Khoanh vùng đa dạng san hô ở vùng biển Việt Nam

GD&TĐ - Các nhà khoa học đã xác định được 109 loài rong biển thuộc 4 ngành rong Lam, rong Đỏ, rong Nâu và rong Lục có giá trị kinh tế và dược liệu...

Rạn ngầm Cửa Roòn (Quảng Bình).
Rạn ngầm Cửa Roòn (Quảng Bình).

Tìm ra sự đa dạng của sinh thái biển

“Nghiên cứu sự đa dạng của một số nhóm sinh vật biển sống trên rạn san hô trong chuyến khảo sát bằng tàu “Viện sỹ Oparin” lần thứ 7 trong vùng biển Việt Nam” là nhiệm vụ được triển khai với sự hợp tác giữa Viện Tài nguyên và Môi trường biển - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

Nghiên cứu đa dạng sinh học biển tại Việt Nam ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh chưa có đầy đủ dữ liệu khảo sát tại một số khu vực trọng yếu. Các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu vùng bờ Tây vịnh Bắc Bộ, trong khi các chuyến khảo sát trước đó (lần 5 và 6) chủ yếu diễn ra ở khu vực miền Trung và Nam Bộ.

Tuy nhiên, một khoảng trống lớn vẫn tồn tại khi các khu vực cửa vịnh Bắc Bộ và dải rạn ngầm ở vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị chưa được nghiên cứu đầy đủ.

TS Nguyễn Đăng Ngải, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xác định được 109 loài rong biển thuộc 4 ngành chính gồm rong Lam, rong Đỏ, rong Nâu và rong Lục.

Các khu vực có sự đa dạng loài rong biển phong phú nhất là đảo Cồn Cỏ, đảo Trần, Cù Lao Chàm và Hải Vân - Sơn Chà (từ 22 - 30 loài). Đáng chú ý, trong số này có 66 loài rong có giá trị kinh tế và dược liệu, được ứng dụng trong thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, chiết xuất agar, carrageenan, nhiên liệu sinh học và phân bón.

Nhóm nghiên cứu cũng đã ghi nhận 199 loài động vật đáy, trong đó có 78 loài có giá trị kinh tế cao, bao gồm bào ngư, trai ngọc, ốc đụn và ghẹ. Nhất là một số loài như bào ngư, trai ngọc, ốc đụn đực và cái đều có tiềm năng lớn trong thương mại. Nhóm đã phát hiện 31 loài hải miên, phân bố rộng rãi tại các bãi đá và rạn san hô, trong đó khu vực Cô Tô - Thanh Lân có số loài nhiều nhất.

Tính riêng san hô, nhóm đã xác định được tổng cộng 281 loài, bao gồm san hô cứng, san hô đen và san hô mềm. Các khu vực có hệ sinh thái san hô phong phú nhất gồm Cù Lao Chàm, Hải Vân - Sơn Chà và Cồn Cỏ với hơn 120 loài. Độ phủ trung bình của các rạn san hô là 30,9%, với Hòn Mắt - Hòn Con Cá (Nghệ An) có độ phủ tốt nhất.

Về các loài cá rạn, nhóm đã ghi nhận 670 loài thuộc 240 giống và 79 họ. Các khu vực như Hải Vân - Sơn Chà, Cồn Cỏ và Đảo Trần có số lượng loài phong phú nhất (130 - 191 loài). Các nhà nghiên cứu cũng xác định 11 loài cá, 11 loài san hô và 1 loài bàn mai đen có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, cùng với 256 loài san hô cứng có tên trong danh lục đỏ IUCN và CITES.

khoang-vung-da-dang-san-ho-o-vung-bien-viet-nam-1.jpg
Rạn san hô ở Hòn Mắt (Nghệ An).

Cần sớm thành lập các khu bảo tồn

TS Nguyễn Đăng Ngải cho biết, nhóm nghiên cứu đã làm rõ các giá trị kinh tế của các nhóm sinh vật, bao gồm 123 loài cá có giá trị thương phẩm, 254 loài cá cảnh và 11 loài cá có giá trị dược liệu. Nhóm hải miên có 8 loài có hoạt tính sinh học cao như kháng virus, kháng khuẩn, chống ung thư, cung cấp nguồn tài nguyên quý giá cho y học và công nghệ sinh học.

Trong phạm vi nghiên cứu, đã có 6 khu vực được thành lập khu bảo tồn biển với ban quản lý nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, bao gồm: Hạ Long, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm và Lý Sơn. Ngoài ra, ba khu vực khác dự kiến thành lập khu bảo tồn là Cô Tô - Đảo Trần, Hòn Mê và Hải Vân - Sơn Chà, trong khi các khu vực còn lại vẫn chưa được đưa vào quy hoạch bảo tồn biển.

Để bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần nhanh chóng thành lập các khu bảo tồn đã được đề xuất. Đồng thời, nên xem xét bổ sung các khu vực có tiềm năng như rạn ngầm Cửa Roòn (Quảng Bình) và đảo Hòn Mắt (Nghệ An) vào quy hoạch hoặc khuyến khích thành lập các tổ cộng đồng tự quản để bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học địa phương. Đây là những đề xuất quan trọng góp phần tạo nên khung pháp lý và cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn biển tại Việt Nam.

Sau chuyến khảo sát, các nhà nghiên cứu đã xuất bản cuốn sách chuyên khảo về “Rong biển tại một số đảo Đông Bắc Việt Nam” do Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ phát hành. Cuốn sách cung cấp những nghiên cứu chi tiết về các loài rong biển đặc hữu tại khu vực này.

TS Nguyễn Đăng Ngải cho biết, kết quả nghiên cứu đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về đa dạng sinh học biển ven bờ từ Đảo Trần (Quảng Ninh) đến Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đồng thời, các chuyên gia đã chỉ ra tình trạng phục hồi của một số hệ sinh thái cũng như nhấn mạnh sự suy giảm đáng lo ngại ở các khu vực khác, nhất là những loài có giá trị kinh tế đang giảm mạnh về số lượng, trữ lượng và kích thước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ