“Khóc thét” vì mạng xã hội

GD&TĐ - Mạng xã hội - kênh chia sẻ thông tin hàng đầu thế giới hiện đang phổ biến ở Việt Nam. Theo thống kê thì có tới 20 triệu người Việt Nam dùng mạng xã hội, chiếm tới 70% số người dùng Internet ở Việt Nam. 

“Khóc thét” vì mạng xã hội

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích vượt trội thì sự phát triển của mạng xã hội cũng kéo theo những mặt trái của nó, mà điển hình là tình trạng mạo danh trên Facebook để trục lợi hoặc bôi nhọ danh dự. Vì sao tình trạng này đã được cảnh báo từ lâu mà vẫn tiếp tục gia tăng?

Hậu quả khó lường

Sau khi tạo tiếng vang lớn tại vòng Chung kết U23 châu Á 2018, các tuyển thủ U23 quốc gia như Nguyễn Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Vũ Văn Thanh… đã ngay lập tức đã trở thành nạn nhân của các “chuyên gia” trên không gian mạng.

Theo đó, họ bị mạo danh bằng cách lập các trang cá nhân cùng tên, tuổi, CLB thi đấu cùng hình ảnh thật ngoài đời. HLV Park Hang Seo cũng không phải là ngoại lệ khi bị “ăn theo” bằng các tài khoản Facebook ảo.

Thông thường, việc mạo danh trên mạng xã hội được thực hiện theo các bước như lập trang Facebook, sử dụng hình ảnh của người bị mạo danh và đăng tải, chia sẻ các thông tin liên quan, thậm chí lấy danh nghĩa những cá nhân này để quảng cáo sản phẩm, kêu gọi từ thiện.

Ngoài hoa hậu, diễn viên nổi tiếng, những người có uy tín trong giới khoa học hay một số chính trị gia, lãnh đạo cũng bị mạo danh. Không dừng lại ở đó, để nhanh chóng nổi tiếng, có bạn trẻ còn mạo danh là thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Không chỉ những ngôi sao, người nổi tiếng mà bất cứ ai cũng có nguy cơ bị lợi dụng trên mạng xã hội. Việc đăng hình lên mạng xã hội rồi bị kẻ xấu sao chép, lấy lại để đăng lên các trang có nội dung không lành mạnh xuất hiện khá phổ biến. K., sinh viên ở Cần Thơ cũng kể đã từng là nạn nhân của tình trạng này.

“Một người đã lập tài khoản Facebook giả mạo, sau đó đăng hình của mình, và… rao bán dâm. Mình thấy được đã nhắn tin yêu cầu phải xóa hình ảnh. Nhưng kẻ ấy phớt lờ, tiếp tục vào trang cá nhân của mình để lấy thêm hình mà mình từng đăng để đăng nhiều hơn. Mình cảm thấy sợ hãi. Sau đó thì mình xóa luôn Facebook cá nhân. Không bao giờ dám đăng hình lên mạng xã hội nữa”.

Trước sự xuất hiện của một số trang blog cá nhân và tài khoản Facebook mạo danh lãnh đạo, những người nổi tiếng, đại diện Bộ TT-TT cho rằng, mỗi cá nhân trước khi đăng tải, chia sẻ thông tin phải biết chắt lọc, có trách nhiệm kiểm tra tính xác thực của thông tin đó bởi họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra.

Người sử dụng chỉ nên coi nguồn tin từ người được chỉ định phát ngôn của các cơ quan, tổ chức, hoặc thông tin được đưa lên trang thông tin điện tử của những cơ quan này là thông tin chính thức.

Xử lý khi bị mạo danh trên mạng xã hội?

Có thể nói, việc mạo danh trên mạng xã hội là hành vi sai trái về đạo đức và luật pháp. Nó gây ra sự bất an và khó chịu cho những người bị mạo danh, ảnh hưởng tới đời sống và công việc của họ. Luật Công nghệ thông tin và Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng nghiêm cấm việc giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Cũng theo luật này, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.

Câu chuyện giả mạo Facebook người nổi tiếng để trục lợi, chửi bới, xúc phạm người khác, gây chia rẽ… đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng cho đến nay, hầu như chưa có vụ việc nào được làm “ra ngô, ra khoai”. Sợ rắc rối kéo dài, hầu hết những người nổi tiếng đều chọn cách xử lý tiện lợi nhất, như yêu cầu khóa nick giả, tự mình phân bua với công chúng.

Ví như, trường hợp của một hoa hậu không sử dụng Facebook cá nhân, nhưng một ngày, phát hiện ra từ bao giờ trên mạng đã có trang Facebook của mình. Trang Facebook này sử dụng hình ảnh của cô, phát ngôn dưới tư cách của cô. Liên hệ, yêu cầu xóa bỏ nhưng không được đồng ý, cô đành bỏ tiền ra mua lại Facebook giả danh mình, chỉ để yên chuyện, vì trang Facebook này đã khá nổi tiếng và có sức ảnh hưởng nhất định.

Cũng chính vì cách lựa chọn “dĩ hòa vi quý” này, những kẻ giả mạo hầu như chưa hề bị xử lý, và cũng vì thế, những hành vi này vẫn tiếp diễn từ năm này sang năm khác, với hậu quả ngày một phức tạp hơn.

Các chuyên gia mạng xã hội khuyến cáo, khi phát hiện bị người khác giả mạo, lập tài khoản “giống y chang” trên Facebook, nên gửi thông báo và đầy đủ các thông tin liên quan để chứng minh trang của mình bị giả mạo cho Facebook để đề nghị khóa trang giả mạo lại, đồng thời cảnh báo lên “trang chính chủ”. Bên cạnh đó, nếu xác định chính xác kẻ giả mạo cần báo cho các cơ quan chức năng, công an để ngăn chặn kịp thời những hệ lụy về sau.

Về biện pháp hành chính, hành vi “Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác” sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Ngoài ra, căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, người thực hiện hành vi có thể bị khởi tố về tội làm nhục người khác, tội vu khống, tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet… Bên cạnh đó, người bị mạo danh có thể khởi kiện vụ việc dân sự để đòi bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất, xin lỗi hoặc cải chính công khai do hành vi này gây ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.