Hà Nội) cũng có đoạn phim về bé gái khoảng 4 - 5 tuổi vừa cãi lại mẹ vừa khóc mếu vì bị mắng. Q.A cho biết đoạn phim này được chồng chị quay lại khi chị phạt con mình vì phạm lỗi.

“Thấy buồn cười quá nên mình đăng lên facebook, không ngờ cả ngàn like luôn”, chị Q.A nói. Nhưng trong vô số những bình luận, có không ít người nhận xét: “Con còn bé đã cãi mẹ lem lẻm mà vẫn để như vậy được” hay “Con hư con khóc thì có gì vui mà bố mẹ cười dữ vậy?”.

Mới đây, mạng xã hội cũng xôn xao với một clip bé gái 4 tuổi được mẹ dạy cách “chửi chồng”. Clip này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt đồng thời cùng nhận được không ít những lời lên án kịch liệt: “Người mẹ này chắc nghĩ rằng mọi người sẽ thấy thú vị khi xem clip? Hay thấy con gái của mình giỏi? Cả 2 mẹ con đang làm trò cười cho thiên hạ rồi! Đừng vì thú vui của mình mà làm sai lệch đi đạo đứa, văn hóa của trẻ”;

“Khổ thân con bé. Nhìn thông minh, xinh xắn, yêu thế kia mà bị mẹ đầu độc ngay từ nhỏ rồi. Mong rằng sau chuyện này, mẹ cháu nhận ra sai lầm và biết cách dạy con hơn”.

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy nhận định, việc phụ huynh quay lại hình ảnh con mình dù là đang mếu khóc hay cười vui, hoặc những người lớn quay phim trẻ em tập đánh vần, tập đếm rồi đăng tải lên mạng đều là hành vi bạo lực tinh thần trẻ.

Chuyên gia Phạm Thị Thúy cho biết, chị bất ngờ khi thấy ngày càng có nhiều phụ huynh, người lớn tìm đủ mọi thú vui trên mạng xã hội, kể cả thú vui xúc phạm, bạo lực tinh thần trẻ em, thậm chỉ cả con cái, người thân của chính họ.

Đây là một dạng bạo hành tinh thần kinh khủng. Khi đăng tải đoạn phim của trẻ lên mạng xã hội để người khác thoải mái bình luận chê bai, chỉ trích, chửi mắng, phán xét... như thế là “bạo hành cấp số nhân”. Thậm chí có đứa trẻ không thích quay nhưng người lớn vẫn cứ ép để quay, đó là hành vi cực kỳ tệ hại.

Chuyên gia tham vấn tâm lý phân tích, trong mắt bố mẹ thì con lúc nào cũng dễ thương và đáng yêu, nhưng trong mắt thiên hạ thì hoàn toàn không như vậy, vì sẽ có lời khen, lời chê, thậm chí cả những bình luận cợt nhả, ác ý. Tại sao lại đem con cái của mình làm công cụ để mua vui cho thiên hạ, rồi những đứa trẻ ấy phải nhận lại những chỉ trích, chê bai? “Thương con” kiểu này khác nào hại con.

Theo Luật gia Nguyễn Tấn Thi (TP HCM), luật pháp có quy định bảo vệ quyền nhân thân của trẻ em trước những hành vi xấu, tức là những hành động cố ý hoặc vô ý nhưng gây thiệt hại hoặc có khả năng chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại. Vì thế, những hành vi quay phim trẻ em rồi đăng tải trên mạng để mua vui, chọc cười thiên hạ là vi phạm pháp luật.

Lợi bất cập hại

Nhiều chuyên gia cho biết, việc chia sẻ hình ảnh con cũng có thể dẫn đến việc các con bị đối tượng xấu nhòm ngó. Tính năng check in sẽ cho biết trẻ đang ở đâu, khi ba mẹ thường xuyên đăng hình ảnh của con sẽ giúp cho các đối tượng xấu xác định được vị trí chính xác của trẻ ở các thời điểm trong ngày, lộ trình di chuyển và đoán được khi nào con trẻ sẽ có mặt ở đâu để tìm cách tiếp cận chúng với ý đồ xấu.

Từ các bức ảnh, video, các post cá nhân của ba mẹ sẽ tiết lộ thói quen, các sở thích của trẻ tạo điều kiện cho kẻ xấu có thể dễ dàng tiếp cận trẻ. Việc vô tình để lộ quá nhiều thông tin của con như giấy khen, trường học, tên giáo viên… sẽ tạo điều kiện để kẻ xấu dễ dàng tiếp cận với trẻ thậm chí là có thể tiếp cận cả giáo viên trực tiếp hoặc nhà trường như một người thân trong nhà.

Đặc biệt, những bức ảnh về những trẻ đang tắm, những khoảnh khắc hớ hênh vô tình với ba mẹ của trẻ là khoảnh khắc thú vị dễ thương nhưng trong mắt của những kẻ bệnh hoạn lại hoàn toàn khác. Các video hình ảnh dễ thương của trẻ có thể kích thích những kẻ như vậy tiếp cận và gây hại cho trẻ.

Về lâu dài, các bức ảnh này đang xâm hại quyền riêng tư của con, rõ ràng trẻ không thể làm gì khi bị ba mẹ đưa các bức ảnh xấu hổ để khoe với bạn bè. Tuy nhiên, khi trẻ được 5 tuổi, trẻ sẽ quan tâm đến thế giới xung quanh đang nói gì đến mình, trẻ bắt đầu thấy xấu hổ và đặc biệt nhạy cảm với các bức ảnh, video lúc nhỏ của mình. Điều này có khả năng gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ.

Không nhiều ba mẹ quan tâm đến phản ứng của trẻ khi xem các bức ảnh lúc nhỏ. Các bức được cho là thú vị đôi khi là cơ sở để trẻ trở thành kẻ bị bắt nạt trong lớp.

Không dừng lại ở đó, những bức ảnh có thể giúp những kẻ ẩn danh trên mạng uy hiếp và đe doạ trẻ một cách dễ dàng bởi trẻ vẫn chưa biết cách tự bảo vệ bản thân trước các mối nguy hại bằng cách cầu cứu ba mẹ, đặc biệt khi mà ba mẹ chính là người đã làm cho trẻ thấy tự ti và xấu hổ.

Các bức ảnh không đẹp cũng ảnh hưởng đến tương lai và quá trình phát triển của trẻ. Nếu chỉ đơn giản nghĩ là ba mẹ có thể chủ động xoá các bức ảnh đi bất cứ lúc nào thì kẻ xấu cũng nghĩ vậy và luôn luôn lưu lại để sử dụng và huỷ hoại danh tiếng khi con trở nên nổi tiếng. Nguy hại hơn là hình ảnh con cái có thể được gán cho một cái tên khác, sử dụng giả danh cho các mục đích xấu hoặc lừa gạt.

Do đó, để bảo vệ con trẻ, chuyên gia về quyền trẻ em tại Đức, bà Sophie Pohle cho biết “Vấn đề không phải nên hoặc không nên mà là đăng sao cho đúng”.

Trước khi đăng, các phụ huynh cần tự hỏi bản thân điều này có gây tổn hại đến con trẻ không. Luôn hỏi trẻ cảm thấy như thế nào về các hình ảnh của trẻ trước và sau khi đăng. Đặc biệt nên tránh các bức ảnh nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến con trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ